Xe

Người bị thổi phạt cự cãi CSGT có được xem là Chống người thi hành công vụ?

18/07/2017 13:06 GMT+7

Người phụ nữ chạy xe ngược chiều bị CSGT nhắc nhở đã lớn tiếng chửi bới CSGT. Ngoài đời, có nhiều trường hợp người điều khiển xe khi bị thổi phạt thường tranh luận, dùng lời lẽ lớn tiếng. Thậm chí, dùng đến những từ ngữ thô tục xúc phạm người đang làm nhiệm vụ, hay 'động tay, động chân'.

Chiều tối 17.7, mạng xã hội xuất hiện clip một người phụ nữ chạy xe ô tô ngược chiều trên đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Khi được CSGT nhắc nhở đi về đúng phần đường theo chiều đi của mình, người này không những không chấp hành mà còn xuống xe chửi bới CSGT bằng những lời lẽ khó nghe.
VIDEO: Đoạn video đôi co CSGT gây nhiều bức xúc cho người đi đường
Chưa hết, người này còn liên tục túm cổ áo, xưng hô “mày, tao” và bắt CSGT xin lỗi mặc cho cán bộ CSGT yêu cầu người này chấp hành luật để tránh ùn tắc trong giờ cao điểm. Hiện Công quan quận Bình Thạnh đang phối hợp với Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) để đưa ra phương án xử lý.
Ngoài đời, nhiều trường hợp người điều khiển xe khi bị thổi phạt thường tranh luận, dùng lời lẽ lớn tiếng. Thậm chí, dùng đến những từ ngữ thô tục xúc phạm người đang làm nhiệm vụ, hay "động tay, động chân". Hành vi đó sẽ được hiểu như thế nào và trong giới hạn nào được cho phép trong quy chiếu của luật pháp để không bị quy kết là phạm tội Chống người thi hành công vụ?
Dẫn hành vi của người phụ nữ trong clip, luật sư (LS) Lê Ngọc Luân (Đoàn LS TP.HCM) nhận định hành vi của người phụ nữ này có dấu hiệu phạm vào tội chống người thi hành công vụ. Vì trong sự việc này, CSGT đang thực hiện nhiệm vụ phân làn đường xe và người dân phải tuân thủ hiệu lệnh của CSGT. Tuy nhiên, người phụ nữ này không chấp hành lại còn có hành vi chống đối, túm cổ áo…
Điều 257 BLHS quy định: “Chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng những thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật”.
LS Luân nói thêm: “Những người đi đường tụ tập để xem là họ tự phát, người phụ nữ này không lôi kéo nên chưa đủ dấu hiệu phạm vào tội gây rối trật tự công cộng”.
Người đân được quyền tranh cãi với CSGT, tuy nhiên nếu dùng vũ lực có thể phạm tội chống người thi hành công vụ Ảnh cắt từ clip
Đồng quan điểm, LS Lê Việt Hùng (Hãng luật Minh Mẫn, TP.HCM) cũng cho rằng hành vi của người phụ nữ có dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ vì người này đã “tấn công” CSGT nên xem là có dùng vũ lực.
Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1, Điều 257 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) thì hành vi của người phụ nữ này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

tin liên quan

CSGT bắn tốc độ, người lái xe có quyền yêu cầu cho xem hình ảnh?
Vụ video clip CSGT ở Cần Thơ bị lăng mạ đang đang nóng dư luận. Nhiều bạn đọc và tài xế thắc mắc rằng nếu bị CSGT bắn tốc độ và yêu cầu dừng lại để kiểm tra, xử phạt thì người điều khiển xe có được biết bằng chứng, hình ảnh vi phạm hay không?
Ngoài ra, LS Hùng cũng cho biết người tham gia giao thông có quyền khiếu nại với CSGT, hình thức đó là tranh cãi. Tuy nhiên, việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác để tranh cãi thì sẽ dẫn đến hành vi chống người thi hành công vụ.
Điều 257. Tội chống người thi hành công vụ
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm :
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.