Chiều qua, TP.HCM hứng chịu một cơn mưa tầm tã kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ. Nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố ngập nước, thậm chí ở nhiều khu vực, nước tràn lênh láng vào nhà, đồ đạc trôi lềnh bềnh trong nước, khiến người dân gặp nhiều khó khăn
Mưa to nhiều nơi, nhiều quận huyện bắt đầu từ khoảng 16 giờ 30 và kéo dài đến hơn 19 giờ. Chỉ 1 tiếng sau cơn mưa đường Phan Huy Ích (quận Tân Bình) đã bị ngập nước nặng nề.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, mực nước dâng lên cao tới nửa mét, có đoạn ngập nặng gần một mét. Đây cũng là thời gian cao điểm khiến tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, việc di chuyển hết sức khó khăn.
|
|
|
Theo ông Hồ Xuân Quang - ngụ tại đường Phan Huy Ích, quận Tân Bình kể lại tình trạng ngập nước thường xảy ra vào lúc mưa lớn và mất khoảng 4-5 tiếng để nước rút trở lại. “Tôi đón cháu từ trường về lúc 5 giờ, gác xe đợi ở đây tới bây giờ (8 giờ) vẫn chưa đi được.” Theo người dân ở đây chia sẻ, tình trạng "nước ngập thành sông" sau cơn mưa lớn đã quá quen thuộc suốt 5 năm nay.
“Việc ngập nặng khiến việc kinh doanh của nhiều hàng quán trong tình trạng bị cô lập, luôn trong tình trạng vắng khách.”
Anh Long - bảo vệ quán café Huỳnh Tiên trên đường Phan Huy Ích chia sẻ. Không chỉ người điều khiển phương tiện giao thông lắc đầu ngao ngán khi đứng trước hình ảnh nước bơi thành dòng, mà người dân ở đây cũng cảm thấy bất mãn khi mỗi lần mưa mực nước đều dâng cao, dẫn đến việc tràn vô nhiều hộ gia đình xung quanh sống gần đó.
|
|
|
|
Con đường Phạm Văn Bạch, quận Tân Bình cũng phải chịu tình cảnh tương tự khi mực nước vào lúc 7 giờ tối vẫn trong tình trạng ngập cao.
Chú Nguyễn Văn Phượng (55 tuổi, ngụ tại đường Phạm Văn Bạch) cho biết: “Hôm nay nước dâng từ lúc 4 giờ chiều, cứ mưa là đường sẽ bị ngập nước, dù lớn hay nhỏ cũng ngập. Do đường cống ở khúc này bị tắc nghẽn nên tình trạng ngập mới kéo dài.”
Các tuyến đường khác như Nguyễn Văn Quá, Tân Thới Nhất (Q.12), Bàu Cát, Tân Sơn Nhì, Âu Cơ (Q.Tân Bình),… cũng ngập trong nước, có đoạn gần như nhấn chìm cả phần bánh xe vào trong nước.
Theo như ghi nhận thì khu vực Nguyễn Văn Quá (Q.12) là khu vực thường xuyên phải hứng chịu những trận ngập nghiêm trọng mỗi khi trời mưa lớn. Xe lưu thông trên tuyến đường này rơi vào cảnh chết máy hàng loạt, nhiều người dân phải đẩy xe vào lề đợi cho nước rút bớt mới có thể tiếp tục di chuyển.
Cũng tại đây, nước tràn vào nhà của nhiều hộ dân, người dân chia sẻ rằng họ phải tìm những chiếc bàn, ghế cao hơn mực nước để đặt những vật dụng quan trọng lên, tránh cho nước làm ướt hoặc cuốn trôi, sau đó đợi hết mưa thì ra sức tát nước.
|
|
|
Ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, ngày 31.10, rãnh áp thấp ở phía nam vắt qua phía nam mũi Cà Mau nối với hoàn lưu bão Goni trên khu vực miền trung Philippines. Rãnh áp thấp này có xu hướng nâng nhẹ trục lên phía bắc.
Nam bộ chịu ảnh hưởng kết hợp của rìa phía nam lưỡi cao lục địa kết hợp với rìa phía bắc rãnh áp thấp, với hội tụ gió có xu hướng hình thành trên khu vực. Vì vậy, Nam bộ thời tiết chuyển xấu đi, mưa có xu hướng gia tăng trên khu vực và xảy ra ở diện rải rác tập trung về chiều tối, có nơi mưa vừa, mưa to và dông.
Lượng mưa đo được tại một số trạm trong cơn mưa tối qua như sau: Thủ Đức 62mm, Bình Chánh 51,8mm, Cát Lái 34,8mm, Củ Chi 28,6mm, Hóc Môn 34,6mm, Lê Minh Xuân 37,6mm.
Theo ông Quyết, cơn mưa to vào cuối mùa mưa không có gì là bất thường, sắp tới sẽ có những trận mưa lớn hơn. Mùa mưa năm nay được dự báo sẽ kết thúc vào khoảng giữa tháng 11. Hiện nay theo quan sát đang có hướng chuyển sang gió Đông Bắc, đây là dấu hiệu chuẩn bị kết thúc hoạt động gió mùa Tây Nam, đồng thời kết thúc mùa mưa.
Bình luận (0)