Không cúi mình thắp nén hương lên một vài nấm mồ liệt sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang đường 9, cay mắt đọc những cái tên, những con số ghi năm sinh, ghi tuổi đời của những người đã khuất ở tuổi 17, 18 thì chẳng thể nào thấm được nỗi niềm của câu thơ tạc bên dòng sông Thạch Hãn: “Đò lên Thạch Hãn, ơi chèo nhẹ. Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”.
Chẳng hiểu sao tôi cứ cảm nhận trong cái giọng kể của mấy anh em người Quảng Trị về chiến tranh, về vong linh những người đã khuất, có cái kiểu điềm tĩnh đến mức đơn giản, trầm ngâm đến mức khắc khổ.
Chắc đó là thứ xúc cảm của những người sinh ra và lớn lên ở vùng đất thấm đẫm lịch sử đau thương, mất mát bởi chiến tranh mà những người từ nơi khác đến như tôi dù có cố đến mấy cũng chưa chắc cảm cho thấu đáo.
Điềm tĩnh thì chắc là vì gia đình họ, người thân họ, đồng hương họ đã từng đi xuyên qua những thứ khốc liệt nhất. Còn trầm ngâm thì chắc là do họ vẫn chẳng thể nào lý giải nổi tại sao vùng đất quê hương mình lại phải chịu đựng những thử thách khốc liệt như thế của lịch sử.
Lần nào về Đông Hà tôi cũng ghé một nhà hàng nho nhỏ có một chi tiết trang trí mà với tôi là rất ấn tượng. Cửa vào có hai vật bằng thép sơn màu sẫm đứng lầm lũi hai bên, chẳng có ý gì khoe dáng trang trí chào đón khách.
Là hai vỏ bom, một thứ chứng tích chiến tranh được chủ nhà sưu tập về, sơn phết lại trông cho sạch sẽ, nhưng trên đó thì vẫn ghi lại dòng chữ ký hiệu lạnh lùng của những quả bom từng mang sức tàn phá khủng khiếp đổ ập xuống vùng đất này. Tôi chạm tay vào vỏ quả bom, lạnh ngắt.
Hơi nóng chiến tranh đã nguội đi từ lâu lắm rồi trên mảnh đất này. Những thứ chết chóc như bom đạn giờ cũng trở nên hiền lành, hiện thân thành hai vật lầm lũi nơi cửa nhà hàng chỉ để thực khách qua lại chạm tay vào một chút, tò mò cảm nhận một chút về những trải nghiệm khủng khiếp mà người Quảng Trị đã nếm trải.
Mấy anh chị em học viên Quảng Trị vui vẻ cười mỗi khi rót hết một lon bia vào ly, rồi thả lon bia xuống đất kêu nghe keng một tiếng rõ vui tai, nháy mắt nói với tôi câu đùa: “Quảng Trị nhậu là có món đặc sản “thỏn la” thầy à”. Là kiểu nói lái ấy mà, “thỏn la” là thả lon, chỉ vậy thôi, đủ để cười vui sảng khoái bên tình thân bè bạn.
Người Quảng Trị thế, vẫn khắc khổ với thử thách nắng gió bão lũ miền Trung, vẫn trầm tư với những ký ức chiến tranh khốc liệt trên dải đất “Bình Trị Thiên khói lửa”, nhưng vẫn giữ niềm vui hồn nhiên bên tình bè bạn, và sống hết mình cho đam mê, cho chí hướng vươn lên, cho công việc chăm chỉ, và cho tình thân bạn bè.
Những người bạn Quảng Trị mà tôi may mắn từng biết đều sống hết mình như thế.
Bình luận (0)