Sống tại tâm dịch Milan, trả lời Thanh Niên ngày 10.3, bạn Đào Mai Quyên cho biết cảm thấy lo lắng và bất an vì số người nhiễm Covid-19 tại Ý đang tăng nhanh.
“Mình nghĩ do ý thức của nhiều người kém, trước khi có lệnh phong tỏa phía Bắc thì nhiều người đang sinh sống trên đó đi về về miền Nam”, theo chị Quyên có thể đây là lý do phải phong tỏa cả nước.
Mặc dù lo lắng, nhưng chị Mai Quyên vẫn tự trấn an, cố gắng giữ gìn sức khỏe và gần như không ra đường bao giờ, trừ khi đi chợ hoặc phải đi làm giấy tờ.
Chị Quyên còn cho biết, mấy hôm nay chị cần làm một số giấy tờ về bằng tốt nghiệp và giấy tờ cư trú nhưng cũng chưa làm được vì văn phòng của trường đóng cửa và cảnh sát ở cơ quan làm giấy tờ cư trú cho người nước ngoài đang nghỉ 30 ngày.
|
Tính đến thời điểm này, đã có 463 người tử vong trong 9.172 ca nhiễm virus Corona chủng mới gây bệnh COVID-19 tại Ý. Quốc gia Nam Âu này giờ trở thành nước có số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 cao thứ hai chỉ sau Trung Quốc, vượt qua Hàn Quốc và Iran.
|
Ngoài việc hạn chế đi lại và tập trung nơi đông người, thì việc đi chợ sẽ không thể dừng lại. Vả lại, siêu thị luôn cung cấp đầy đủ hàng hóa để tránh hiện tượng cháy hàng, nên chị Quyên sẽ chọn cách không đổ xô dự trữ thực phẩm.
Theo chị L.A, sống ở miền Bắc nước Ý, lúc đầu mới bùng phát bệnh, mọi người xung quanh rất thờ ơ vì không nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19 này. Mọi người cứ đi lại vui chơi, ăn uống. Kể cả khi có lệnh phong tỏa vùng Lombardy, một số người cũng đã đi xuống vùng phía Nam để tránh dịch. Bây giờ ‘vỡ trận’, nhiều người đành phải bất lực. Ở các vùng, người dân không thể đi lại tự do, nếu ai muốn qua một quận hay một tỉnh khác phải cần có giấy thông hànhvà bị kiểm soát gắt gao.
Trái với việc xem nhẹ dịch bệnh của nhiều người. Ngay từ lúc có dịch, chị L.A đã sớm nhận thức được việc phòng tránh dịch bệnh. Chị và gia đình cũng thực hiện các biện pháp thông thường như hạn chế đi đến các nơi vui chơi, du lịch, lễ hội, hạn chế bắt tay hay ôm hôn.
Chị L.A cũng không ngại chia sẻ: “Gia đình chị kinh doanh nhà hàng, đương nhiên điều cần thiết là nhiều khách tìm đến. Dịch bệnh như vậy làm cho lượng khách giảm đi nhiều chứ. Song thực sự, trong thời điểm này, mình muốn khuyến cáo mọi người hạn chế đi lại, cần bảo vệ sức khỏe mình trước, tránh lây lan làm ảnh hưởng đến mọi người”. Chị còn bày tỏ, nếu lúc đầu mọi người không quá thờ ơ thì sẽ không lâm vào tình cảnh này.
Khi có lệnh phong tỏa toàn quốc, chị Nguyễn Như Ngọc cùng mọi người trong nhà rất buồn và chỉ biết tự trấn an nhau. “Tối qua, mình nghe nói phong tỏa cả nước, nên lo lắng lắm. Mọi người trong nhà ai nấy cũng buồn và có phần hối hận về trước đó không chịu về Việt Nam. Tụi mình lo lắm, nhưng không ai làm được gì người việc tự mình bảo vệ mình ”, chị Như Ngọc buồn nói.
Chị Như Ngọc thông tin, không riêng gì người Việt mà cả người Ý cũng không thể ra khỏi nước. Giữa các vùng, người dân nếu muốn đi lại phải có giấy self - certificate (một dạng giấy chứng nhận xuất xứ).
Chị Ngọc kể: “Hôm qua, mình thấy có 2 chị đi ra tới sân bay đi hãng Thaiairway. Dù đã bước lên máy bay nhưng họ vẫn bị hải quan chặn lại, vì thấy thẻ cư trú thuộc vùng đỏ”.
Bình luận (0)