Hơn 25 năm phiêu diêu vào thế giới cổ vật
|
Những chiếc tủ kính được chủ nhân chất đầy cổ vật quý, dọc cầu thang, lối đi và cả phòng ngủ cũng tràn ngập hiện vật, cổ vật xếp chồng lên nhau.
Rời ghế nhà trường, Tuấn đầu quân cho một ban nhạc ở phố núi, sau đó chơi nhạc trở thành nghề kiếm cơm của Tuấn. Năm 1992, tình cờ Tuấn dạo chơi với những người chuyên "săn" đồ cổ từ nơi khác đến Đà Lạt, có lần phát hiện một chiếc lư đồng cũ vứt bỏ trong đống phế liệu của một người mua bán phế liệu. Nhìn nét hoa văn đẹp đẽ của chiếc lư, mắt Tuấn rực lên nhưng không có tiền để mua. Tuấn kể rằng món hàng ấy bị những người buôn đồ cổ “ẵm” mất, sau đó họ bán kiếm lời được cả chục lượng vàng.
Từ đó, Tuấn vừa chơi nhạc vừa chắt góp từng đồng để mua đồ cổ về cất giữ trong nhà. Chơi nhạc chưa đủ sống nhưng lâu lâu Tuấn lại mang về nhà một món hàng cũ kỹ như đồ bỏ đi; nhiều người thấy thế bảo là Tuấn "khùng". Tuấn nghĩ đơn giản nếu không có ai đó sưu tầm và lưu giữ lại những cổ vật đặc trưng của Đà Lạt thì một ngày không xa, những cổ vật gắn liền với Đà Lạt sẽ không cánh mà bay. Tuấn quyết giữ chứ không bán kiếm lời.
tin liên quan
Bộ sưu tập Nguyễn Du và truyện Kiều 'khủng' gần 800 cuốn quý giá của thầy KhánhCó lần mua được món cổ vật về nhưng sau đó mới phát hiện ra mình bị lừa đồ dởm, Tuấn ức lắm nên năm 1995 quyết tâm đến giảng đường đại học chuyên ngành sử học bồi bổ kiến thức để hiểu hơn về cổ vật, cách sưu tầm, bảo quản và không bị “lừa”.
Đến nay bộ sưu tập của ông Tuấn khá phong phú và đa dạng với trên 40.000 hiện vật, trong đó phần lớn liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của Đà Lạt. Đơn cử như bộ sưu tập máy ảnh cổ, hàng chục chiếc máy hát đĩa quay dây thiều, đồng hồ cổ; hàng chục chiếc lò sưởi, bếp của Pháp là kỷ vật ở Đà Lạt. Tuấn “khùng” còn sưu tầm được những bộ đĩa sứ tráng men ngọc, hàng trăm hiện vật gốm sứ Celadon, những bộ đồ ấm trà cổ xưa...
Độc đáo bộ cúp thể thao
Ông Tuấn khoe mới sưu tầm được chiếc cúp của CLB Liverpool danh giá được thành lập năm 1892. “Tôi rất quý chiếc cúp của CLB hơn 126 năm tuổi này, chính tôi cũng thắc mắc bằng con đường nào mà chiếc cúp của CLB Liverpool lại lưu lạc qua tận Đà Lạt”, ông Tuấn thổ lộ. Chiếc cúp cao khoảng
80 cm, ở giữa gắn logo ghi rõ Liverpool Football Club, bên dưới là biểu trưng gồm hình con chim Liver bird, hai bên là 2 ngọn lửa tượng trưng cho đài tưởng niệm Hillsborough.
Trong số hàng trăm chiếc cúp, không chiếc nào giống chiếc nào, đủ hình dáng khác nhau. Những chiếc cúp đầu thế kỷ 20 thường được làm bằng đồng nguyên chất; càng về sau những chiếc cúp được chế tác đa dạng vật liệu hơn, phần lớn đúc bằng kim loại được mạ vàng hoặc bạc. Những chiếc cúp cổ thì tên của giải thể thao được khắc trực tiếp lên chiếc cúp. Về kích thước có những chiếc cao tới 80 cm, nhưng cũng có những chiếc tí hon chỉ cao 8 cm.
|
Ông Tuấn vừa tìm chìa khóa để mở tủ kính vừa nói: “Tôi cho anh xem những chiếc cúp độc đáo mà tôi tin không thể tìm thấy chiếc thứ hai”. Đây là chiếc cúp bóng rổ toàn VN tổ chức từ năm 1933, còn đây là chiếc cúp bóng đá ghi rõ: “Năm 1936 Coupe de L’Armistice”. Trên góc tủ kia là cúp điền kinh chạy tiếp sức của Pháp tổ chức tại Đông Dương đầu thế kỷ 20; cúp bóng đá Bưu điện Pháp mở rộng tại Đông Dương đầu thế kỷ 20, cúp đua xe đạp ba nước Đông Dương năm 1947; cúp giải Novices Boxing 1947, cúp bóng đá giữa Pháp và ba nước Đông Dương tổ chức năm 1948 - 1949. Đặc biệt hơn, ông Tuấn còn lưu giữ được chiếc cúp bóng đá Đông Dương năm 1941 - 1942, ghi rõ do vua Bảo Đại, vua Sihanouk và Toàn quyền Đông Dương Decoux tài trợ.
Tuấn “khùng” cho biết phần lớn những chiếc cúp ông đang lưu giữ được mua từ các điểm mua bán phế liệu, thậm chí có những món nhặt ngoài… đống rác. Nhưng cũng có những chiếc ông phải đeo đuổi năn nỉ và bỏ tiền triệu ra mới mua được như chiếc cúp bóng đá Đông Dương. Ông Tuấn nhận định Đà Lạt được mệnh danh là Paris thu nhỏ, từng là nơi sinh sống của hàng ngàn người Pháp đầu thế kỷ 20 cho đến năm 1954. Trong số đó chắc hẳn có nhiều người là các vận động viên hoặc ông “bầu” thể thao, nên đã mang những chiếc cúp thể thao về trưng bày trong các biệt thự sang trọng. Về sau này, nhiều người Việt mua lại biệt thự, hoặc các đơn vị tiếp quản các biệt thự làm trụ sở làm việc, họ thấy những chiếc cúp thể thao nhưng không hiểu hết các giá trị của nó nên đã vô tình vất ra đường hoặc bán “ve chai” cho khỏi… rác nhà.
Một lãnh đạo Sở VH-TT-DL Lâm Đồng đánh giá, những hiện vật, cổ vật mà ông Nguyễn Văn Tuấn đang lưu giữ có ý nghĩa rất lớn về giá trị lịch sử, văn hóa; qua những chiếc cúp có thể hình dung cả một nền thể dục thể thao của VN có bề dày đáng trân trọng, từ bóng đá, đua xe đạp, điền kinh, võ thuật, bóng rổ…
Bình luận (0)