Người chơi đồng hồ cổ ở xứ sở đồng hồ

11/03/2018 09:05 GMT+7

Ông Nguyễn Phú Bình, một Việt kiều ở Thụy Sĩ, chủ nhân của một bộ sưu tập hàng trăm chiếc đồng hồ cổ, cho biết ban đầu thích đồng hồ cổ xuất phát từ những lợi ích có tính thương mại.

Nhưng về sau, ông thực sự bị mê hoặc bởi giá trị lịch sử văn hóa của mỗi chiếc đồng hồ mà ông sở hữu.
Trong một chuyến công tác tại Thụy Sĩ, tôi có cơ duyên làm quen với ông Nguyễn Phú Bình, một Việt kiều định cư ở Thụy Sĩ từ 30 năm nay. Vì nhà cũ đang xây dựng lại để cho thuê, gia đình ông Bình tạm dọn đến một căn hộ chung cư tại Yverdon-les-Bains, một thị trấn xinh đẹp ở bang Vaud (vùng nói tiếng Pháp) của Thụy Sĩ.
Khách đến chơi choáng ngợp trước những cây đồng hồ cao hơn đầu người đứng sừng sững trong phòng khách. Hỏi ra mới biết đó chỉ là một vài trong số mấy trăm chiếc đồng hồ mà ông Bình sưu tầm được trong hơn chục năm qua, hiện được cất trong kho ở nhà cũ. Ngoài 3 chiếc đồng hồ cây dựng ở phòng khách, ông Bình còn trưng khoảng 5 chiếc đồng hồ để bàn ở các phòng ngủ. Ông Bình giải thích: “Với mấy chiếc đồng hồ để bàn, thỉnh thoảng đảo về nhà cũ tôi lại đổi những cái khác mang về đây, để cho “mới”. Còn mấy chiếc đồng hồ cây, mỗi lần vận chuyển là một lần vất vả, nên tôi chọn mấy cái mà tôi thích nhất, bày cố định ở phòng khách”.
Ba đời vua Pháp trong một chiếc đồng hồ
Chỉ vào một đồng hồ cây, ông Bình giới thiệu đó là chiếc đồng hồ style Morbier- châtelois, một đồng hồ cổ hiếm có, do một nghệ nhân người gốc Đức ở Neuchâtel (một thành phố lớn ở vùng nói tiếng Đức của Thụy Sĩ - NV) chế tác trong khoảng thời gian từ 1889 - 1900. Chiếc đồng hồ này rất có giá trị, bởi không chỉ được nạm vàng mà toàn thân nó phác họa lịch sử 3 triều vua dòng họ Bourbon của Pháp mà số phận của vua cuối cùng liên quan tới cuộc cách mạng Pháp (1789 - 1799). Phần vỏ của đồng hồ được làm bằng gỗ óc chó, một loại gỗ cao cấp mà ngày nay vẫn thường được sử dụng làm nội thất cho các siêu xe.
Theo thuyết minh của ông Bình, cây đồng hồ này có 3 phần. Phần hộp (được gọi là Morbier), chiếm 2/3 chiều cao cây đồng hồ, với những đường nét hoa văn dạng fleur de lys (đây là dấu ấn đặc biệt để nhận biết sự có mặt của nền quân chủ Pháp trong nghệ thuật). Điểm nhấn hình ảnh điêu khắc Vua mặt trời bằng đồng ốp vào mặt phía trước phần trên của hộp với những nét điêu khắc tinh xảo, biểu trưng cho triều vua Louis 14 - được mệnh danh là Vua mặt trời, người tạo nên một thời kỳ rạng rỡ của nền văn hóa quân chủ Pháp. Bản thân Louis 14 là một nhà điêu khắc nên ông rất chú trọng phát triển nghệ thuật, những cung điện lộng lẫy nhất của nước Pháp được xây dựng vào thời vua Louis 14 trị vì.
Phần thứ hai của chiếc đồng hồ biểu trưng cho triều vua Louis 15, cũng là một người yêu nghệ thuật. Bên trong là một cỗ xe hoàng tộc bằng vàng đưa một ông vua mà người Pháp “kiếm” được từ Ý về (chính là Louis 15). Louis 15 đã kế tục được sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật của triều vua trước, nên họa tiết dạng fleur de lys rõ nét hơn, trở nên tinh tế và cầu kỳ. Phần đỉnh là hình điêu khắc đồng họa tiết fleur de lys lớn, có tính biểu trưng cho chiếc vương miện, nhưng bị vát một bên, nhằm mô tả số phận của vua Louis 16, người bị chặt đầu trong cuộc cách mạng Pháp.
Người chơi đồng hồ cổ ở xứ sở đồng hồ1
Người chơi đồng hồ cổ ở xứ sở đồng hồ3
Một số chiếc đồng hồ cổ trong bộ sưu tập của ông Nguyễn Phú Bình
Mỗi chiếc đồng hồ là một câu chuyện lịch sử
Ông Bình cho biết, chơi đồng hồ cổ rất kỳ công, tốn kém, trong khi ông cũng không thật sự giàu có, vì thế để mua được một chiếc đồng hồ mình thích thì phải “rình”. “Có chiếc đồng hồ tôi phải “phục” tới 3 năm mới mua được”, ông Bình nói.
Dù bộ sưu tập lên đến hàng trăm chiếc đồng hồ nhưng việc mình được “gặp” mỗi chiếc ra sao, trong hoàn cảnh nào đều được ông Bình nhớ rành rẽ. Có một kỷ niệm khiến ông day dứt. Ông kể, có lần mua được của một gia đình vốn giàu có từ Armenia tị nạn sang Thụy Sĩ được 3 chiếc đồng hồ cổ. Hai chiếc kia thì bình thường, còn một chiếc thì thực sự quý vì lịch sử trôi nổi của nó.
Đó là một chiếc đồng hồ cây, nằm trong số những chiếc đồng hồ được các nhà quý tộc châu Âu thửa riêng để tặng triều đình nhà Thanh, Trung Quốc nên các họa tiết trên đó mang phong cách châu Á. Cuối đời Thanh thì xảy ra một vụ trộm lịch sử, do các hoạn quan và sứ giả người Anh gây ra, đã lấy đi hơn 3.000 đồng hồ quý các loại để bán ngược lại thị trường châu Âu. Tổ tiên của gia đình người Armenia đó đã mua được một trong số lô hàng ăn cắp ấy. Nhưng đời cháu chắt của họ, vì mưu sinh, đã phải bán đi.
Ông Bình tâm sự: “Khi tôi đến mang chiếc đồng hồ đi thì bà mẹ (lúc đó đã ngoài 80 tuổi) khóc lóc, giữ lại không cho mang. Vợ tôi không muốn mua nữa, nhưng mấy đứa con cứ nhất quyết đòi bán. Đêm về tôi không ngủ được, vì thấy quá thương bà mẹ, nên hôm sau cùng với vợ quay lại đề nghị trả chiếc đồng hồ. Tuy nhiên, mấy người con trai vẫn không chịu, vì họ thực sự cần tiền. Tôi nói với bà mẹ rằng tôi sẽ giữ chiếc đồng hồ này lại, không bán cho ai, để bất kỳ khi nào bà muốn thì cũng có thể đến thăm nó. Nhưng bà ấy chưa kịp thăm nó lần nào thì đã thành người thiên cổ”.
Mua mỗi chiếc đồng hồ như kết giao thêm một người bạn
Theo ông Bình, điều khiến tình yêu đồng hồ cổ trong ông được nuôi dưỡng chính là môi trường văn hóa quá thuận lợi của Thụy Sĩ. Ở gần vùng gia đình ông sống có một bảo tàng đồng hồ thế giới. “Bạn muốn tìm hiểu bất kỳ cái đồng hồ nào thì chỉ việc mang ảnh tới bảo tàng, một lúc sau là họ sẽ trích xuất cho bạn đầy đủ tài liệu về chiếc đồng hồ đó, qua đó bạn sẽ biết nó được sản xuất ở đâu, ở thời kỳ nào, theo phong cách nào…”, ông Bình cho biết. Rồi ông Bình nói thêm: “Người châu Âu rất có ý thức xây dựng lịch sử cho mỗi đồ vật, vì thế mà khi bạn mua một chiếc đồng hồ cổ, bạn sẽ được nhận tất cả tư liệu liên quan tới nó. Chẳng hạn mảnh giấy nhỏ viết lời đề tặng của ai với ai đó nhân ngày sinh nhật, rồi nó được ai bán lại cho ai vào thời điểm nào. Cho nên khi mình mua một chiếc đồng hồ thì không phải mình mua một đồ vật vô tri vô giác mà như được kết thêm một người bạn mới với những bước thăng trầm”.
Người chơi đồng hồ cổ ở xứ sở đồng hồ2
Ông Bình cho biết niềm đam mê đồng hồ cổ ông được bà xã truyền cho. Ban đầu ông và bà xã chỉ đi “săn” đồng hồ với mục đích mua đi bán lại kiếm lời. Hồi ấy, chị Thúy, bà xã ông Bình có một nhà hàng ở gần biên giới Thụy Sĩ - Pháp. Mỗi lần mua được thêm những chiếc đồng hồ cổ, chị Thúy lại trưng bày ở nhà hàng, vừa cho đẹp, vừa để “chào hàng”.
Trong số thực khách của nhà hàng chị Thúy có nhiều người là nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội. Họ đứng trước những chiếc đồng hồ chị Thúy vừa mua được rồi trầm trồ bình luận. Chị Thúy tò mò lắng nghe rồi ngỡ ngàng bởi không ngờ mình được sở hữu những bảo vật văn hóa, từ đó thì yêu, thì hãnh diện, rồi khi có khách mua lại dùng dằng không muốn bán. “Tôi chiều vợ, nên chỉ bán đi những chiếc đồng hồ thông thường thôi. Còn chiếc nào mà lịch sử của nó hấp dẫn và thú vị, được cả hai vợ chồng yêu thích, thì tôi để lại. Vậy là qua thời gian, số “ở lại” với chúng tôi ngày càng nhiều lên. Giờ thì tôi có cả kho, lúc nào xây xong nhà to thì trưng bày, vừa để giáo dục tình yêu văn hóa nghệ thuật cho con cái, vừa để mình ngắm và ngẫm khi tuổi già”, ông Bình chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.