Về quê tránh dịch
Tại các khu vực có số ca nhiễm Covid-19 cao và tốc độ tăng nhanh ở Ấn Độ, một số người Việt đã và đang cùng gia đình sắp xếp công việc để về vùng quê, những nơi có số ca nhiễm thấp hơn để tránh dịch.
Chị Kim Yến (36 tuổi, đang sống tại thành phố Vadodara bang Gujarat) đã định cư ở Ấn Độ hơn 10 năm. Chị cho biết khi Ấn Độ bắt đầu phong tỏa từ cuối tháng 3, con chị chuyển sang học online còn chồng chị làm việc tại nhà.
|
|
“Gia đình tôi đang chuẩn bị để về quê tránh dịch, tình hình ngày càng căng thẳng, số ca nhiễm quá cao, quá nguy hiểm. Chúng tôi sẽ về quê chồng ở bang Himachal Pradesh, nơi đó có số ca nhiễm ít hơn. Chúng tôi sẽ tự lái xe gần 2.000 km để về, dự định sẽ ở lại tránh dịch khoảng 2 tháng xem tình hình thế nào rồi tính tiếp. Thời gian ấy tôi sẽ làm việc ở trang trại trên núi, 2 đứa con vẫn học online và chồng vẫn làm việc online”, chị Kim Yến nói với Thanh Niên.
“Chồng tôi làm lĩnh vực thủy điện thỉnh thoảng phải đi công tác nhưng vì đang dịch nên ngừng lại hết mọi hoạt động. Công trình cũng bị chậm trễ nhưng là tình hình chung nên khách hàng cũng thông cảm. Còn tôi vì vẫn đang ở nhà, thời gian này đa phần tập trung chăm sóc con cái”, chị nói thêm.
Theo lời kể của chị Yến, thời điểm có thông tin Ấn Độ chuẩn bị đóng cửa phong tỏa cả nước, chị Yến và nhiều người dân đều rất hoang mang, nhiều người đổ xô đi mua lương thực dự trữ. Đến đợt phong tỏa thứ hai, một số người dân tỏ ra chống đối, không tuân thủ biện pháp phòng ngừa dịch dẫn đến bị bắt giữ, phạt...
Bên cạnh đó việc lưu thông giữa các bang được kiểm soát rất nghiêm ngặt, người dân cần xin giấy phép và cần có lý do chính đáng. Tới đợt thứ ba, dịch bùng phát rất nhanh, đa số đều mở cửa lưu thông trở lại, chị Yến và nhiều người dân đã quen sống chung với dịch.
|
|
Từ lúc dịch bệnh bùng phát ở Ấn Độ, chị Yến luôn mệt mỏi và căng thẳng, chị đã cho người giúp việc nghỉ, tự bản thân làm hết việc nhà, kèm cho con học online… Tuy nhiên, chị cho rằng, nếu nhìn sự việc theo hướng tích cực thì cũng nhờ có đợt dịch này, gia đình có cơ hội gần gũi nhau hơn. “Cả nhà học hành, làm việc tại nhà, thời gian trở nên linh hoạt thoải mái, phụ nữ đảm đang hơn”, chị nói.
Chị Vũ Thị Hòa (34 tuổi, sống ở thành phố Bengaluru, bang Karnataka) hiện cũng đang làm việc tại nhà thay vì đến công ty. Chị cũng luôn giữ một tinh thần lạc quan để mong dịch mau qua đi. Chị Hòa cho biết: “Do tinh thần mình suy nghĩ sao thì nó sẽ vậy thôi. Thời gian qua, con tôi đến sống tại nhà người thân, đợt này có các chuyến bay trở lại dù lo sợ nhưng vẫn quyết định đưa con trở về. Mẹ con tôi thực hiện đúng quy định an toàn, cách ly đầy đủ và đã an toàn. Bản thân tôi thấy làm việc tại nhà cũng rất thuận tiện cho việc gần gũi, chăm sóc con cái”.
|
Công việc đình trệ
Vợ chồng chị Jane Nguyen (24 tuổi, ở thành phố Thrissur, bang Kerala) sống ở cả hai quốc gia Việt Nam và Ấn Độ. Vừa đến Ấn Độ từ tháng 1, gặp dịch bệnh nên chị Jane Nguyen phải ở lại đây lâu hơn dự định, công việc kinh doanh của chị tại Việt Nam trở nên đình trệ, gặp nhiều khó khăn.
“Ở TP.HCM, mình điều hành kinh doanh cửa hàng về nội thất gỗ nhưng tạm thời mình chỉ có thể làm việc qua mạng internet kết hợp với sự hỗ trợ của người thân trong gia đình. Lượng khách thấp hơn rất nhiều so với mọi năm, giá bán cũng phải hạ thấp. Đặc biệt là ở xa nên mình không quản lý nhân viên sát sao được hay những khách hàng quen dần không liên lạc với mình. Về doanh thu, mùa dịch này mình chỉ mong sao đủ để cầm chừng là mừng lắm rồi” chị Jane Nguyen nói.
|
Khu vực chị Jane Nguyen và chồng đang sống có số ca nhiễm chưa cao nên việc đi lại, hoạt động kinh doanh vẫn khá ổn. Chị cho biết thêm chồng chị hiện tại đang là quản lý chuỗi cung ứng tại một công ty vận chuyển hàng hóa, còn chị vì sang Ấn Độ gặp dịch bệnh nên hiện ở nhà và làm công việc nội trợ.
“Mình biết Chính phủ Việt Nam hỗ trợ công dân về nước trong các chuyến bay cứu trợ nhưng vì kẹt chồng mình nên mình vẫn quyết định ở lại Ấn cho đến khi các chuyến bay thương mại hoạt động bình thường trở lại thì chúng mình sẽ cùng về”, chị tâm sự.
Bình luận (0)