Chỉ là một sạp hàng nhỏ trong chợ Thị Nghè (Bình Thạnh) nhưng hơn 20 năm qua, rất nhiều vị khách đã đến đây ăn thử món ăn do cô Thuận làm đều quay lại. Bởi vì, khi ăn ở đây, thực khách sẽ có cảm giác như nhà làm, nguyên liệu tươi, món ăn hợp khẩu vị rất đáng để thử.
|
Đến bây giờ, cứ mỗi 6 giờ sáng sạp cô Thuận bắt đầu bán, nhưng muốn ăn một đĩa đầy đủ thì phải đợi thêm 30 phút. Nhìn mâm thức ăn khá đơn giản, 1 đĩa lòng đầy đủ, một đĩa bún, đĩa rau thơm và chén mắm tôm pha sẵn. Lòng non mềm trắng hồng, kết hợp với đĩa rau tươi, thêm màu tim tím của chén mắm pha lẫn vài miếng ớt cam cam, nhìn màu sắc thôi cũng đủ thèm thuồng.
Ngon như vị nhà làm là cảm nhận chung của khách, lòng mềm, giòn thơm. Đặc biệt là phần dồi, bên trong có thêm rau thơm, đậu xanh, dồi đặc, chắc và thơm. Kiểu của người miền Nam là dồi làm xong phải chiên lên cho thơm, còn kiểu Bắc thì chỉ luộc lên, cắt khoanh ăn cho nóng.
Từng miếng dồi nhỏ, miếng dạ dày, miếng dồi trường... được chăm chút lên đĩa, nhìn bắt mắt, mùi thơm, vị ngon. Lòng ngon, bún ngon, mắm tôm ngon, từng thành phần chăm chút làm nên món ăn hoàn hảo, đủ màu, đủ vị.
|
Nhiều người ăn bún của cô cũng hơn chục năm, cứ vài ngày lại tới đây để gọi một phần ăn như hôm bữa. Người vội vàng thì đi ngang gọi một phần 200.000 đồng đem về cả nhà dùng thay cho bữa sáng. Người thích dồi trường, người thì không ăn gan... hầu như cô nhớ hết sở thích của từng khách. Cũng nhờ chú ý từng tiểu tiết, nên quán ăn luôn hết sớm, 6 giờ mở cửa nhưng khoảng hơn 10 giờ đã hết bún.
Sạp hàng nhỏ nên những vị khách đến ngồi cũng ý nhị lắm, ai cũng ngồi nép nép, nhường nhau để ai lỡ đến rồi thì cũng được ăn phần bún yêu thích nhất của mình. Nhiều người nghĩ bún lòng bán ở chợ rẻ, theo cô chủ quán tiền nào của đó, nên khi bán đồ ăn, cô chọn những nguyên liệu tươi ngon nhất, xử lý kỹ để món ăn thơm ngon, giá có cao một chút nhưng an toàn và vị ngon thì vẫn hút khách. Một phần bún lòng nhỏ có giá 40.000 đồng. Giá cao hơn khi khách muốn ăn thêm sụn, tim hay dạ dày...
|
Hơn 20 năm qua, ngày nào cũng như ngày nào, cô chủ quán vẫn chăm chút cho từng đĩa bún, từng phần thức ăn nhỏ. Bởi theo cô, bán đồ ăn cực khó, khách hai mươi năm ăn bún lòng ngon, nhưng chỉ cần một ngày ăn bị dở thì sẵn sàng chuyển qua món khác. Khách cũ thì nhớ khẩu vị từng người, khách mới thì cô hỏi chi tiết, để ai cũng ăn ngon, hài lòng, rồi ngày sau ghé ủng hộ tiếp.
Bình luận (0)