Mong manh cầu treo dân sinh ở Hà Tĩnh

13/05/2020 07:07 GMT+7

Tình trạng sạt lở bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, đe dọa 1 cầu treo dân sinh và đất đai của người dân.

Theo phản ánh của người dân, những năm gần đây, bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua địa phận huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) bị sạt lở và tình trạng này diễn ra ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Nguy hiểm nhất là đoạn qua thôn Vĩnh Yên (xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ), khi tại đây có cây cầu treo Chợ Bộng bắc qua sông đang bị “hà bá” dọa “nuốt chửng” từng ngày.
Ông Nguyễn Văn Trí (52 tuổi, ngụ thôn Vĩnh Yên), nhà gần cầu treo Chợ Bộng, cho biết cây cầu này dài khoảng 120 m, rộng hơn 4 m, nối huyện Đức Thọ và huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), nên hàng ngày phương tiện của người dân qua lại rất đông. Nhờ có cây cầu này mà khoảng 300 hộ dân với 1.000 nhân khẩu của xã Đức Lạng được đi lại thuận lợi hơn.
Cầu được xây dựng từ hàng chục năm trước, hiện không còn vững chãi. Gần đây, một bên mố cầu bị sông “ngoạm” mất một tảng đất rất lớn, khiến người dân mỗi lần đi qua cầu đều thấp thỏm, lo âu.
“Chỉ một trận lũ lớn xảy ra là có thể cuốn trôi hết phần đất ở mố chân cầu đang bị sạt lở này. Không chỉ cầu bị đe dọa, mà đất sản xuất nằm ven sông của gia đình tôi và một số hộ dân khác cũng đang bị sông thu hẹp dần. Chúng tôi mong chính quyền các cấp kịp thời khảo sát, sớm có biện pháp khắc phục cho cầu và xây dựng tuyến bờ kè kiên cố 2 bên bờ sông để ngăn chặn tình trạng sạt lở”, ông Trí nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, dọc 2 bên bờ sông qua xã Đức Lạng được người dân ở địa phương trồng rất nhiều bụi tre rậm rạp để giữ đất. Tuy nhiên, do đất ở phần chân bị nước khoét sâu vào bên trong, nên cây tre cũng không thể trụ vững, có nhiều bụi tre lớn bị đổ sập xuống mép sông.
Ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Đức Lạng, cho hay sau hơn 20 năm đưa vào sử dụng, cầu treo Chợ Bộng hiện đã cũ và yếu. Về mùa mưa lũ, cầu treo là con đường độc đạo không bị ngập nước, giúp việc cứu hộ, cứu nạn và di dân dễ bề được triển khai. Tuy nhiên, cây cầu này đang đứng trước nguy cơ đổ sập xuống sông vì mố cầu bị xói lở.
“Khu vực chân cầu treo có địa chất yếu và sâu, khiến nước đổ dồn về rất mạnh. Có thể do nguyên nhân này mà mố cầu bị bào mòn dần, gây ra tình trạng sạt lở đất như hiện nay. Vừa qua, huyện cũng đã thành lập đoàn về địa phương khảo sát để tìm cách khắc phục, nhưng do chưa có kinh phí nên đến nay vẫn chưa triển khai được”, ông Hiệp nói và cho biết, xã đã xây dựng được một số đoạn bờ kè ở những điểm bờ sông sạt lở nghiêm trọng nhất. Hy vọng đoạn chân cầu treo cũng sớm được xây dựng để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại.
Theo ông Đặng Giang Trung, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, huyện này đã giao Ban quản lý các dự án xây dựng cơ bản lập dự án, tổ chức đấu thầu làm bờ kè kiên cố hai bên bờ sông Ngàn Sâu, để bảo vệ đất đai của người dân và khắc phục sạt lở ở chân cầu treo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.