Người bị ung thư trong những chuyến đi chiến đấu với bệnh tật

23/10/2016 09:32 GMT+7

Từ mờ sáng cuối tuần, trời Sài Gòn mưa rả rích, vậy mà 15 bệnh nhân ung thư ở tuổi 'U 50 - 60 - 70' đã đến điểm hẹn đông đủ để cùng các y bác sĩ Khoa Ung bướu - Ngoại tổng quát Bệnh viện Q.Thủ Đức (TP.HCM) khởi hành một chuyến du lịch để trị liệu.

Quên căn bệnh
Trên chuyến xe, các bệnh nhân ung thư gặp nhau thì say sưa trong những câu chuyện về ăn uống, sinh hoạt làm sao cho khỏe, cho hết bệnh. Những câu chuyện như thế cứ kéo dài 200 km đến tận Mũi Né, Phan Thiết vẫn chưa dứt.
Xe dừng lại ở một quán cơm bên đường. Vào tiệm cơm, bệnh nhân L.T.T.Ng lấy ra chai rượu vang Đà Lạt quấn 3 lớp giấy rồi bà gọi cô phục vụ bảo chặt cho bà 2 con gà để bà mời bác sĩ. Yêu cầu của bà nhận được cái lắc đầu của cô phục vụ vì “mồi” này ở đây không có.

tin liên quan

Ung thư phổi, 'ông trùm' ung thư ở Việt Nam làm nhiều nghệ sĩ ra đi
Ca sĩ Minh Thuận đang chiến đấu chống lại căn bệnh ung thư phổi. Trước đó, nhiều “người của công chúng” - nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam đã bị “đánh bại” bởi căn bệnh này. Ung thư phổi khiến nhiều người phải ra đi, người ở lại thì... rùng mình!
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu - Ngoại tổng quát, Bệnh viện Q.Thủ Đức cười đùa: “Chuyến đi lần trước, bệnh nhân H. cũng tặng cho bác sĩ chai rượu quý, vài hôm sau bệnh nhân này “ra đi” rồi đấy!”, thì cả bàn cười ồ. Một bữa trưa vui vẻ!
Đến nơi, nhận phòng, các bệnh nhân cất hành lý rồi tung tăng trên bãi biển. Trời miền Trung mấy hôm mưa bão nhưng hôm đoàn đến Mũi Né nắng khô, biển êm gió lặng. Họ nắm tay nhau quây quần trên cát và cả dưới nước, rồi trò chuyện, chia sẻ như tiếp thêm lửa cho cuộc sống để chống chọi với căn bệnh.
Bà Đ.T.M cho biết đây là lần thứ 4 đi dã ngoại cùng các bệnh nhân ung thư, lần đầu vào năm 2013 khi bà vừa hóa trị xong một ngày. Nhìn ra xa phía biển, bà M. tâm sự về những chông chênh đời mình. Bà có chồng, sinh 4 đứa con, bị ung thư, phải cắt bỏ vú vào năm 2013. Trước khi phẫu thuật, chồng bà bỏ đi, lấy vợ nhỏ. Nỗi đau bệnh tật, thêm hạnh phúc tan vỡ khiến bà rất sốc nhưng bà sợ chết bỏ con cái.
Bà tự nhủ, phải khỏe, phải chiến đấu với bệnh tật và không nghĩ đến bệnh thì khi hóa - xạ trị mới không làm bà mệt. Bà M. cho biết mỗi lần buồn bà đi chùa cầu nguyện cho quên hết nỗi đau, để thấy người khỏe lại. Rồi được bác sĩ tư vấn, được chị em cùng cảnh ngộ động viên trong những lúc gặp nhau như thế này, giờ cái ung thư của bà đã “ngủ quên” 3 năm qua. Hít thở gió biển một hơi khá dài, bà M. cho biết, giờ bà sống với 4 đứa con, 4 đứa cháu ngoại và cảm thấy mãn nguyện.
Bạn đồng hành chiến đấu với ung thư 1
Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện Q.Thủ Đức cùng bệnh nhân tại Phan Thiết
Ngồi bên hồ bơi, nhâm nhi ly cà phê sữa bệnh nhân Ng. cho biết thời trẻ bà uống rượu “hạ gục” cả bạn bè của chồng. 5 năm trước bà phát hiện bị ung thư vú trái. “Mình làm gì ác mà bị ung thư chứ? Nhưng tôi chỉ buồn 5 phút thôi và vượt qua nỗi sợ hãi này vì còn hai đứa con trai, một 35 tuổi và một 38 tuổi. Với tôi hai đứa con vẫn còn nhỏ lắm, cần sự bảo bọc của mẹ”. Giờ bệnh tình sau hóa - xạ trị đã “nằm yên”. Ngực của bà cũng đã được tái tạo.
Từ năm 2011, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ đã lên ý tưởng thành lập Câu lạc bộ BN ung thư tại Bệnh viện Q.Thủ Đức do ông phụ trách, sinh hoạt định kỳ và duy trì đến nay. Theo bác sĩ Vũ, đây là hình thức tuyệt vời để duy trì sự liên lạc liên tục giữa các BN. Khi thấy có nhiều người cùng cảnh ngộ thì họ không còn bi quan, chán nản, hơn nữa giữa BN dễ dàng có sự đồng cảm và chia sẻ với nhau. Những buổi sinh hoạt định kỳ, những chuyến dã ngoại là dịp tốt để nhân viên y tế và BN có sự giao lưu, trao đổi với nhau một cách thân tình như người thân trong cùng gia đình. Qua đó bác sĩ cũng giải đáp cho BN những câu hỏi rất thường gặp; chế độ ăn uống, sinh hoạt.
Niềm vui của các bệnh nhân ung thư được nhân lên gấp bội khi lúc xế chiều bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện Q.Thủ Đức đến. Đang tắm biển họ ào lên, nắm tay, ôm chầm lấy bác sĩ vì ở Bệnh viện Q.Thủ Đức, bác sĩ Quân được biết đến là người rất thân thiện, gần gũi với bệnh nhân. Chuyến đi được bệnh viện tài trợ 2/3 kinh phí, người nào không đủ khả năng thì miễn phí.
Nhìn bệnh nhân của mình ai cũng vui tươi, ông Quân cũng vui lây bảo: “Nhìn các bệnh nhân cảm thấy hạnh phúc, giúp được gì cho họ thì giúp...”.
Hơn cả toa thuốc đặc trị
Đêm tiệc ở chuyến đi lần này không đốt lửa trại như các lần trước vì có nhiều người sức yếu. Bác sĩ, bệnh nhân quây quần trong phòng ăn ấm cúng. Vừa thưởng thức món biển, họ vừa hát ca. Đêm nay, sân khấu dành cho bệnh nhân ung thư.
Bà L.T.T.T mở đầu phần ca hát, cả phòng im lặng thưởng thức và bỗng nhiên phá lên cười khi bà T. bảo sẽ hát bài “90 năm cuộc đời” chứ không phải “60 năm cuộc đời” vì bà hết bệnh rồi, hết lo lắng rồi và bà sẽ sống đến 90 năm! Nhưng giọng ca được nhiều người tán thưởng nhiều năm liền thuộc về bà N.T. Bà tự hào kể, hồi xưa bà hát ở 3 phòng trà, nuôi gia đình trên 10 người.
Bà nói bị ung thư vú, 6 tháng sau khi hóa - xạ trị thì bà đã lấy xe đến các tụ điểm ca hát, thế là bà quên bệnh ung thư vú của mình đã 3 năm qua. Bà N.T bảo: “Đêm nay tôi phải sáng nhất dù trước đó khi biết mình mắc bệnh tôi không thiết sống nữa!”. Trong tiếng nhạc xen lẫn tiếng cười, tiếng rộn ràng của nhịp chân nhảy múa, họ: bệnh nhân và bác sĩ nắm tay nhau, trao những nụ cười ấm áp.
Trên sân khấu lúc này không có bệnh nhân, không có bác sĩ mà là một gia đình. “Dù rằng đời lắm thăng trầm đường dài phía trước, và lối đi về gập ghềnh ai biết. Cùng hát vang lên xua tan đi bao nỗi buồn và cùng thắp lên niềm vui…”, lời bài ca Hãy hát lên của nhạc sĩ Vũ Quốc Việt được đồng ca kết thúc một đêm vui vẻ.
Khuya về, khi bệnh nhân đã chìm vào giấc ngủ, bác sĩ “gầy khô” Nguyễn Triệu Vũ mới an lòng về phòng mình.
Bác sĩ Vũ chia sẻ: “Bệnh nhân khi phát hiện bị ung thư, họ đi từ trạng thái sốc đến lo lắng về bệnh tình, đến chi phí chữa trị. Bác sĩ thì ít mà bệnh nhân thì đông nên đôi khi không đủ thời gian quan tâm, chia sẻ với họ. Hiện nay việc nâng đỡ tâm lý cho bệnh nhân ung thư còn là một khoảng trống. Nhiều nghiên cứu cho thấy tâm lý lạc quan giúp bệnh nhân dễ chấp nhận tình trạng bệnh tật, từ đó hiểu hơn về bệnh cũng như các phương pháp điều trị và tuân thủ tốt hơn, hạn chế tối đa các tác dụng phụ và di chứng như suy dinh dưỡng..., giúp bệnh nhân cảm thấy bình thản trước căn bệnh, không còn sợ hãi nữa…”.
Bệnh nhân ung thư không chỉ cần những toa thuốc, những lần phẫu thuật, những chỉ định chuyên khoa khô khan, họ còn cần nhiều hơn những cảm thông, quan tâm, chia sẻ từ phía nhân viên y tế và từ những người cùng cảnh ngộ. Bởi, điều trị ung thư là một chặng đường dài, mệt mỏi, bệnh nhân cần những người bạn đồng hành cảm thông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.