Người phụ nữ mang bạo bệnh truyền cảm hứng đọc sách

03/04/2019 09:39 GMT+7

Chỉ cần làm tốt việc trông coi sách, phân loại, hướng dẫn tra cứu thông tin… là hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ thư viện, nhưng chị Nguyễn Thị Hằng (32 tuổi, ở Hà Tĩnh) còn tạo cảm hứng để nhiều người mê đọc sách hơn .

 

Kéo người đọc đến thư viện

Thư viện cộng đồng thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bắt đầu hoạt động từ tháng 4.2016, cũng là thời điểm chị Hằng được nhận vào làm thủ thư. Trước đó, chị từng có thời gian 3 năm là giáo viên dạy môn địa lý theo dạng hợp đồng tại một trường cấp 2 trên địa bàn nhưng bị “mất việc” do kế hoạch tinh giản biên chế của tỉnh. Thời gian đầu, công việc của cán bộ thư viện khá nhàn rỗi vì do thư viện mới đi vào hoạt động và người dân không mặn mà với văn hóa đọc sách.
Thực trạng trên khiến chị Hằng và đơn vị quản lý thư viện trăn trở. “Tôi tâm niệm, con người ta muốn phát triển, muốn hướng ra thế giới và muốn trưởng thành thì phải làm bạn với sách. Bởi vì sách là một nguồn tri thức vô tận, nó có thể cung cấp cho chúng ta mọi thứ. Trong khi thư viện được xây dựng khang trang trên diện tích hơn 230 m2 và có rất nhiều sách quý mà không có người lui đến hàng ngày để đọc thì thật lãng phí”, chị Hằng nói.
Để lôi cuốn được người dân đến với thư viện mượn và đọc sách, chị Hằng bàn với đơn vị quản lý thư viện là Trung tâm Văn hóa - Thông Tin - Thể thao - Du lịch thị xã Kỳ Anh tổ chức các chương trình nhằm đưa bạn đọc tiếp xúc với sách. Đó là tổ chức ngày hội đọc sách, ngày sách Việt Nam và các cuộc thi viết cảm xúc về sách thư viện.
“Thông qua ngày hội đọc sách, chúng tôi giới thiệu những cuốn sách hay, sách quý tới học sinh và phụ huynh. Từ đó, bạn đọc hiểu được tầm quan trọng của việc đọc sách và dần dần tạo thành đam mê. Còn để tham dự cuộc thi về sách thư viện thì bắt buộc bạn đọc phải đến thư viện đọc sách mới làm bài được”, chị Hằng nói.
Đặc biệt, chị Hằng còn đăng tải những cuốn sách quý, sách hay lên mạng xã hội để giới thiệu cho bạn đọc. “Có ngày tôi đăng sách làm giàu, khi thì tiểu thuyết hoặc sách kỹ năng dạy con. Mỗi lần giới thiệu sách tôi luôn tạo ra sự tò mò để bạn đọc phải tìm đến thư viện xem cho bằng được. Nhờ lợi ích của những cuốn sách có trong thư viện mang lại mà dần dần nơi đây trở thành một điểm đến thu hút người dân”, nữ thủ thư nói về ý tưởng của mình.

Thư viện "đỏ đèn" cả đêm 

Với nỗ lực kể trên, Thư viện cộng đồng thị xã Kỳ Anh đã nhanh chóng thu hút được nhiều bạn đọc tìm đến. Trung bình mỗi ngày có khoảng 200 lượt bạn đọc, trong đó các em học sinh chiếm phần lớn. Có thời điểm, thư viện phải “đỏ đèn” cả ban đêm để phục vụ.
Nhu cầu của người dân đọc sách ngày càng tăng lên, trong khi số lượng đầu sách có tại thư viện ban đầu chỉ có hơn 20.000 cuốn, nên chị Hằng lại trăn trở tìm cách có thêm nguồn sách dồi dào phục vụ bạn đọc.
“Thông qua mạng xã hội, điện thoại và bạn bè, tôi làm quen nhiều nhà văn, nhà báo và nhà hảo tâm có chung sở thích với mình để xin sách. Họ đã tặng cho tôi rất nhiều sách và kêu gọi thêm bạn bè tặng thêm sách gửi về cho thư viện. Đến nay, tôi đã xin được khoảng 2.000 cuốn sách các loại”, chị Hằng nói. Số sách được tặng, chị tự kiểm tra xem sách nào thư viện còn thiếu thì bổ sung, sách nào đã có thì đóng hộp tặng cho thư viện của các trường học vùng sâu, vùng xa trên địa bàn.
Nhìn nữ cán bộ thư viện có khuôn mặt xinh xắn và luôn nở nụ cười trên môi đang hăng say làm việc, chẳng ai biết chị đang mang trọng bệnh gần 1 năm qua, phải thường xuyên ra bệnh viện ở Hà Nội để xạ trị. Đối với chị Hằng, liều thuốc hiệu nghiệm nhất giúp chị vượt qua bạo bệnh là nhờ sách.
“Trong những ngày đau đớn vì bệnh tật, sách là người bạn giúp ích tinh thần cho tôi nhiều nhất. Thông qua sách, tôi biết dung hòa cảm xúc của mình để từ đó yêu cuộc sống hơn. Nhờ vậy mà quá trình chữa bệnh của tôi đang có tiến triển rất tốt”, chị Hằng tâm sự.
Thư viện cộng đồng thị xã Kỳ Anh được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đánh giá là 1 trong 11 thư viện cấp huyện có lượt bạn đọc lớn nhất cả nước vào năm 2018, nhờ công lao không nhỏ của chị Hằng. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.