Chạy 200 cây số mới nhớ chưa báo tin với vợ con
Từ hôm 26.9, nhà báo Hoàng Quân sẽ làm nhiều người nhớ đến bằng một câu chuyện thấm đượm tình người: Vượt hơn 480 km xuyên đêm chở cháu bé người Mông chỉ 10 ngày tuổi và gia đình không quen biết kịp về quê tránh dịch Covid-19. Hành trình ấy vừa kết thúc rạng sáng nay 27.9.
Nhà báo Hoàng Quân, tên đầy đủ là Hoàng Văn Quân, năm nay 37 tuổi, quê Tĩnh Gia (Thanh Hóa), cựu sinh viên của lớp báo chí K29 Trường Đại học Khoa học Huế. Ở làng báo miền Trung, ngoài chuyện viết lách, Hoàng Quân (công tác tại Báo Công an TP.HCM, thường trú TP.Đà Nẵng) khá nổi bật với với vị trí tiền đạo trong các giải bóng đá phong trào của giới báo chí khu vực, cũng là “cây hiến máu tình nguyện” từ thời sinh viên, đến nay đã tròm trèm 40 lần.
|
Chuyện bắt đầu từ sáng 26.9, anh Quân cùng một số nhà báo, nhà hảo tâm ở TP.Đà Nẵng tham gia hỗ trợ đoàn 30 người là đồng bào Mông đi từ Bình Phước về quê Nghệ An bằng xe máy. Những người tha hương này làm nghề cạo mủ cao su, nhưng vì Covid-19 họ thất nghiệp, sống lay lắt nên quyết định tìm đường về quê trên những chiếc xe máy cà tàng từ ngày 24.9.
Trong số này, Quân và nhóm bạn bè đặc biệt chú ý đến gia đình của chị Xồng Y Rê (19 tuổi, quê H.Kỳ Sơn, Nghệ An) bởi gia đình này có 1 bé sơ sinh chỉ 10 ngày tuổi, còn đỏ hỏn, thậm chí còn chưa kịp đặt tên.
“Họ đã đi 3 ngày 3 đêm, phương tiện là những chiếc xe máy nhìn rất thảm. Không biết cả người và xe có đủ sức để đi tiếp hơn 800 cây số nữa để về đến quê nhà ở khu vực giáp biên giới với Lào?”, anh Quân kể.
|
Với lo lắng như vậy, trong tích tắc, anh Quân đã mời gia đình bé người Mông 10 ngày tuổi lên ô tô của mình ngỏ ý sẽ chở họ từ chốt gác giáp ranh Đại Lộc (Quảng Nam) - Hòa Vang (Đà Nẵng) về Nghệ An, trước sự ngỡ ngàng của những người bạn thiện nguyện.
“Thực sự chúng tôi không tin Quân lại mở lời nhanh như thế, bởi cậu ấy vừa đồng ý tham gia một hành trình khó khăn, đặc biệt là vào lúc dịch bệnh Covid-19 như thế này”, một người bạn của Quân có mặt ở thời điểm đó viết lại trên trang cá nhân.
|
Còn với Quân, khi đã cầm vô lăng, chạy một mạch hơn 200 cây số, ra tới tận tỉnh Quảng Bình lúc 18 giờ tối, mới nhớ là lúc đi… chưa kịp nói gì với vợ con. “Có khi không giải thích được việc ta làm có ý nghĩa gì, giúp được gì, kết quả ra sao, mà nghĩ nếu dùng dằng, chậm vài phút, vài chục phút thì cảm thấy khó chịu. Ví như hôm nay, nếu không quyết nhanh và gia đình người Mông phải tiếp tục đi về quê bằng xe máy, hẳn mình sẽ còn ray rứt lắm”, anh Quân nói.
Hành trình không bao giờ quên
Mới biết lái xe hơn 10 tháng, ô tô cỡ nhỏ của hãng xe trong nước cũng vừa được mua 10 tháng, nhưng nhà báo Quân đã “liều mạng” dấn thân vào một hành trình không phải ai cũng có gan tham gia.
Cụ thể, anh Quân chạy một mạch 480 km từ khu vực giáp ranh Quảng Nam - Đà Nẵng ra tới Nghệ An, dừng 2 lần bên đường ăn uống tạm, 5 lần khai báo y tế và cam kết không “đi ngang rẽ tắt” tại 5 chốt kiểm dịch Covid-19 ở các tỉnh thành. Và anh cũng không ngủ… “Nghĩ lại, cũng thấy mình liều thật”, anh Quân kể.
|
Trên hành trình đưa gia đình người Mông lần đầu tiên gặp mặt về quê, cựu sinh viên của lớp báo chí K29 (Trường Đại học Khoa học Huế) ngoài việc phải căng mắt ra lái xe còn phải thường xuyên động viên những người ngồi sau tay lái của mình. Bởi cả 4 thành viên gia đình người Mông đi xe máy nhiều ngày đã mệt, lại say xe vì không quen đi ô tô, nên họ... không chịu ăn cơm. Anh Quân phải nói đủ cách thì họ mới đưa thìa cơm lên miệng nhai trệu trạo.
Anh cũng kể lại rằng, vốn bản tính thật thà, gia đình người Mông mà anh đang giúp đỡ cứ luôn… hối thúc anh chạy thật nhanh về quê, mà không biết rằng chính anh cũng mệt. Không biết đường, anh Quân liên tục nhắc: “Em chú ý đường cho anh với”. Lúc đó, Lầu Bá Giờ (32 tuổi, chú của cháu bé) nói như đinh đóng lên cột: “Em không ngủ đâu. Cán bộ yên tâm!”. Nhưng khoảng 5 phút sau, đã thấy Giờ ngủ khò.
|
Cũng dở khóc dở cười vậy, nhưng trên trang cá nhân, anh Quân vẫn viết: “Đường xa, mưa lớn, gian nan mà thấy người mẹ 19 tuổi cho con bú an toàn trong xe, không phải đứng bên đường vạch áo cho cháu bú sữa, thấy cũng mừng. Cứ đi, mệt nghỉ, được đến đâu hay đến đó, đứa trẻ cùng bố mẹ an toàn được đoạn nào hay đoạn đó”.
Và trên hành trình 480 km xuyên ngày đêm đó, anh Quân cho biết cả anh và gia đình cháu bé người Mông ấy mang ơn rất nhiều người.
“Đó là nhóm nhà báo và nhà hảo tâm ở Đà Nẵng đã dúi vào tay anh 2 triệu đồng làm lộ phí, dù anh đã một mực từ chối. Đó là một số anh em ở Quảng Bình, không rõ vì sao mà biết, đã “chặn đường” ở chốt Covid-19, chuyển cho mấy hộp cơm nóng. Và đặc biệt là anh em báo chí Nghệ An và lãnh đạo UBND H.Kỳ Sơn đã làm nên một cái kết rất đẹp cho hành trình về quê đầy gian nan của gia đình bé người Mông sơ sinh này”, anh Quân kể.
|
Cái kết đó chính là lúc 0 giờ 50 phút rạng sáng nay 27.9, bé trai (khi ấy đã 11 ngày tuổi) cùng mẹ, 2 người thân đến cầu Bến Thủy - cửa ngõ thành Vinh (Nghệ An). Sau các thủ tục ở chốt, xe của UBND H.Kỳ Sơn đã bố trí sẵn đón gia đình này vượt thêm 360 km đường rừng, mưa lũ… để về xã Huổi Tu và xã Mường Lống (H.Kỳ Sơn) cách ly, trước khi về nhà.
“Việc tôi làm cũng không có gì to tát lắm, nhưng nhiều người nhận xét là trong tôi có chút… máu khùng, mà có khi tôi khùng thật. Thà không thấy, chứ thấy những cảnh tội nghiệp như vậy là tôi chịu không được. Tôi sẽ chấp nhận vượt rào, nếu trái tim mách bảo, nếu việc đó không gây tổn hại, hậu quả đến người khác và xã hội. Có lúc tôi sẽ gác việc làm báo của mình lại để làm việc của một con người, vậy thôi”, nhà báo Quân nói.
Bình luận (0)