Người nghiện ma túy loay hoay tìm cách chống tái nghiện

19/10/2019 10:10 GMT+7

Hiện tượng người nghiện ma túy tái nghiện sau cai không chỉ là vấn đề nhức nhối của cộng đồng , mà còn của chính bản thân những người cai nghiện.

Ở Cơ sở xã hội Bầu Bàng (H.Hòa Vang, Đà Nẵng), nơi giáo dưỡng hàng trăm người nghiện ma túy, có rất nhiều người nghiện lâu năm, tái nghiện rất nhiều lần vẫn rất “ngờ nghệch” với ma túy, vật vã với việc chống tái nghiện.

Thử một lần, hối hận một đời

N.Đ.V (21 tuổi, xã Hòa Tiến, H.Hòa Vang, Đà Nẵng), một học viên đang cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở Bầu Bàng cho biết mình nghiện ma túy đã nhiều năm. Ban đầu V. cũng chỉ định “thử” theo bạn bè do quen thói ham chơi đua đòi, thích thể hiện. V. chủ quan nghĩ mình có thể làm chủ bản thân, có thể cai được dễ dàng.

“Chính sự thiếu hiểu biết dẫn đến chủ quan đã khiến em lẩn quẩn với cái vòng nghiện ngập này. Cứ nghĩ thử một lần rồi thôi, nhưng với chất gây nghiện thì không thể làm chủ được, một khi đã “tìm” đến nó. Đầu óc cứ lơ mơ. Em đang cố thoát ra khỏi cảm giác này”, V. bần thần nói.

Cũng như hàng trăm học viên cai nghiện, tái nghiện nhiều lần tại cơ sở Bầu Bàng, hơn ai hết, N.N.H, (27 tuổi. Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) hiểu vì sao không nên thử các loại cỏ kích thích, đá hay ma túy dẫn đến nghiện. H. cai nghiện và tái nghiện đến ba lần và giờ là lần thứ tư, H. được đưa lên trại cai nghiện. Những lần trước H. cai tự nguyện có, bị bắt buộc đi cai cũng có.

“Tám năm bị xem là con nghiện, đi cai và tái nghiện nhiều lần, em hiểu cảm giác tái nghiện nó như thế nào, biết đó, muốn đó nhưng lại không thể làm khác đi”, H. mệt mỏi chia sẻ.

H. kể mình không còn ba mẹ, chỉ 3 anh em sống chung với nhau. Rất may anh và em trai H. không nghiện và đang làm công việc sửa xe máy. “Em sợ nhất là anh và em mình cũng “dính” như mình. Lên trại nhiều lần, vất vả cai nghiện, rồi tái nghiện, em mới hiểu vì sao người ta nói “không thử” với cỏ, với đá, với ma túy. Em mong mình có ý chí để có thể tự vượt qua những "cơn đói thuốc", để anh và em trai tin tưởng, để anh em lại được nương tựa lẫn nhau”, H. tâm sự.

Các học viên cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bàu Bàng (Đà Nẵng) cho biết, hơn 80% trong số họ đều loay hoay tìm cách chống tái nghiện sau cai

ẢNH: AN QUÂN

Từ tâm sự của H. mới hiểu, những lần ra trại trước, H. đều tin sẽ làm lại cuộc đời, nhưng rồi vẫn không được, không biết làm cách nào để giữ cho mình không tái nghiện nữa. “Nhiều người tái nghiện rất nhiều lần nhưng họ vẫn không hiểu vì sao mình tái nghiện. Sau này em mới biết, thực ra khi đã dùng thử dù chỉ một lần thì hệ thần kinh đã bị ảnh hưởng, không còn ổn định nữa, và những khi không khỏe và buồn thì vô thức bị dẫn dắt đến những cảm giác cũ. Chính vì vậy mới hiểu “không thử dù chỉ một lần”, H. tâm sự, và cho biết mình quá chủ quan. “Trừ khi ý chí rất lớn, hoặc rất bận rộn lao động theo nghĩa tích cực nhất của nó, còn không là thoát khỏi vô thức dẫn dắt tới nghiện là rất khó”, H. nói.

Bớt “rảnh” sẽ ngăn nghiện và tái nghiện

Nhiều thanh niên nghiện ngập vẫn thường đổ lỗi cho hoàn cảnh gia đình, xuất thân, nhưng nếu thẳng thắn nhìn nhận thì cuối cùng, họ vẫn hiểu đều do bản thân mình. Như câu chuyện của N.H thì trong một gia đình có hoàn cảnh éo le, nhưng người thì chật vật, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống dù với bất cứ công việc gì, người lại buông xuôi, không làm chủ được bản thân.

N.H không ngại thừa nhận, điểm chung của những người nghiện ngập đều là: “Do rảnh quá đua đòi, thích sống ảo. Sau khi thử thì chuyển qua giai đoạn thích hưởng thụ nhưng lười lao động, không đủ tiền để dùng thuốc, lại sa chân vào đường dây mua bán…”.

Môt thanh niên khác là L.T.V (30 tuổi, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết cũng vật vã cai nghiện và tái nghiện nhiều lần. Từng có công việc ổn định, đam mê công tác xã hội, nhưng vì trót “dính” vào ma túy mà mọi thứ với T.V đều dang dở. “Với tôi, dính vào ma túy và tái nghiện nhiều lần cũng đều do rảnh rỗi sinh nông nổi và bị bạn bè lôi kéo. Bản thân cũng không hiểu rõ về loại cỏ Mỹ mà mình chơi nên giờ mới khốn khổ”, T.V nói.

Quyết tâm cai nghiện nhiều lần, T.V tự rút ra mẫu số chung cho mình và những người bạn cùng cai nghiện đó là phải có một công việc ổn định để gò mình vào đấy, để thật bận rộn. Thậm chí, “nếu bản thân mình không đủ ý chí, mình nên tự nguyện chọn một công việc mang tính khuôn khổ. Khi mình không thể tự cách ly được bản thân khỏi những phút giây cám dỗ mình thì mình đứng vào trong một cái khung để nhờ người khác “gò” lại”, T.V hạ quyết tâm.

“Hai lần trước tái nghiện đều do thiếu bản lĩnh, để bạn bè lôi kéo. Cứ la cà bia rượu và không làm chủ được bản thân, buồn phiền và không suy nghĩ tích cực. Tôi mong ra khỏi trại sẽ vận động thể lực nhiều hơn để cơ thể luôn khỏe, không để thần kinh dịu lại và đẩy đến những cảm giác cũ. Tôi sẽ tự đẩy vào những công việc bận rộn liên tục. Kinh nghiệm của những lần tái nghiện cho thấy, phải bận rộn, không được rảnh thì mới tránh khỏi việc tái nghiện”, L.N.Đ, (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) chia sẻ quyết tâm của mình.

Với kinh nghiệm gần 20 năm quản lý, giáo dưỡng những người nghiện, ông Phan Công Hải, Phó Giám đốc Cơ sở xã hội Bầu Bàng đã từng thấy có những người tái nghiện đến 7 hay 8 lần và gần như bất lực với việc chống tái nghiện. “Nhiều học viên đến tận khi bị đưa vào trại cai nghiện rồi vẫn không hiểu được ma túy là gì, hậu quả của ma túy, ảo giác, loạn thần là ra sao. Chỉ nghĩ bạn bè rủ chơi thì chơi cho vui. Họ không biết rằng phải lao động, phải có việc làm chân chính, bớt rảnh rỗi để tránh xa những thứ gây nghiện”, ông Hải nói.

Mong ước lớn nhất của các học viên cai nghiện là có được việc làm sau cai, góp phần chống tái nghiện hiệu quả

ẢNH: AN QUÂN

Có việc làm sau cai nghiện góp phần giảm tỉ lệ tái nghiện nên nhiều năm qua, Cơ sở xã hội Bầu Bàng đã có nhiều chương trình phối hợp với Sở LĐ-TB-XH, Thành đoàn Đà Nẵng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phối hợp tư vấn, hướng nghiệp, tạo việc làm cho các học viên đang cai nghiện.
“Chúng tôi mong muốn liên kết được nhiều hơn nữa các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ, để trực tiếp gặp gỡ, chia sẻ cùng người cai nghiện về công việc và nhu cầu tuyển dụng lao động. Đồng thời kết hợp với các đơn vị tư vấn dạy nghề cho các em ngay tại cơ sở Bàu Bàng, mục đích để những người nghiện có thể có được một công việc sau khi ra trại, hạn chế thấp nhất tình trạng không có việc làm, lang thang ròi lại tái nghiện”, ông Phạm Tấn Dũng, Giám đốc cơ sở xã hội Bầu Bàng, nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.