Vì vậy, nâng niu trân trọng tình cảm, sự tin tưởng của bạn đọc là trách nhiệm và thiên chức của những người làm báo ở Thanh Niên.
Đậm hơi thở thời sự
2019 là một năm nở rộ rất nhiều chuyện đất đai nhà cửa ở các dự án trải dài từ bắc chí nam. Khi vụ án Alibaba lừa đảo nổ ra, cũng là lúc Ban Công tác bạn đọc tiếp nhận hàng chục đơn thư của khách hàng kêu cứu, không chỉ riêng ở các dự án của hệ thống các công ty của Alibaba, mà sau đó đã trở thành “dây chuyền” ở rất nhiều dự án khác của nhiều chủ đầu tư nằm rải rác các quận huyện ven TP.HCM hoặc các huyện Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai) hay một số huyện của tỉnh Bình Thuận.
Bạn đọc là khách hàng của các chủ đầu tư lừa đảo hoặc có dấu hiệu lừa đảo thì rất nhiều tầng lớp, nhưng “mẫu số chung” ghi nhận được từ những lá đơn gửi đến Thanh Niên là các công ty làm các sự kiện hoành tráng, rủ rê lên xe đi tham quan, dụ dỗ đặt cọc mua đất rồi sau đó khách hàng… liên lạc không được nữa, nếu có liên lạc được thì cũng vòng vo, chây ì khiến người mua đất vô cùng mệt mỏi.
|
Hoặc nhiều trường hợp nêu rõ tình trạng các nhân viên bán đất “chỉ đại” lô đất cho người mua ở đâu đó trong khu vực, nhưng khi cất công tìm hiểu hằng tháng trời, họ lại phát hiện ra đất đó của người khác. Từ đó, nảy sinh tranh chấp, kiện tụng. Và lại bắt đầu một hành trình “đáo tụng đình” mệt mỏi khác, khiến họ đành phải chấp nhận một thực tế: hoặc mất tiền, hoặc phải bỏ công ăn việc làm ôm hồ sơ đi gõ khắp các cửa!
Loại hồ sơ như vậy, Thanh Niên phải đọc kỹ, phân tích, phân loại để xử lý. Trong thực tế, chúng tôi cũng đã chuyển cho công an khá nhiều, còn một số có chứng lý dày hơn thì giao cho PV Ban Công tác bạn đọc hoặc chuyển đến tận tay các ban chuyên môn của tòa soạn, các văn phòng đại diện để cử PV điều tra, xác minh viết bài.
Trong năm 2019, Báo Thanh Niên đã tiếp nhận riêng ở tòa soạn tại TP.HCM qua đường gián tiếp (bưu điện) hoặc trực tiếp là 937 đơn thư khiếu nại tố cáo, trong số đó hồ sơ khiếu nại về giải tỏa đền bù tại các dự án, lừa đảo bán đất, tranh chấp đất đai, việc cấp giấy chủ quyền nhà đất, giấy phép xây dựng của các cơ quan chức năng chiếm khoảng 60%, số còn lại là khiếu nại về bảo hiểm, vay tín dụng, mua hàng tiêu dùng, việc hành xử không hợp lẽ của các nhà mạng... Có 93 đơn thư buộc phải lưu do không đúng quy định, làm công văn phiếu chuyển gửi các cơ quan chức năng 792 đơn thư, khai thác viết bài 52 đơn thư và bạn đọc yêu cầu rút lại đơn, ghi sai địa chỉ 40 hồ sơ...
Content
|
Xác nhận “đậy nắp hầm bí mật” và... những chuyện khác
Một ngày tháng 4.2019, chúng tôi nhận được lá đơn của một người đàn ông 58 tuổi tên T., người gốc miền Trung. Ông T. gửi đơn đến báo trình bày câu chuyện tóm tắt như sau: Hồi nhỏ khoảng 9, 10 tuổi, ông T. được người lớn giao “nhiệm vụ” canh và giở hoặc đậy nắp hầm bí mật cho một cán bộ thường vụ huyện ủy hoạt động trong lòng địch. Ông T. giở và đậy nắp hầm như vậy trong mấy năm, tuy nhiên mãi sau này đến năm 2017, ông mới đi xin làm giấy xác nhận là người có công để được hưởng chế độ theo quy định.
Khổ nỗi khi ông đến cơ quan lao động - thương binh - xã hội, thì nơi này căn cứ nghị định về xác nhận thành tích và áp dụng chính sách cho người có công, bảo rằng phải có ít nhất 2 người làm chứng và không chịu giải quyết.
Trong lá đơn gửi đến báo, ông T. than thở: “Tôi xin hỏi quý báo, là giở và đậy nắp hầm bí mật thì phải… bí mật chứ, nếu có ai biết nữa thì còn đâu là… bí mật. Vì vậy, đòi có người làm chứng chẳng khác gì đánh đố tôi?”. Cực một điều, ông cán bộ thường vụ ấy cũng đã khuất núi, nên loay hoay mãi mà đành chịu! Và với trường hợp này thì chúng tôi cũng đành… bó tay, chẳng thể làm gì hơn được!
|
Lại có rất nhiều trường hợp gửi đơn đến tòa soạn mà nhất định yêu cầu sự việc của mình phải đăng báo, trong khi nội dung câu chuyện là một “thiên trường ca” cuộc đời. Cũng có khi, một vài người có vấn đề về thần kinh cứ bị ám ảnh rằng mình bị ai đó rắp tâm ám hại nên đến báo trình bày vụ việc của mình mà chẳng đưa ra được chứng cứ gì. Họ đã đến cơ quan công an nhiều lần, nhưng bị từ chối, vì công an khu vực xác minh nhân thân biết người này… “có vấn đề”, vậy là họ nhiều lần tìm đến tòa soạn một mực yêu cầu phải “cho tui lên mặt báo ngay tức khắc”, khiến bộ phận tiếp bạn đọc nhiều lần… tháo mồ hôi hột!
Nhưng rồi, những câu chuyện kiểu này đôi khi cũng trở thành đề tài bàn tán thêm vui của cuộc trà dư tửu hậu, vì chúng tôi biết rằng, với trách nhiệm của mình, chẳng thể từ chối bất cứ một bạn đọc nào. Bởi những lá đơn của bạn đọc gửi đến càng đầy lên lắm niềm tâm sự, và ngày càng dày lên theo năm tháng.
Đó chẳng phải là sự tin tưởng vào Thanh Niên hay sao?
Bình luận (0)