Ghi nhận ở nhiều khu dân cư tại Đà Nẵng, từ chiều tối 11.8, hoạt động phân bổ “tem phiếu” đã rất... rộn ràng. Bên cạnh sự đồng lòng, nỗ lực chung cùng chính quyền thắt chặt kiểm soát, phòng chống dịch bệnh Covid-19 lan rộng trong cộng đồng, nhiều người vẫn lo lắng khi nhiều gia đình khó khăn, phải đi chợ từng bữa, người thuê trọ không có tủ lạnh để trữ đồ ăn...
Không du di!
Đến sáng 12.8, các khu vực chợ tại Đà Nẵng như Chợ đầu mối Hòa Cường, Chợ Nguyễn Tri Phương, Chợ Đống Đa, Chợ Hàn, Chợ Cồn... đều được kiểm soát nghiêm ngặt. Tại những lối chính dẫn vào chợ, lực lượng kiểm soát đặt bàn kiểm soát và thu phiếu đi chợ của người dân, hướng dẫn khai thông tin trên phiếu để đảm bảo truy vết dịch tễ và đo thân nhiệt trước khi vào chợ.
|
Nhiều bà nội trợ chuẩn bị sẵn phiếu và danh mục những món cần mua, tranh thủ vào chợ, thực hiện giãn cách để đảm bảo an toàn cho bản thân. Nhưng cũng có nhiều người không có phiếu với các lý do “sáng đi sớm chưa kịp nhận”, “là sinh viên, chưa thấy chủ nhà trọ phát”, hay “để quên phiếu ở nhà, tranh thủ vào mua tí rồi ra”... đều không được giải quyết.
“Tôi thấy cũng có vài người không mang phiếu. Tôi cũng nằm trong số đó. Có lẽ do gấp gáp quá nên tổ dân phố chưa phân phiếu đến nơi. Tôi thấy không sao cả. Chiều có phiếu lại vào mua. Dịch phải khác với ngày thường nên chấp nhận thôi”, bà Hồ Thị Cẩm Lệ (người dân phường Hòa Thọ Tây, Q.Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết.
Bà Lê Thị Mẫn (ở Q.Hải Châu, Đà Nẵng) cũng chia sẻ: “Tình hình dịch bệnh phức tạp nên mọi chủ trương dù gấp gáp, dù có vướng chỗ nọ chỗ kia, nhưng bà con cũng đồng lòng vì cái chung, đó là chống dịch an toàn. Không phải như ngày thường để nói chuyện nấu ăn bằng đồ tươi sống mỗi ngày. Nhiều người còn ngồi chờ để nhận thức ăn, nên mỗi người bớt bớt nhu cầu của mình lại một chút, cũng vì cái chung”.
“Hôm nay là ngày chẵn, phiếu chẵn màu hồng. Cứ có phiếu là chúng tôi cho vào chợ. Không có thời gian để túm tụm lại giải thích, cân nhắc những lý do như chưa có phiếu, chưa nhận phiếu, hay quên phiếu. Vì là bà con ở những khu dân cư quen nhau quá rồi, không phải nói chuyện cứng nhắc với nhau, nhưng chống dịch như chống giặc, du di cho người này thì phải giải quyết thêm cho người khác. Mà dịch thì nó không chừa một ai. Nên bà con thương nhau, thương chúng tôi thì bà con chịu khó tuân thủ giãn cách và chia tần suất đi chợ cho phù hợp”, ông Nguyễn Nô (Ban quản lý Chợ Nguyễn Tri Phương, Q.Hải Châu), cho biết.
Tiểu thương cũng bán theo ngày chẵn, lẻ
Theo ghi nhận của phóng viên, có địa phương cấp thẻ cho mỗi hộ theo số chẵn, có hộ số lẻ, cũng có địa phương cấp mỗi ngày chẵn lẻ với nhiều lý giải khác nhau. “Cơ bản vẫn là để người dân chủ động thu xếp thời gian đi chợ của mình ở khu dân cư gần nhất để đảm bảo giãn cách”, anh Nguyễn Văn Toàn (Tổ trưởng Tổ dân phố số 5, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu) cho biết.
Đa phần các hộ dân trong tổ của anh Toàn tán đồng với cách phát nhà số chẵn phiếu chẵn, nhà số lẻ phiếu lẻ. Vì theo họ, chẵn hay lẻ thì cũng nên thu xếp vài ba ngày, đến 5 ngày hãy đi chợ một lần nếu có điều kiện trữ đông thực phẩm hoặc hàng xóm có thể chủ động đổi cho nhau khi cấp thiết.
|
“Giãn tần suất đi chợ trước tiên là quy định phòng chống dịch, bớt tụ tập đông người ở các chợ truyền thống, sau đảm bảo an toàn cho chính mình và người thân”, anh Trần Tuấn (Tổ dân phố số 5, P.Hòa Cường Nam) nói.
Cũng theo anh Tuấn, mọi người nên cố gắng tuân thủ và hạn chế tần suất vào chợ bằng nhiều cách như lên danh sách thực phẩm cho từng bữa, ưu tiên nhóm rau, đậu sẽ nấu trong những ngày đầu, những ngày sau có thể chuyển qua nấu củ quả, vẫn đảm bảo dinh dưỡng mà không nhất thiết phải vào chợ nhiều.
Chị Trương Thu Hương (người dân đi Chợ Đống Đa) cho biết, vì tính chất công việc nên chị đi chợ một lần ăn cả tuần. “Nếu chịu khó tính toán, cân nhắc thực đơn thì tủ lạnh mỗi nhà có thể trữ thực phẩm cho cả tuần. Nhà nào không có tủ lạnh thì có thể ưu tiên những nhóm trứng, củ quả có thể để được vài ngày, hay những nhóm cá kho, thịt kho có thể ăn được 2 ngày...”, chị Hương tư vấn.
|
Không chỉ người đi chợ, bản thân các tiểu thương tại các chợ ở Đà Nẵng cũng nhận phiếu chẵn, lẻ để vào chợ bán. Theo đó, có người sẽ bán ngày chẵn, có người bán ngày lẻ, để đảm bảo giãn cách.
“Dịch dã, còn khỏe mạnh bán được ngày nào là may ngày đó chứ ai muốn vậy. Chính quyền cũng đã làm hết sức của họ để giãn cách an toàn cho chợ truyền thống”, chị Nguyễn Thị Bé (tiểu thương chợ Mới) tâm sự.
“Nếu có thiếu gì hay kẹt quá không vào chợ truyền thống được thì vẫn còn siêu thị mở cửa. Hiện tại các siêu thị chưa phân biệt tần suất mua hàng vì ở đó có người kiểm soát thân nhiệt, số người vào cũng giới hạn ở mức có thể đảm bảo an toàn”, ông Nguyễn Thành Hưng (người dân sống bên cạnh Chợ Mới) chia sẻ về nhu cầu vào chợ truyền thống.
Ghi nhận tại các địa phương, đến chiều 12.8, đa phần các tổ dân phố đã phân bổ phiếu vào chợ truyền thống cho người dân. Đối với sinh viên, công nhân thuê trọ sẽ nhận phiếu đi chợ từ chủ nhà.
"Theo thông tin chúng tôi nhận được thì người dân các quận, huyện, sẽ nhận được phiếu trong ngày 12.8. Không chỉ tìm cách phát đủ, phát sớm cho người dân, cán bộ phường còn liên tục cập nhật những trường hợp sinh viên khó khăn, lao động tự do mất việc để hỗ trợ lương thực kịp thời", bà Trương Thị Thúy Ngọc (Phó Chủ tịch P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu) khẳng định.
Bình luận (0)