Người phụ nữ từ Mỹ trở về làm 'lơ xe buýt', xem khách Tây như bạn hữu

13/03/2019 12:31 GMT+7

Cứ đến mùa Vu Lan nữ tiếp viên xe buýt Cao Thị Thanh Hằng ở Sài Gòn lại dành toàn bộ tiền lương tặng người khuyết tật. Ngoài ra, khách đi xe còn 'giật mình' khi thấy chị Hằng đối đáp rành rọt với những người nước ngoài.

Hành động đẹp và tính tình dễ thương của chị Cao Thị Thanh Hằng (47 tuổi) không còn xa lạ đối với những người thường đi trên chuyến xe buýt số 122, tuyến Bến xe An Sương – Tân Quy (Củ Chi).

Từng rong ruổi mưu sinh trên đất Mỹ

Hơn 4 năm qua, mỗi sáng sớm, chị Cao Thị Thanh Hằng rời nhà đến Bến xe An Sương để tiếp tục công việc bán vé xe. Người bạn đồng hành xuyên suốt chặng đường từ sớm đến tối mịt trong những năm qua với chị chính là bác tài Võ Văn Tân (56 tuổi). Hành trình đưa đón khách của chị dài khoảng vài chục cây số từ Bến xe An Sương (H.Hóc Môn) đến tận Bến xe Tân Quy (H.Củ Chi).
Thời còn trẻ, chị Hằng làm công nhân trong một công ty may. Sau này chị quyết định bỏ việc đi sang Mỹ lao động. Những năm tháng xa nhà, chị làm lụng vất vả để cố gửi tiền về nuôi gia đình. Chị lấy chồng rồi sinh con trên đất Mỹ.
Nhưng cuộc sống không như mong đợi, chia tay chồng, chị ôm con trở về Việt Nam sinh sống. Cuộc mưu sinh mới của chị lưu lạc từ Bình Dương đến tận Vũng Tàu.
Trở về TP.HCM, công việc làm tiếp viên bán vé xe buýt đến với chị hết sức tình cờ. Một người bạn chị đang làm chủ vài chiếc xe buýt. Tiện không có việc làm chị nhờ người bạn xin vào làm tiếp viên bán vé vì thích công việc này.
“Tự nhiên tôi thích nó vậy thôi, nghề này nó cực nhưng mà tôi thấy thích lắm. Lên xe được giao tiếp với nhiều người, gặp được nhiều người, nói chuyện nhiều làm tâm trạng tôi thấy thoải mái, bớt đi nhiều phiền muộn”, chị Hằng chia sẻ.
Những ngày đầu vào nghề, công việc bán vé cực khổ nhưng chị hoàn toàn không nản chí. Công việc dậy sớm về muộn cũng trở nên bình thường đối với chị. Mỗi ngày, chị được tiếp xúc với nhiều người, gặp nhiều hoàn cảnh khốn khó khi đi xe buýt.
Dần dần, chị cảm thấy thương cảm những người khó khăn chị lại ra tay giúp đỡ. Mội năm, đến ngày lễ Vu Lan, chị dành toàn bộ số tiền lương của tháng để mua quà, lì xì cho những người khuyết tật, khiếm thị thường đi xe.
Hộp kẹo của chị Hằng để dành tặng cho những phụ nữ khi đi xe buýt
“Tiền bạc nó không ở với mình, nên tôi thoáng về vấn đề đó. Thay vì tôi đi chùa làm từ thiện nhưng tôi thấy thôi mình vừa đi làm vừa cho những người khiếm thị cũng làm mình vui rồi”, chị Hằng kể.
Trên xe, chị cũng bỏ tiền túi thủ sẵn những viên kẹo dành tặng cho những phụ nữ nhân ngày 8.3 khiến ai nấy đều giật mình cảm động.
“Những niềm vui đó là chân thật, chứ về già sau này tiền để làm gì đâu. Chị Hằng tích đức mà. Có khi những viên kẹo này còn xóa nhoà khoảng cách của những hành khách khó tính với tụi tui nữa đó", bác tài Võ Văn Tân chia sẻ.

Khách Tây trở thành bạn hữu

Câu chuyện giản dị trên chuyến xe 122 là vậy, ngoài chuyện giúp đỡ người khó khăn, câu chuyện về việc nói tiếng anh của chị Hằng cũng trở nên thú vị đối với người đi xe buýt. Không phải vì chị Hằng khoe khoang khả năng nói tiếng Anh của mình nhưng vì hoàn cảnh khách Tây đi xe mỗi ngày và chị là người duy nhất giao tiếp với họ.  
Chị có thể nhớ và kể vanh vách tên những người nước ngoài nào đã từng đi xe mình. Giờ đấy người nào lên xe, khách đi làm hoặc đi du lịch chị đều nhớ rõ. Những thầy giáo dạy tiếng Anh lên Củ Chi sinh sống đều trở nên thân thiết. Dần dần, những người này theo định nghĩa của chị đều trở thành một “friendship” chính hiệu.
Ngoài chuyện tặng kẹo, chị Hằng còn dành cả tháng lương mua quà tặng cho người khuyết tật trong những dịp lễ Vu Lan
“Chị Hằng này giỏi tiếng Anh lắm, mấy người chạy xe buýt nhà quê như tui làm gì biết tiếng Anh gì đâu. Bữa kia có đoàn người nước ngoài lên tham quan địa đạo Củ Chi bằng xe buýt. Khi cô dẫn đoàn kia ú ơ vài câu thì chị Hằng nhào vô tiếp sức. Cả xe lẫn cô dẫn đoàn đều ngạc nhiên hết sức. Lúc gần xuống xe cô kia còn bái chị Hằng làm sư phụ, kêu dạy học nữa đó”, bác tài Tân nói rồi quay đầu hướng về phía chị Hằng và cười.
Kỷ niệm đầu tiên gặp người nước ngoài của chị là một phụ nữ người Úc bị lạc đường đứng chơ vơ dưới Bến xe An Sương. Tất thảy nhân viên xe buýt bến xe đều không thể giao tiếp với người phụ nữ này.
“Thấy vậy tôi vẫy tay và gọi: ‘You want to go home?’ và kéo chị này lên xe rồi ngồi một góc. Tôi liền xe vé tặng cho chị này không lấy tiền. Thấy chị này khóc nhiều quá tôi liền nói vài câu tiếng Anh giao tiếp chọc cho chị vui. Chị cười rồi khóc, khóc rồi cười cho đến khi xe tới bến An Sương. Rồi tôi hướng dẫn chị đi xe khác để về trung tâm cho an toàn”, chị Hằng kể lại.
Không những thế, những giáo viên nước ngoài thường rất thích đi trên xe của chị Hằng. Bởi chị là người duy nhất có thể trò chuyện với họ trên suốt hành trình. Có lần chị Hằng đổi qua một xe khác, người giáo viên Tây cứ ròng rã tìm kiếm xe chị suốt tháng trời để được đi xe.
Chị Hằng thường hay trò chuyện cùng với những hành khách đi trên chuyến xe
Thậm chí có lúc chị Hằng lại trở thành hướng dẫn viên bất đắc dĩ. Giới thiệu về các món ăn ở Củ Chi, chỉ những con đường người nước ngoài nên đi. Có khi chị còn tình nguyện tìm nhà thuê giúp cho giáo viên người nước ngoài mới đến.

'Cô đáng yêu cực'

Sau khi hình ảnh một nữ tiếp viên tặng kẹo cho nữ hành khách trên tuyến xe buýt 122 được đăng tải trên Facebook. Chị Thanh Hằng nhận được nhiều lời khen, quý mến từ nhiều bạn sinh viên đã từng đi xe.

“Cô đáng yêu cực”, đó là lời nhận xét của một bạn sinh viên khi được tặng kẹo trên xe của nữ tiếp viên Thanh Hằng.

Một bạn có tên Thư Alison thì bình luận trên Facebook: “Cô này nói hơi nhiều tí nhưng sau nhiều lần đi xe và để ý cô thì mình thấy cô là một người cực kỳ tình cảm luôn. Cô quan tâm tới tụi học sinh dữ lắm, lúc nào cũng nhắc nhở tụi mình phải đeo ba lô trước ngực để không bị mất cắp. Có một lần mình còn thấy cô trò chuyện với một bác lớn tuổi, nói chung là cực kì đáng yêu luôn. Tiếc là hôm qua không được đi xe cô”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.