Người Sài Gòn nói gì về quy định không phân loại rác bị phạt 20 triệu đồng?

24/11/2018 15:53 GMT+7

Người dân TP.HCM phải phân loại rác thải tại nhà từ ngày 24.11, nếu vi phạm có thể bị phạt đến 20 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa biết thông tin này, cho rằng mức xử phạt quá cao.

Không phân loại rác bị phạt từ 15- 20 triệu đồng
Theo Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của UBND TP.HCM, bắt đầu từ 24.11, các hộ gia đình, chủ nguồn thải trên địa bàn thành phố phải phân loại rác và chuyển giao theo nhóm chất thải trước khi chuyển cho đơn vị thu gom, vận chuyển.
VIDEO: Quy định phân loại rác và suy nghĩ của nhiều hộ dân
Cụ thể, rác được phân thành: chất thải hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni-lông, thủy tinh); chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).
Trường hợp không chấp hành phân loại, chuyển giao không đúng nhóm chất thải theo quy định, sau khi đã được nhắc nhở 3 lần trở lên/tuần, tổ chức, cá nhân thực hiện thu gom có trách nhiệm thông báo đến UBND phường - xã - thị trấn biết để xử lý theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Khoản 4, điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định: không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt  theo quy định; không ký hợp đồng, không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý sẽ bị phạt từ 15-20 triệu đồng.
Từ 24.11, quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn bắt đầu có hiệu lực HOÀI NHÂN
Người dân không phân loại rác đúng quy định có thể bị xử phạt lên đến 20 triệu đồng HOÀI NHÂN
Ngày 23.11, khi phóng viên thực hiện cuộc khảo sát ý kiến người dân, rất nhiều hộ gia đình vẫn tỏ ra… ngơ ngác vì chưa biết đến quy định này.
Gia đình ông Nguyễn Văn Long (68 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa nghe về việc này, vì nhà nhiều người lớn tuổi cũng khá ít đọc báo. Trước giờ gia đình tôi vẫn cho tất cả vào túi rác rồi để trước nhà, mỗi ngày sẽ có nhân viên tới gom rác mang đi”.
Anh Phạm Minh Tiến (30 tuổi, ngụ Q.7) cũng chung câu trả lời: “Quy định mới này thì thú thực tôi chưa nghe, nhưng chuyện phân loại rác thì từng nghe qua rồi! Mà tôi cũng chưa tìm hiểu là cách phân như thế nào”.
Nhiều người dân đều... lắc đầu không biết khi được hỏi về quy định mới HOÀI NHÂN
Nhiều hộ gia đình trên đường Đặng Thùy Trâm (Q.Bình Thạnh) hàng ngày vẫn gộp chung các loại rác thải HOÀI NHÂN
Đánh giá về độ khả thi của quy định phân loại rác tại nhà, nhiều hộ dân sống trên đường Đặng Thùy Trâm (Q.Bình Thạnh) cho biết, quy định mới có thể thực hiện được, nhưng trước khi áp dụng, chính quyền mỗi địa phương cần có chiến dịch hoặc cách thức tuyên truyền cụ thể tới từng nhà để mọi người nắm rõ hơn.
“Mình ở trọ trên đường Đặng Thùy Trâm, cùng với một số người bạn tỉnh lẻ khác. Mình từng tìm hiểu cách phân loại rác và áp dụng, cũng vừa đọc được quy định mới sáng nay, nhưng các bạn mình thì không ai biết và cũng không ai làm chuyện ấy. Phân loại rác khá đơn giản, nhưng giống như thói quen lâu đời rồi, ai cũng nghĩ xài xong thì bỏ chứ để ý làm chi. Vậy nên chính quyền địa phương cần cụ thể hóa nhiều chương trình vận động, hơn là chỉ đưa ra quy định rồi áp dụng chế tài”, bạn Nguyễn Thành Nhân (22 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) nêu ý kiến.
Hộ gia đình của ông Nguyễn Văn Bình (44 tuổi), cũng ngụ trên con đường này cho biết: “Vợ chồng tôi trước giờ vẫn khá kỹ trong việc này, chứ không chờ đến quy định, chỉ có mấy đứa nhỏ là lười biếng hay quăng đại. Quy định mới tôi nghĩ có thể thực hiện, nhưng nên áp dụng đồng bộ và nghiêm ngặt. Vì đã nhiều lần tôi thấy các túi rác tôi phân rõ ràng, nhưng những người gom rác lại hất lộn xộn hết lên xe, như vậy thì thật uổng công”.
Theo nhiều người dân, quy định mới khả thi, nhưng cần tuyên truyền nhiều hơn và áp dụng đồng bộ, nghiêm ngặt HOÀI NHÂN
Trong khi đó,bà Lê Thị Tuyết Nga (45 tuổi, ngụ Q.8) cho biết: “Nếu như tôi hiểu, thì quy định mới cũng cho phép người dân có quyền giám sát các đơn vị thu gom rác có lấy rác đúng giờ, phân loại đúng cách hay không. Để từ đó có thể xử phạt, răn đe kịp thời. Thực hiện thì khả quan, nhưng đương nhiên không thể đùng một cái mà chế tài ngay, cần tuyên truyền cho mọi người hiểu trước đã”.
Ủng hộ, nhưng nên… giảm mức chế tài
Trong quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy đa số người dân đều ủng hộ quy định phân loại rác. Như ý kiến của một nhóm sinh viên trường Đại học Hutech: “Tụi mình thấy quy định mới hợp lý, vì môi trường hiện đang rất ô nhiễm, phải hành động từ những điều nhỏ nhất. Tuy sẽ hơi mất công hơn và cũng tốn thêm chi phí cho các túi, thùng chứa rác cả trong nhà lẫn nơi công cộng, nhưng lại bớt đi rất nhiều công phân loại tại các kho, bãi xử lý rác, đồng thời rác cũng được xử lý đúng theo đặc điểm hơn”.
Đa số người dân đều ủng hộ quy định phân loại rác tại nguồn, nhưng đồng thời cho rằng "mức phạt khá cao" HOÀI NHÂN
Ông Nguyễn Minh Tâm (67 tuổi, ngụ Q.5) cũng chia sẻ: “Quy định mới cũng tốt thôi, phân loại ra thì sạch sẽ, dễ tiêu hủy. Nhưng mức phạt người vi phạm, so với mặt bằng thu nhập chung của người dân là khá cao, như tôi về hưu, lương giáo viên như tôi chỉ hơn 5 triệu (đồng -PV), phạt như thế thì khổ! Tôi nghĩ khoảng vài trăm cho đến vài triệu là đã đủ răn đe rồi, quan trọng là làm sao để nâng cao ý thức”.
Đồng quan điểm, bà Phan Ngọc Thảo (40 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) cho biết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ quy định mới, vì nó tốt mà. Tuy nhiên, đây là vấn đề thuộc về ý thức, mà ý thức thì phải nâng cao từ bản chất, chứ không quan trọng ở khâu chế tài. Tức làm sao cho mọi người hiểu được mặt lợi của việc làm này, chứ không phải phạt thật cao để người ta sợ mà chấp hành”.
Cùng với việc phải phân loại rác, giá tiền thu gom rác cũng sẽ tăng HOÀI NHÂN
Một vấn đề liên quan, là mới đây Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký Quyết định số 38/2018-UBND quy định về giá tối đa với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và giá tối đa dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố. Với quy định mới này, người dân TP.HCM sẽ phải trả tiền rác hằng tháng cao hơn trước đây. Cũng như quy định mới về việc phân loại rác, nhiều người dân vẫn chưa rõ về việc này.
“Tôi chưa nghe vấn đề này, có lẽ các địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin hơn. Nhưng nếu tăng thì cũng không vấn đề gì, vì cái gì giờ cũng tăng mà, xăng dầu lên, thịt cá lên, trong khi công việc thu gom rác thì rất vất vả. Cứ nghĩ đơn giản này, rác của nhà mình ai đi ngang cũng ngại vì lộn xộn, bẩn, bốc mùi khó chịu. Thói quen phân loại chưa có nên trong một túi rác gia đình là hàng tá thứ lẫn lộn, mình xả ra còn ngại chứ đừng nói người đi gom. Họ phải đối mặt với nguy cơ về sức khỏe, về sự cố với đồ sắc nhọn, kim tiêm,… nữa”, ông Châu Văn Sơn (62 tuổi, ngụ Q.1) chia sẻ.
Nghề liên quan đến rác tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe, sự cố với rác thải rắn HOÀI NHÂN
Ông Đàm Hoàng Phương (50 tuổi, ngụ Hóc Môn), một công nhân vệ sinh khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, luôn phân loại và giữ lại các loại rác có thể tái chế để kiếm thêm thu nhập HOÀI NHÂN
Cũng quan điểm đó, bạn Lê Thanh Hiệp (22 tuổi, sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) cho rằng: “Mình cũng thấy lao động về rác cần được quan tâm nhiều hơn. Dù không cần đến trình độ, với như người ta nói thì mỗi người một việc, nhưng mình luôn nể họ, vì chọn công việc mà khi đi ngang họ, ai cũng đều bịt mũi như vậy! Tuy nhiên, nói đi thì phải nói lại, nếu phí rác tăng, đồng nghĩa với việc chất lượng dịch vụ phải chỉn chu hơn, nhất là các cơ sở rác dân lập”.
Thành phố không nhằm mục đích xử phạt’
Sáng 24.11, trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Toàn Thắng (Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM) cho biết Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã có hiệu lực từ lâu (hiệu lực từ 1.2.2017 –PV) và Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND của UBND TP.HCM (có hiệu lực từ ngày 24.11.2018 - PV) không nhằm mục đích xử phạt.
“Thành phố xác định rác sinh hoạt là một nguồn gây ô nhiễm và cũng là nguồn nguyên liệu có thể tái chế nên ban hành quyết định này để vận động người dân về quy trình phân loại rác tại nguồn để họ hưởng ứng và đi vào nề nếp chứ không nhằm mục đích xử phạt. Còn Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ trước đó đã có quy định rõ ràng, nếu ai vi phạm sẽ bị xử lý”, ông Thắng cho hay.
Nói về thời gian tuyên truyền và xử phạt, ông Thắng cho hay: “Để pháp luật đi vào cuộc sống, thành phố sẽ tổ chức tuyên truyền và nhắc nhở để người dân thấy chuyện này là cấp bách và thực hiện tốt. Còn theo quy định, khi được nhắc nhở 3 lần trở lên/tuần mà vẫn vi phạm thì xử phạt theo Nghị định của chính phủ”.
Ngoài ra, từ nay đến 2020, thành phố sẽ hỗ trợ nhãn dán (2 lần/năm) cho các hộ gia đình, chủ nguồn thải để dán lên nắp/thùng chứa chất thải với số lượng 4 nhãn dán/lần/hộ gia đình hoặc chủ nguồn thải. Bên cạnh đó, các địa phương có thể hỗ trợ thêm bằng hình thức khác nhằm tăng hiệu quả phân loại rác tại nguồn, với kinh phí xã hội hóa hoặc kinh phí từ nguồn ngân sách của thành phố phân bổ hàng năm.
Đình Vy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.