Người đạo Hồi chung vui Tết ở Sài Gòn và điều cấm kỵ với con heo

07/02/2019 07:06 GMT+7

Trong dịp Tết Nguyên đán người theo đạo Hồi sống ở Việt Nam dường như không ăn Tết mà chỉ hoà mình vào không khí chung vui với cộng đồng.

Không ăn Tết Nguyên đán 
Ông Lý Du Sô, Trưởng ban đại diện cộng đồng Hồi giáo TP.HCM, chia sẻ người Chăm ở Việt Nam có khoảng 100.000 người. Trong đó, những người Chăm được chia ra làm 3 nhánh tôn giáo chính là: Bani, Ba-la-môn và Hồi giáo.
Người theo đạo hồi ở TP.HCM hành lễ tại thánh đường Đậu Tiến Đạt
Đối với người Chăm theo đạo hồi cũng có những ngày ăn mừng lễ tết  Đậu Tiến Đạt

Những người Chăm sống ở phía nam từ các tỉnh từ Bình Thuận đến các tỉnh Miền Tây Nam bộ. Trong đó ở TP.HCM, dân tộc Chăm theo tôn giáo là Hồi giáo Islam. Ông Lý Du Sô cho biết, ngoài dương lịch, âm lịch của Việt Nam thì người Chăm Bani, Ba-la-môn hoặc Hồi giáo đều có lịch riêng. Riêng người Chăm theo đạo hồi ở TP.HCM thường theo Hồi lịch của toàn thế giới.
Đối với người Chăm theo đạo Hồi cũng có những ngày ăn mừng lễ tết nhưng chủ yếu giữ yếu tố tôn giáo là chính. Họ chỉ trú trọng vào lễ của Hồi giáo và xem như đó là ngày lễ lớn của người theo đạo.
Do đó, với những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, người theo đạo Hồi không trang trí hoa mai, đào hay mâm ngũ quả trên bàn thờ như người Việt bày biện. Họ vẫn giữ nét sinh hoạt như những ngày bình thường.
Tuy vậy, người theo đạo Hồi cũng hưởng ứng cái tết bằng cách thăm viếng hoặc tiếp đãi bạn bè khi đến nhà trong những ngày tết.
Người theo đạo Hồi bị cấm dùng thịt heo trong các bữa ăn Đậu Tiến Đạt

Riêng đối với ngày “tết” chính của người Chăm theo đạo hồi ở Việt Nam sẽ bắt đầu sau tháng Ramadhan tháng 9 hồi lịch (rơi vào tháng 4, 5 dương lịch). Sau đó, sẽ có một lễ lớn khi kết thúc tháng Ramadhan. Người theo đạo hồi sẽ ăn mặc đẹp, người nam đến các thánh đường làm lễ, thăm viếng lẫn nhau, thăm mồ mả ông bà, gửi lời chúc với nhau gần giống như phong tục Tết Nguyên đán của người Việt.
Bị cấm không ăn thịt heo
Theo ông Lý Du Sô, việc người theo đạo Hồi không ăn thịt heo đã có từ lâu đời. Nguyên nhân chính là do điều luật trong kinh Koran cấm người theo đạo dùng thịt con heo.
“Đạo Hồi thì khác, không phải như những đạo khác cấm ăn con vật nào thì thờ con vật đó. Còn Hồi giáo xem con heo là một con vật dơ bẩn nên không bao giờ người theo đạo ăn thịt heo”, ông Lý Du Sô chia sẻ.
Ông Sô nói thêm: “Vì là con vật cấm nên trong nhà của người theo đạo Hồi không bao giờ xuất hiện hình tượng hoặc tranh ảnh của con heo. Nếu có chăng thì người đó sẽ lấy đồ che lại phần tranh ảnh có hình con heo”.
Đặc biệt, nếu một người theo đạo vô tình ăn phải thịt hoặc đụng chạm vào con heo thì người đó phải làm lễ tẩy rửa qua nhiều công đoạn. Đầu tiên phải được rửa bằng chất bùn dơ hoặc nước một lần. Sau đó sẽ rửa lại nước sạch nhiều lần đến khi nào cảm thấy hoàn toàn sạch mới thôi. Ngoài ra người sám hối phải tâm niệm với thượng đế sẽ tuyệt nhiên không dùng tới thịt heo nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.