Ngày 8.3 có từ đâu và những điều đàn ông, phụ nữ có thể chưa biết

08/03/2019 10:02 GMT+7

8.3 là ngày phụ nữ được tôn vinh, nhưng chưa hẳn ai cũng hiểu được nguồn gốc, ý nghĩa, thậm chí vô tình hay cố ý để những món quà vật chất làm mất đi giá trị của ngày lễ này.

Nguồn gốc ngày 8.3

Theo PGS.TS Hoàng Văn Việt (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM), ngày 8.3 bắt đầu từ phong trào của nữ công nhân ngành dệt nước Mỹ vào cuối thế kỷ XIX.
Theo đó, vào ngày 8.3.1857, công nhân ngành dệt may ở thành phố New York diễu hành phản đối giới chủ vì điều kiện làm việc khó khăn, tồi tàn của họ. Hai năm sau, tức năm 1859 và cũng trong tháng 3, các nữ công nhân ngành dệt Mỹ đã thành lập tổ chức công đoàn đầu tiên bảo vệ và giành quyền lợi cho mình. Đây được xem như mốc thời gian đầu mà những người phụ nữ đoàn kết, cùng đứng lên đòi quyền tự do, vị trí xứng đáng trong xã hội.
Sự ích kỉ trong suy nghĩ và hành vi thiển cận trong việc làm của người đàn ông và sự cam chịu của một bộ phận phụ nữ là cội nguồn của sự vùng lên đấu tranh của phụ nữ Ảnh minh họa: Shutterstock
Tuy nhiên, theo PGS.TS Hoàng Văn Việt, phải sau 50 năm từ mốc thời gian nêu trên, vào ngày 8.3.1910, tại Hội nghị phụ nữ do Quốc tế Cộng sản II tổ chức, mới quyết định chọn ngày 8.3 hằng năm là Ngày Quốc tế Phụ nữ - ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ. Hội nghị này có gần 100 đại biểu đến từ 17 quốc gia, đều bày tỏ sự ủng hộ đoàn kết với nữ công nhân quốc tế, đòi quyền tự do và quyền bầu cử cho phụ nữ.
Các thông điệp và khẩu hiệu được đưa ra lúc này chủ yếu là để đòi quyền lợi, quyền bình đẳng cho phụ nữ như “Ngày làm việc 8 giờ”, “bình đẳng nam nữ trong việc làm”, “bảo vệ bà mẹ và trẻ em”… Từ đó, ngày 8.3 hằng năm trở thành ngày đấu tranh ủng hộ phụ nữ lao động trên toàn thế giới vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình, tiến bộ xã hội, vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.
“Sự ích kỉ trong suy nghĩ và hành vi thiển cận trong việc làm của người đàn ông và sự cam chịu của một bộ phận phụ nữ là cội nguồn của sự vùng lên đấu tranh của phụ nữ đòi bình quyền đối với đàn ông, trả lại cho họ vị trí xứng đáng trong xã hội. Đó là nguồn gốc xâu xa của ngày phụ nữ”, PGS.TS Hoàng Văn Việt nói.
Cũng theo ông Việt, tại Việt Nam, ngày 8.3 còn có ý nghĩa hơn khi đây cũng là dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng phất cờ đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Hiện nay, ngày 8.3 là dịp để mọi người, đặc biệt là nam giới thể hiện tình cảm như gửi những lời chúc tốt đẹp, tặng hoa hay những món quà ý nghĩa và những việc làm thiết thực cho những người phụ nữ thân thương của họ.

Ý nghĩa ngày 8.3 bị “méo mó”

Theo PGS.TS Hoàng Văn Việt, nhiều nước trên thế giới, ngày 8.3 là ngày lễ chính trong năm và được tổ chức trọng thể. Tại một số quốc gia, sự kiện này còn là dịp biểu thị sức mạnh của phụ nữ, diễu hành đòi bình đẳng giới, cải thiện đời sống, tăng lương…
“Trong ngày này, người nam giới thể hiện tình cảm và việc làm thiết thực bày tỏ sự cảm ơn và lòng trân trọng của họ đối với phụ nữ qua những gói quà nhỏ, những bông hoa sắc màu hay những việc làm thiết thực”, ông Việt chia sẻ.
Ngày 8.3 là dịp nam giới thể hiện tình cảm đối với người phụ nữ thân thương của họ  Ảnh minh họa: Shutterstock
Tuy nhiên, nhìn nhận dưới góc độ đời sống, xã hội hiện nay, PGS.TS Hoàng Văn Việt cho rằng sự thay đổi của đời sống vật chất, đồng tiền lên ngôi đã dẫn đến thực trạng ý nghĩa tốt đẹp của ngày 8.3 bị méo mó khi có những suy nghĩ hám lợi, thiển cận hoặc sự đòi hỏi những món quà đắt giá.
Bản chất ban đầu của ngày 8.3 là phụ nữ đấu tranh đòi tự do, quyền bình đẳng chứ không phải đòi sự tôn vinh hay muốn được tặng quà. Người phụ nữ đấu tranh, đòi quyền cho mình gắn liền với trẻ em và liên kết mở rộng toàn xã hội, các quốc gia chứ không mang tính chất cá thể.
Theo PGS-TS Hoàng Văn Việt, quan niệm và cách thể hiện đối với ngày phụ nữ hiện nay không chỉ là những lời chúc tốt đẹp, những món quà nhỏ mà còn bao gồm cả sự đòi hỏi về lợi ích. “Không ít trường hợp, việc thể hiện của người đàn ông trong ngày 8.3 được đánh giá qua lợi ích, thiên về đồng tiền và giá trị của vật chất mang lại. Việc này hoàn toàn không đúng với ý nghĩa tốt đẹp ban đầu”, PGS.TS Hoàng Văn Việt nhận xét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.