Người Sài Gòn ám ảnh phút gặp cướp: Bị kề dao đòi xe, phải 'quăng ngay' chìa khóa

15/11/2018 09:32 GMT+7

Thỉnh thoảng, nhiều nạn nhân bị cướp tại TP.HCM lại lên tiếng đăng tải về vụ việc của mình để "cảnh báo" mọi người. Những vụ cướp giật xảy ra lúc đêm muộn ở Quận 9 (TP.HCM), có nạn nhân từng đối mặt với tên cướp “cầm dao đe dọa” vẫn kinh hãi khi kể lại. Có người răn bản thân “không bao giờ đi khuya nữa”.

Cướp xe máy không thành, quay sang cướp ví, điện thoại
Tối 7.10, fanpage Tôi là dân quận 9 trên Facebook đăng tải thông tin một vụ cướp táo tợn trên đường Lã Xuân Oai (Q.9). Theo đó, một nam thanh niên đi xe máy, khi di chuyển đến đoạn gần trường THPT Long Trường (Q.9), bị 4 kẻ lạ dùng hung khí khống chế cướp tài sản. Vụ việc gây hoang mang cho người dân, đặc biệt là ở những nơi vắng, tối.
Qua xác minh, nạn nhân là anh Đăng H. (SN 1997, quê Long An), di chuyển bằng xe máy Future. H. từng học tại TP.HCM rồi về quê làm việc. Hôm 7.10, anh có việc phải chạy xe lên TP.HCM, đến khoảng hơn 23 giờ cùng ngày thì xảy ra vụ việc.
“Khi đang di chuyển trên đường Lã Xuân Oai hướng về ngã 3 Long Trường với tốc độ khoảng 40 - 50 km/h, mình bị 2 tên bịt kín mặt, chạy xe Exciter 150 màu Camo từ sau vọt lên. Tên ngồi sau cầm dao đe dọa mình tấp vào lề nếu muốn sống. Thấy nguy hiểm, mình giảm ga đột ngột để lùi lại phía sau, rồi lách xe ra ngoài tăng tốc bỏ chạy. Mới được vài chục mét thì có 2 tên khác cũng chạy Exciter đuổi theo, bất ngờ tấp xe mình vào lề”, anh H. kể lại.
Có nhiều địa điểm vắng vẻ trên đường Lã Xuân Oai (Q.9), đoạn giữa ngã 3 Lò Lu - ngã 3 Long Trường, mà người dân nên cảnh giác khi đi qua CHỤP TỪ GOOGLE MAPS
Vừa ngã xe xuống, anh H. lập tức rút chìa khóa và quăng vào lùm cỏ vệ đường. Anh bị một tên cầm dao khống chế và hành hung. Một tên khác lao vào bụi cỏ để tìm chìa khóa. Không tìm được, chúng quay sang xét người H. và lấy đi một ví tiền, 1 điện thoại di động. Sau đó, chúng lên xe tẩu thoát.
Anh H. cho biết: “Lúc đó theo phản xạ, mình rút chìa khóa quăng đi, nếu không đã mất xe rồi. Mình vẫn hay đi xe ban đêm, có khi đến 1 - 2 giờ sáng, nhưng đây là lần đầu tiên gặp nguy hiểm như vầy. Mình cũng có hiểu biết về xe và lái cũng khá cứng, nhưng bọn chúng đi xe độ, rất khó để chạy thoát. Mình mất điện thoại, với ví có giấy tờ và khoảng 500.000 đồng tiền mặt. Sau khi bọn chúng bỏ đi, mình hoàn hồn rồi đẩy xe lại nhà dân còn thức nhờ trợ giúp”.
Mượn được điện thoại, a H. gọi cho một người thân ở TP.HCM đến để đẩy xe về và làm lại chìa khóa. Anh cũng cho biết, do sáng hôm sau phải về quê gấp và tài sản không đáng kể nên anh đã không trình báo với công an.
Tuy nhiên, nhận được thông báo từ người dân, Đội Săn bắt cướp (SBC) Q.9 đã nhanh chóng tiến hành thu thập thông tin cơ bản và cố gắng hỗ trợ để phát hiện các đối tượng nguy hiểm.
Anh Đ.Q.L, đội trưởng Đội SBC Q.9 cho biết: “Đoạn đường từ ngã 3 Lò Lu đổ về ngã 3 Long Trường rất nguy hiểm vì có nhiều đồng, bãi trống, rất ít nhà dân. Nhận được tin báo, các thành viên trong Đội đã tỏa đi khắp các tuyến đường lân cận, nhưng do nhận được thông báo khá trễ so với lúc xảy ra vụ việc nên không khả quan. Vả lại, nạn nhân cũng không trình báo với lực lượng chức năng nên không thể tiến hành điều tra, truy bắt”.
“Một lần là không bao giờ dám đi khuya nữa”
Bạn đã từng gặp cướp?
Sống ở TP.HCM, có bao giờ bạn phải rơi vào tình huống nguy hiểm và không hề mong muốn này không: bị cướp?
Lúc ấy bạn xử trí ra sao, có bị thương tích cả về thân thể hay tinh thần? Hãy chia sẽ lại câu chuyện của bạn để mọi người có thêm bài học để cảnh giác và xử trí. Bài viết câu chuyện của bạn khi đăng tải sẽ có nhuận bút của Thanh Niên. 
Bạn có thể gửi về: [email protected]
Xin chờ đón câu chuyện của bạn!
Trước đó, vào khoảng 22 giờ 30 phút cùng ngày, chị Trần Đình Trúc P. (25 tuổi, ngụ Q.9) cũng gặp cướp trên đoạn đường từ ngã tư Bình Thái về hướng ngã tư Thủ Đức. Theo lời kể, sau khi đi ăn cùng bạn bè, chị được một người bạn chở về nhà.
Trên đường, một thanh niên chạy xe máy từ phía sau đột ngột vượt lên và dùng tay phải giật mất chiếc ba lô chị Phương đang kẹp ở giữa. Tên cướp lập tức phóng sang làn đường ô tô và tẩu thoát về hướng Thủ Đức.
“Lúc đó tụi mình có tri hô nhưng đường rộng và khá vắng nên không ai giúp đỡ. Trong ba lô có ví tiền, thẻ ATM và một số giấy tờ tùy thân, may là điện thoại hôm ấy mình vừa nghe xong nên bỏ vào túi. Tiền mặt không nhiều, khoảng 3 triệu, nhưng giấy tờ làm lại sẽ rất mệt. Hắn không đeo khẩu trang, nhưng do hành động nhanh quá, với lại mình bị cận nên không nhìn rõ mặt. Mình chỉ nhớ hắn đi xe Wave, dáng người cao gầy. Tới giờ nghĩ lại vẫn còn thấy run. Một lần là không bao giờ dám đi khuya nữa”, chị P. bàng hoàng.
Cũng cùng một thủ đoạn, Minh A. (sinh viên Đại học Hutech, ngụ Q.Thủ Đức) và một người bạn gặp cướp khi đang di chuyển từ ngã tư MK về hướng cầu Rạch Chiếc. Theo nạn nhân, sự vụ xảy ra vào cuối tháng 9, vào khoảng 22 giờ đêm.
Một đối tượng cướp giật túi xách của một phụ nữ trên đường Cô Bắc (Q.1) bị bắt giữ, cùng tang vật và hình ảnh được camera an ninh ghi lại C.T.V
“Mình được bạn chở, có để chiếc ba lô ở giữa, tay còn vịn vào quai nữa. Nhưng tên đó làm nhanh quá không kịp phản ứng. Tụi mình bị ngay chân cầu Rạch Chiếc, vì tên cướp hành động xong là vòng luôn xuống chân cầu, tụi mình thì đang trớn lên cầu nên không quay lại được. Tụi mình hoảng quá không biết làm sao luôn. Xong có báo công an, xin xem qua camera ở trạm thu phí thì thấy tên cướp chạy xe Wave màu đen, nhưng biển số thì không nhìn được vì lúc đó bị lóa ánh sáng đèn xe”, A. kể lại tình huống nguy hiểm.
Tang vật thu giữ được trong một vụ cướp giật ở Q.Tân Phú C.T.V
Theo như mô tả, tên cướp có dáng người cao gầy, khi “hành sự” rất liều lĩnh, không bịt khẩu trang, chạy xe Wave đen, áo khoác đen, mũ bảo hiểm xanh đen. Hắn đi một mình, áp sát “con mồi” từ phía ngoài và sử dụng tay phải để giật. Cả 2 nạn nhân đều nghi ngờ 2 vụ cướp mình gặp trên địa bàn Q.9 là cùng một thủ phạm.
“Hắn hành động chớp nhoáng, nhưng cũng vì vậy mà mình an toàn. Nếu lúc đó phát hiện kịp và giằng co, chắc mình bị giật té khỏi xe rồi. Đáng nói, sau đó không lâu, khi mình đã làm sim lại, hắn ta còn gọi cho mình đòi tiền chuộc giấy tờ. Nhưng khi mình chuyển tiền thì hắn ta lại không trả, rồi mất biệt”, A. cho biết.
Theo anh Đ.Q.L (Đội trưởng Đội SBC Q.9), so với trộm cắp xe máy hay tài sản khác, thì các đối tượng cướp giật nguy hiểm hơn rất nhiều: “Bởi vì khi trộm cắp, chúng phải rảo quanh “con mồi” nhiều lần để thăm dò tình hình, tức vẫn có thời gian và dấu hiệu khả nghi để nhận biết. Còn cướp giật, chúng hành động rất chớp nhoáng, nhiều khi còn không có chủ đích trước, cứ đang di chuyển trên đường thấy “con mồi” ngon là liều lĩnh áp sát ngay. Chúng cũng có thể hành động đơn độc nếu tài sản nhắm tới là điện thoại, trang sức, túi xách… mà không phải xe máy. Ấy là chưa kể những băng nhóm chuyên nghiệp, chúng còn dàn cảnh khiến người dân xung quanh không thể nào nhận biết được tình hình để hỗ trợ nạn nhân.”
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.