Hành trình thực hiện hóa giấc mơ
Từ hơn một năm nay khi ngôi nhà cổ của anh Trần Hữu Phú (Mỏ Cày Nam) được hoàn thành xong thì có rất nhiều lời trầm trồ từ người dân xung quanh, kể cả khách lạ qua đường. Nhưng khi được tiếp xúc cùng anh và nghe lại hành trình từ lúc nung nấu cho đến khi xây dựng hoàn thành thì mọi người lại càng ngỡ ngàng hơn.
‘’Lúc còn nhỏ tôi hay theo ông nội để xem ông mài mực tàu viết các sớ văn cúng đình, liễn đối ngày xuân. Ông trước kia là thầy thuốc nam biết cả châm cứu, bấm nguyệt, coi ngày tốt xấu và là thầy đồ dạy nho học trong làng. Chính vì điều đó mà ít nhiều tôi được ảnh hưởng lễ nghĩa gia phong từ chính người ông của mình’’, anh chia sẻ.
Phủ thờ họ Trần đầu tiên do ông Trần Văn Biêng (tức cha của ông nội anh) cho khởi công và xây dựng năm Giáp Tuất, 1934. Ông cho mua gỗ và mướn nhiều nghệ nhân xứ Huế vào để xây dựng. Phủ thờ lúc đó có 3 gian - 2 chái, được làm theo kiểu nhà truyền thống cột cây Nam Bộ. Mẫu nhà lúc bấy giờ được ông tự tay thiết kế và cho chạm trổ những loại cây trái, kỳ hoa dị thảo ở vùng đất phương Nam trên các vì kèo, xuyên, trính vỏ đậu.
|
|
|
|
|
Qua năm dài tháng rộng anh Trần Hữu Phú được ông mình kể lại về phủ thờ hết sức lộng lẫy của gia đình. Nhưng trong những năm chiến tranh, phủ thờ đã bị hư hỏng. Sau khi hòa bình lập lại, ông nội của anh cho khôi phục phủ thờ của gia tộc và dời về TT. Mỏ Cày Nam, Bến Tre. Khu đất này rộng khoảng hơn 2 ha được ông Trần Văn Biêng mua lại năm 1918 với giá 800 đồng Bạc trắng (đồng Piastre).
Câu chuyện tưởng chừng chỉ dừng lại qua lời kể của ông nội mình. Nhưng sau khi tốt nghiệp đạt thủ khoa ngành sư phạm mỹ thuật trường Đại học Đồng Tháp, anh quay trở về nhà và bắt đầu tích góp tiền bạc từ việc vẽ tranh. Ngoài ra anh cũng bàn bạc cùng gia đình và được sự ủng hộ của mọi thành viên để anh được thực hiện hóa giấc mơ khôi phục lại đúng ngôi nhà cổ mà anh được nghe từ chính người ông của mình trong những ngày thơ ấu.
‘’Ngày tôi tốt nghiệp ra trường với hội tụ nhiều yếu tố từ kiến thức cơ bản cho đến thực hành du khảo nhiều nơi để lấy mẫu đo đạt và vẽ lại những hoa văn đầu cột, tỉ lệ, kích thước, con chỉ, cửa mái vòm từ các ngôi nhà cổ khắp miền Nam kỳ lục tỉnh. Sau khi bàn bạc cùng mọi thành viên trong gia đình và được sự đồng ý thì chỉ vài tháng sau phủ thờ được khởi công và xây dựng’’, anh bộc bạch.
Đầu năm 2018, công việc phục dựng bắt đầu được tiến hành bằng những viên gạch đầu tiên trên nền móng ngôi nhà cũ của gia đình. Đúng một năm sau đó công việc phục dựng được hoàn thành với công tính sơ bộ tốn khoảng 4 tấn sắt thép, 1000 bao xi măng, 60.000 viên gạch và hơn 300 ngày công. Đó là chưa kể anh đã ngày đêm tự tay mình đắp nổi từng tấm phù điêu và vẽ màu cho chính công trình của mình.
Lưu giữ cốt cách vùng đất phương Nam
Ngôi nhà được xây dựng theo kiểu mẫu đầu tiên năm 1934. Nhưng điểm khác biệt ở phủ thờ mới lần này là mang kiến trúc theo dáng dấp của phương Tây với cửa mái vòm, có mặt dựng, đầu cột, lan can làm theo mẫu hoa lá cách điệu. Mái được lợp bằng ngói hình mũi tên (ngói móc).
Bên trong được bày trí gần giống như phủ thờ cũ ngày xưa. Từ hoành phi, liễn đối, tủ cẩn, trường kĩ mà ông bà đã để lại cộng một phần từ gia đình anh đã tự mua sắm thêm.
|
|
|
|
‘’Hàng năm, phủ thờ họ Trần vẫn giữ các phong tục ngày tết và các lệ tục cúng giỗ ông bà. Ngày tết thì viết bùa nêu truyền thống và dựng nêu vào ngày 23 tháng chạp. Sau đó dâng cúng hương hoa lên tổ tiên cũng như hạ nêu vào ngày mùng 7 tháng giêng mỗi năm’’, anh nói.
Trong khi nhiều nơi với công việc bảo tồn di sản từ những ngôi nhà cổ đang bị xuống cấp và không được chú trọng. Thì anh Trần Hữu Phú lại bỏ công sức để phục dựng lại công trình khá đồ sộ cho chính gia tộc của mình.
‘’Đối với tôi là thế hệ trẻ sinh sau đẻ muộn cùng niềm đam mê giữ lửa về lối sống đời trước với bao chuyện xưa tích cũ. Bản thân luôn muốn tìm tòi và học hỏi cũng như nghiên cứu những gì tốt đẹp từ ông bà ta để lại. Đồng thời lưu giữ bảo tồn giá trị truyền thống và giữ lửa cho các thế hệ tiếp nối. Đó cũng chính là tâm tư và nguyện vọng mơ ước của tôi’’, anh chia sẻ.
Bình luận (0)