Người đàn ông miền Tây làm nghề 'độc' đóng xuồng mini cả triệu/chiếc

22/02/2019 11:38 GMT+7

Nhằm lưu giữ hồn ghe sông nước, ông Phạm Văn Mỏng (45 tuổi, ngụ P.Mỹ Hòa, TP.Long Xuyên, An Giang) đã chế tác những chiếc xuồng ghe thu nhỏ rất nhiều lần so với sản phẩm thật.

Những chiếc xuồng, du thuyền… nhỏ xíu, xinh xắn với những chi tiết chế tác vô cùng tỉ mỉ được ông Mong đem trưng bày trước nhà khiến người đi đường thích thú ghé lại ngắm nghía.

Cơ duyên từ nỗi nhớ nghề

Ông Mỏng sinh ra và lớn lên ở H.Lai Vung (Đồng Tháp), nơi nổi tiếng nghề đóng ghe, xuồng của vùng ĐBSCL. Trước đây, nghề này rất phồn thịnh, mỗi năm đóng hàng trăm chiếc xuồng, ghe cỡ lớn bằng cây. Sau này, giao thông đường bộ thuận tiện, nghề đóng nghe, xuồng dần dần mai một do phần đông người dân chuyển sang sử dụng ghe, xuồng bằng chất liệu composite. Nhiều xưởng cưa ở quê nhà chuyển nghề nên ông Mỏng sang TP.Long Xuyên đóng ghe, xuồng thuê rồi dần chuyển ra làm riêng để kiếm thu nhập.
Ông Mỏng dùng khò lửa để uốn những miếng ván lại làm be DUY TÂN
Năm 2011, trong một lần đến nhà người thân chơi, ông Mỏng bị tai nạn giao thông, sức khỏe suy giảm nghiêm trọng khiến ông không thể theo đuổi được nghề đóng ghe xuồng ông cha truyền lại. Nhớ nghề, ông nhờ người thân lượm lặt những khúc gỗ nhỏ rồi cần mẫn ghép nối, đóng thành chiếc xuồng mini để giải trí.
Ban đầu, những sản phẩm đầu tay của ông chẳng ai chú ý vì quá thô sơ. Không nản chí, ông lại tiếp tục mài mò thay đổi kiểu dáng và phải hơn 1 năm mới có thể hoàn chỉnh sản phẩm của mình. Nhờ được trời phú đôi tay thợ cưa khéo léo, ông Mỏng đã cho ra những chiếc xuồng mini nhỏ, gọn, rất bắt mắt.
Thấy sản phẩm làm ra độc đáo và đẹp mắt nên bà Phan Thị Ngọc (45 tuổi, vợ ông Mỏng) đem trưng bày trước nhà, không ngờ tạo được sự chú ý của nhiều người, một số người đến ra giá mua và đặt hàng làm thêm. Từ đó, ông Mỏng nảy sinh ý tưởng tạo ra những chiếc ghe, xuồng thu nhỏ nhằm thu hút khách hàng và quan trọng hơn là lưu giữ nghề.
Đục đẽo tỉ mỉ cho giống với nguyên bản DUY TÂN
“Trước kia tôi đóng cả ngày trời mới được một chiếc, sau này quen tay, mỗi ngày đóng được 2 chiếc. Cái khó nhất là uốn cong vật liệu. Xuồng nhỏ phải uốn be cho cong thì mới ráp vô được chứ không thôi tét hết. Tôi độ chừng bằng cặp mắt mình để đóng chứ không có thước tất gì hết”, ông Mỏng chia sẻ.
Chiếc xuồng đã thành hình  DUY TÂN

200 ngàn - 1 triệu đồng/chiếc

Theo ông Mỏng, để đóng được xuồng ghe mini phần lớn phụ thuộc vào sự phán đoán và cặp mắt nghề. Đặc biệt, trong quá trình lắp ráp tấm be và thanh cong đòi hỏi phải khéo léo, tỉ mỉ, bởi các chi tiết nhỏ hơn rất nhiều so với các sản phẩm thông thường.
Ông Mỏng cho biết làm nghề này khâu nào cũng có độ khó và đòi hỏi lòng yêu nghề cao, tính tỉ mỉ và độ thẩm mỹ cao. Các tiểu tiết phải cẩn thận, chăm chút cho giống, đúng với nguyên bản để sản phẩm làm ra vừa có “hồn”, vừa sắc sảo từng chi tiết, thể hiện được nét dân dã của xuồng ghe sông nước.
Ông phải suy nghĩ cách chọn lựa loại gỗ và tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng đường cưa, nét mực. Thông thường, ông chọn loại gỗ xoan đào và gỗ tràm bông vàng để đóng vì 2 loại gỗ này dễ làm và sơn PU bóng, đẹp, lâu hư hơn so với các loại gỗ khác.
Những chiếc xuồng với hình dáng nhỏ xíu được nhiều người ưa thích ẢNH: DUY TÂN
Khởi đầu là chiếc xuồng ba lá, đến chiếc ghe bầu, nay ông Mỏng đã cho ra đời hàng loạt chiếc ghe xuồng đặc trưng của miền Tây sông nước, thậm chí có cả thuyền buồm với nhiều chi tiết tinh xảo. Những chiếc xuồng mini của ông luôn có hình dáng thon thả, mềm mại và sắc nét. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như mong muốn đa dạng sản phẩm nên những góp ý từ khách hàng luôn được ông ghi nhận và tiếp thu để tạo ra sản phẩm mới như xe Honda vô cùng đẹp mắt.
Ông Phan Văn Chịa (50 tuổi, ngụ cùng địa phương) cho biết: “Sản phẩm này ngoài đời và sản phẩm thu nhỏ giống y như nhau. Nhưng sản phẩm thu nhỏ này có thể chế biến lại coi sắc sảo và đẹp hơn nữa. Món đồ này phải tay nghề cao mới làm được chứ tay ngang ngang thường thường ít ai làm được như vậy lắm”.
Chiếc ghe được chế tác y như nguyên bản  DUY TÂN
Giờ đây, nghề đóng ghe xuồng mini được nhiều nơi đặt hàng nên sản phẩm của ông Mỏng làm ra bao nhiêu đều bán hết bấy nhiêu. Mỗi chiếc xuồng mini có giá từ 200.000 - 1.000.000 đồng/chiếc (tùy kích thước). Riêng những chiếc xe Honda có giá hơn 2 triệu đồng, nhưng vô cùng hút hàng.
Từ việc làm để giải trí, giờ đây công việc này trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình ông Mỏng. Thay vì dùng để chuyên chở những chiếc ghe, chiếc xuồng mini được đặt ở vị trí cao hơn, là thứ để người ta ngắm nghía và thưởng thức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.