Người Sài Gòn ăn chè Huế 20 năm, quán nhỏ 'nuôi' ba thế hệ

06/10/2018 12:33 GMT+7

Chè Huế ở Sài Gòn thì nhiều nhưng chè Huế do người gốc Huế nấu mới là điểm đặc biệt khiến quán ở số 6 Nguyễn Khuyến (P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức) giữ chân thực khách hơn 20 năm qua.

Tôi khá bất ngờ khi đến quán chè Huế nổi tiếng ở quận Thủ Đức mà bạn tôi giới thiệu bởi nó khác với tưởng tượng của tôi về một quán chè với gánh nhỏ và nhiều bộ bàn ghế xung quanh. Quán chè Huế không nằm ở mặt phố mà nép mình ở một nơi khá yên tĩnh và vắng xe cộ. Không gian quán thoáng mát, rộng rãi và được trang trí đậm chất Huế.

Nguồn sống của ba thế hệ

Điều đặc biệt khiến những người lần đầu đến quán không khỏi tò mò là quán có tuổi đời đã trên 20 năm nhưng chủ quán chè hiện tại lại là Lê Hoài Nam (23 tuổi). Nam tốt nghiệp đại học cách đây 2 năm. Được biết, Nam tiếp nối bà nội của mình là bà Nguyễn Thị Hoa (62 tuổi) làm chủ quán và được bà truyền nghề từ lúc còn học năm nhất đại học.

Vợ chồng bà Hoa tay trắng vào Sài Gòn lập nghiệp năm 1978. Vợ chồng bà Hoa từng đi làm nhưng sau đó phải nghỉ vì lý do sức khỏe. Kể từ đó, quán chè Huế trở thành nguồn thu nhập chính trang trải cuộc sống cho gia đình bà Hoa trong suốt nhiều năm.

Thực khách thích hương vị món chè ở đây vì vừa ngon vừa... lạ LÊ HỒNG HẠNH

Bà Hoa có nét gần gũi thân thiện của người phụ nữ miền Trung và giọng Huế ngọt ngào. Bà chia sẻ: “Nhờ quán chè này mà nuôi nổi bầy con đó cháu. Thu nhập ở quán giúp cô đủ mua nhà cửa cho con. Hồi vô đây nghèo lắm. Hai vợ chồng lập gia đình mà khăn gói vô Sài Gòn, cái thời đó có ai kêu làm việc gì đâu. Thằng con cô hồi đó rủ bạn ăn thử món chè cô nấu, nó nói "tụi bây ăn nếu ngon thì để mẹ tao mở bán". Tụi bạn nó tới ăn rồi kêu không ngon nhưng mà lạ, thế là cô quyết mở quán chè này”.

Nam, chủ quán chè hiện nay, từng có một khoảng thời gian làm công việc liên quan đến kỹ thuật ở Khu Công nghệ cao (Q.9). Tuy nhiên, Nam bộc bạch rằng mình cảm thấy không hợp với công việc đang làm và nhận ra đam mê thật sự của mình là tiếp nối quán chè của gia đình. “Mình chỉ thật sự tìm thấy niềm vui khi làm công việc này”, Nam thổ lộ.

Dụng công khi chế biến

Quán bán chè Huế thập cẩm, chè đậu đen, chè đậu xanh, chè khoai tím và chè bột lọc. Giá 1 ly chè là 15.000 đồng. Nếu thực khách có yêu cầu thêm, chủ quán sẽ phục vụ.

Trong số những loại chè kể trên, món thập cẩm và bột lọc mang hương vị đặc biệt nhất. Một ly chè Huế thập cẩm đầy đủ bao gồm bột lọc, đậu đen, đậu xanh và khoai tím. Bột lọc, đậu đen, đậu xanh, khoai tím  được chế biến ước chừng để bán hết trong ngày. “Cuối ngày nếu bán không hết thì sẽ bỏ chứ không để nguyên liệu từ ngày này qua ngày khác”, Nam chia sẻ thêm.

Chè Huế khác với những loại chè ở TP.HCM bởi hương vị và nguyên liệu. Trong khi đậu xanh, khoai tím chỉ cần được nấu nhừ thì việc làm bột lọc lại phức tạp và tốn nhiều thời gian hơn.
Bột lọc ở Sài Gòn còn được gọi là bột năng, sau khi được mua về sẽ được nhào với nước ấm đến khi sánh lại, vừa đủ để vo viên. Dừa cắt thành hạt lựu, mỗi lần vo viên bột sẽ ấn dừa vào giữa. Bột được vo xong đem luộc chín, khi nổi lên trong nồi nước sôi thì vớt nhanh tay bỏ ngay vào nước lạnh rồi mới vớt ra để ráo. Cũng chính sự dụng công trong quá trình chế biến mà khi ăn bột lọc sẽ dẻo vừa đủ, cắn nát thì sẽ thơm vị dừa.

Ngoài ra, khi đến quán thực khách không chỉ được thưởng thức món chè Huế nổi tiếng mà còn có thể thưởng thức món mì Hà Lan mà bà Hoa đã thêm vào thực đơn của quán sau khi đã thu hút được lượng lớn khách quen. Nếu trước đây thực khách chỉ đến quán chè sau khi đã ăn bữa chính thì bây giờ bạn  có thể đến quán để ăn bữa chính sau đó thưởng thức một ly chè Huế cho trọn vẹn.

Nhìn xung quanh quán thấy người trung niên có, sinh viên có, trẻ em được phụ huynh dẫn theo cũng có. Hỏi ra mới biết đa số khách đến ăn chè đều là khách quen.

Một bạn sinh viên ở trọ tại khu vực Q.Thủ Đức là khách quen của quán chè Huế chia sẻ: “Mình bắt đầu ăn chè ở đây từ đầu năm nhất đại học từ đó ghiền luôn. Mình chưa đến Huế bao giờ nhưng ăn chè Huế ở đây mình cảm nhận được sự tinh tế trong hương vị, nói chung là ngọt vừa đủ”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.