Ngang nhiên 'bức tử' Eo Bạch

17/12/2018 10:08 GMT+7

18 hộ kinh doanh mực nhảy Vũng Áng đã xây dựng nhà bè kiên cố trái phép, tự ý xẻ núi lấy đá làm bờ kè chắn sóng tại Eo Bạch (Hà Tĩnh) nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp xử lý, ngăn chặn.

[VIDEO] Sai phạm tại khu kinh doanh mực nhảy nổi tiếng Hà Tĩnh
Theo tìm hiểu của PV, ngày 22.11.2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt quy hoạch xây dựng khu bè nổi kinh doanh hải sản tại khu vực  Eo Bạch (thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, TX.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để thu hồi diện tích mặt nước tại khu vực cảng Vũng Áng phục vụ dự án xây dựng cầu cảng số 3 và số 4 mà 18 hộ dân xã Kỳ Lợi (TX.Kỳ Anh) “chiếm dụng” trái phép để kinh doanh bè nổi mực nhảy Vũng Áng suốt thời gian qua.
Trên cơ sở quy hoạch chi tiết của UBND tỉnh, UBND TX.Kỳ Anh giao Trung tâm dịch vụ hạ tầng và môi trường đô thị TX.Kỳ Anh làm chủ đầu tư, huy động 100% nguồn lực xã hội hóa để xây dựng dự án hạ tầng khu bè nổi kinh doanh hải sản đặt tại Eo Bạch.
Trong quy hoạch của dự án, các hộ kinh doanh chỉ được phép làm nhà bè nổi bằng sắt, ván gỗ như tại vị trí cũ trước đây. Còn chủ đầu tư sẽ cho xây dựng 6 hạng mục: đường giao thông ven biển dài 593 m; kè mái ta luy tuyến đường; hệ thống thoát nước; đường điện; bãi đỗ xe; đường ống cấp nước; hàng rào.
Đến giữa tháng 5, sau khi dự án được hoàn thành, 18 hộ kinh doanh bốc thăm vị trí và tiến hành di dời đến khu vực kinh doanh hải sản tại Eo Bạch. Tuy nhiên, thay vì làm bè nổi theo quy hoạch, cả 18 hộ kinh doanh mực nhảy đã tự ý cho xây dựng nhà bè kiên cố bằng bê tông, cốt thép trái với quy hoạch được cấp phép.
Đặc biệt, các hộ này còn tự ý đưa máy móc đến “khai thác” đá hộc dưới chân núi Eo Bạch, phía sau đền thờ Thánh mẫu Nguyễn Thị Bích Châu (tên gọi khác là đền Bà Hải) khiến quang cảnh phía sau ngôi đền linh thiêng này trở nên nhếch nhác. Đá lấy từ chân núi được đổ lấn xuống mặt biển, làm thành một đoạn bờ kè chắn sóng dài khoảng hơn 100 m, chạy vòng phía sau các nhà bè kinh doanh mực nhảy.
Theo ghi nhận của PV, việc tự ý “xẻ thịt” chân núi Eo Bạch của các hộ kinh doanh vô tình mở ra một con đường dài khoảng 500 m, rộng khoảng 3 m ngay dưới chân núi Eo Bạch. Chân núi bị khoét sâu lộ ra nhiều vách đá dựng đứng, nguy cơ xảy ra sạt lở bất cứ lúc nào nếu có mưa bão. Đáng nói, việc khai thác đá của các hộ diễn ra trong thời gian khá lâu nhưng không bị chính quyền địa phương ngăn chặn.
Ông Phan Văn Thành, Giám đốc Trung tâm dịch vụ hạ tầng và môi trường đô thị TX.Kỳ Anh, khẳng định việc người dân xây dựng nhà bè kiên cố trái phép và lấy đá dưới chân núi Eo Bạch lấp biển làm kè chắn sóng đã được đơn vị này phát hiện và báo chính quyền địa phương. “Việc đó là dân tự phát, chúng tôi cản nhưng không được và đã báo cáo cho UBND xã Kỳ Lợi”, ông Thành nói.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Phan Duy Vĩnh, Phó chủ tịch UBND TX.Kỳ Anh, thừa nhận trong quá trình thực hiện công trình, người dân tự ý đổ cọc nhồi, xây hạ tầng kiên cố là vi phạm, đi ngược lại chủ trương của thị xã. Sự việc này thị xã biết, có chỉ đạo, nhưng do vị trí tại Eo Bạch có sóng to, nếu người dân làm lồng bè như trước đây thì chỉ một thời gian ngắn sẽ bị sóng đánh hỏng. Về mặt quản lý nhà nước thì thị xã thừa nhận sai.
“Chúng tôi thừa nhận việc người dân lấy đá dưới chân núi để làm kè chắn sóng không có trong chủ trương nhưng cơ quan chức năng phát hiện muộn. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của các bên. Sai chỗ nào thì chúng tôi sẽ thông tin thêm. Trong phương án đã được bàn bạc, thì giai đoạn 2 của dự án mới làm đê chắn sóng”, ông Vĩnh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.