Quần quật làm thuê ngày sang đêm
Chiều đông, gió thổi hun hút ở làng chài Hải Tân nằm cạnh cửa biển Mỹ Á, xã Phổ Quang, H.Đức Phổ, Quảng Ngãi). Chị Huỳnh Thị Kim Chung (42 tuổi) cần mẫn gỡ lưỡi câu lẫn trong mớ cước rối rồi móc vào nẹp.
Cư dân nơi đây gọi là thao lưới, nếu nhanh nhẹn mỗi giờ có thể kiếm chừng 10.000 đồng từ chủ thuê. "Giờ bị bệnh không thể làm thuê việc nặng nên bà con thương tình nhường việc thao lưới để kiếm vài chục ngàn đồng sống qua ngày...", chị bộc bạch.
Đời chị là chuỗi ngày đẫm nước mắt lẫn nhọc nhằn. 19 tuổi, chị rời làng Tân Tự (xã Phổ Minh, H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) theo anh Nguyễn Binh sang sông Thoa về bên chồng. Đôi vợ chồng trẻ tích cóp nhiều năm làm thuê mua mảnh đất nhỏ gần bến cá Mỹ Á với giá 1,5 lượng vàng.
Cuộc sống yên vui không bao lâu thì chị ly hôn và đưa 3 con thơ về bên ngoại. Bất kể đêm ngày, chị nhận làm mọi việc nặng nhọc khi có người thuê mướn để kiếm tiền lo cho các con ăn học.
Ngày nọ, chị chết lặng khi nghe tin anh Binh qua đời, chị vội đưa con sang bên nội lo đám tang cho chồng.
Thương con sớm mất cha, chị gắng sức làm thuê và dành dụm hơn 30 triệu đồng dự định xây dựng mái nhà nhỏ che mưa nắng. Bà con họ hàng và láng giềng chân tình "mỗi lần làm là một lần khó, nhà chỉ bấy nhiêu thì bốn mẹ con làm sao sống" khiến lòng chị rối bời. Họ động viên và đồng lòng cho chị mượn tiền xây dựng căn nhà gần 200 triệu đồng.
Ngày về nhà mới, nước mắt chị rơi vì mừng vui xen lẫn âu lo với khoản nợ hơn 150 triệu đồng. Chị gắng sức làm thuê bất kể đếm ngày mưa nắng: phụ hồ, dọn hồ nuôi tôm, phân loại và bốc vác hải sản...
Nhiều bữa, chị và phụ nữ làng chài phân loại cá mực, đóng thùng rồi khiêng chất lên xe tải từ sáng hôm trước đến ngày sau. Khắp cơ thể đau nhức vì những thùng hải sản nặng 80 - 90kg. Đến bữa, các chị ăn qua loa rồi tiếp tục làm việc khi tàu cá nối tiếp nhau cập bến. Nhiều người lao động quá sức ngất xỉu.
"Công việc khá nặng nhọc nhưng chúng tôi đành gắng sức vì đâu phải ngày nào cũng có việc. Cả ngày lẫn đêm làm cật lực mỗi người kiếm được gần triệu đồng, số tiền quá lớn đối với dân nghèo chúng tôi. Lúc đó, lưng và hai chân tôi đau lắm nhưng vẫn phải làm chứ biết lấy tiền đâu trả nợ, nuôi con!", chị tâm sự.
|
Sau cả năm làm việc cật lực, chị dành dụm lo cho con ăn học và trả dần được 60 triệu đồng. Bệnh tình ngày càng trầm trọng, chị đến bệnh viện thì được bác sĩ chẩn đoán bị thoái hóa cột sống.
Chị xin điều trị vật lý trị liệu tại Bệnh viện đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm, cách nhà vài cây số để tiện việc làm thuê khi có người cần gọi. Nghe điện thoại, chị liền trốn viện về làng làm thuê kiếm tiền lo cho con đến trường.
"Đau ốm cũng muốn nghỉ lắm chứ! Nhưng không làm thì biết lấy gì nuôi con? Anh em giúp đỡ có hạn và cũng đều khó khăn cả nên đành phải ráng sức...", chị thở dài.
Gắng sống làm điểm tựa cho con
Chuỗi ngày dài "ráng sức" khiến bệnh tình trầm trọng. Chị tìm đến chữa trị tại nhiều bệnh viện với khoản chi phí khá lớn nhưng vẫn không thuyên giảm. Nhiều lúc, chị muốn chết đi để tránh gánh nặng cho các con nhưng rồi chợt nghĩ: "Không thể bỏ con bơ vơ trên cõi đời, phải ráng sống để làm điểm tựa cho con, dù ngàn lần cơ cực".
Khi không thể đi lại, chị được con gái đưa đến phẫu thuật tại bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng. Các bác sĩ thay đốt sống nhân tạo và dùng đinh vít nẹp đĩa đệm bị trượt vào cột sống.
Trên giường bệnh, chị động viên con tiếp tục đến trường "dù nghèo đói cỡ nào mẹ vẫn vay mượn cho các con ăn học".
Sự hy sinh của chị là điểm tựa cho các con phấn đấu vươn lên trong học tập. Con gái đầu vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại TP.HCM và con gái út là học sinh Trường THCS Phổ Quang. Chị rớt nước mắt nhắc đến con gái thứ hai: "Kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi cháu được 20 điểm, đủ điểm đại học hay cao đẳng. Nhưng tôi bị bệnh quá nặng lại phải vay mượn nhiều người nên con vào Bình Dương làm thuê. Tôi cản thì cháu bảo khi chị gái ra trường có việc làm rồi con sẽ đi học trở lại, mẹ sẽ bớt khổ hơn...".
Thương mẹ bao năm vất vả, con gái đầu Nguyễn Thị Minh Thư đăng ký tham gia xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Thư hy vọng kiếm được khoản tiền cho mẹ trả nợ và điều trị bệnh, lo cho các em đến trường.
"Vì vậy, cháu hy vọng được xét tuyển qua Nhật làm việc với mức lương khá hơn mới đủ tiền lo cho mẹ và các em. Vì con nên mẹ đau khổ quá nhiều rồi nên cháu phải chấp nhận chứ đâu muốn xa mẹ...", Thư nghẹn ngào.
"Chung nó bị bệnh nặng lâu rồi nhưng cắn răng chịu đựng làm thuê nuôi con, không kêu ca gì cả. Vậy nên, mọi người đều thương, vui vẻ cho mượn tiền chữa bệnh và lo cho con ăn học. Chúng tôi vận động đơn vị và nhà hảo tâm trao cho gia đình ít quà để động viên nhưng chẳng đáng là bao...", ông Phạm Văn Mịnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Phổ Quang, cho hay.
Bình luận (0)