Phóng viên hy sinh ở Rào Trăng: Nước mắt đưa anh về đúng ngày sinh nhật 54

16/10/2020 15:36 GMT+7

Trong số 13 chiến sĩ, cán bộ hy sinh trong thảm nạn Rào Trăng 3, có một người phóng viên. Ông ấy đã ra đi và trở về vào đúng ngày sinh nhật của mình, để lại một hoàn cảnh khốn khó. Đặc biệt, cô con gái lớn của ông cũng đang nối nghiệp cha khi đang là sinh viên ngành báo chí.

Người phóng viên lớn tuổi ấy cũng chính là phóng viên duy nhất đi theo đoàn công tác vào khảo sát nắm tình hình thực hiện cứu hộ cứu nạn ở thủy điện Rào Trăng 3, rồi anh cũng đã hy sinh cùng 12 cán bộ, quân nhân khác.

Công nhận liệt sĩ đối với 13 cán bộ hy sinh ở Rào Trăng 3

Người trầm lặng tử tế

Khi hay tin 13 người người gặp nạn sạt lở đất ở thủy điện (TĐ) Rào Trăng 3, như nhiều tâm trạng hướng về đây, các cán bộ, nguyên cán bộ Đài truyền thanh – truyền hình H.A Lưới lo lắng, bồn chồn. Nhưng điều khiến họ bàng hoàng là trong số những người gặp nạn có một đồng nghiệp cũ từng nhiều năm làm việc ở đài. Ông là Phạm Văn Hướng, người đã có hơn 20 năm công tác ở đài.
“Mình thật sự sốc. Mấy hôm nay lo lắng, bất an vì thông tin những người gặp nạn, mất tích, nay xác định có một đồng nghiệp cũ là anh Hướng nữa thì buồn không thể tả được. Anh anh ấy sống tình cảm lắm. Điềm tĩnh, trầm lặng và tử tế”- một cựu phóng viên đồng nghiệp của ông Hướng bùi ngùi.

Danh sách 13 cán bộ hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ ở Rào Trăng 3 | Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân

Sinh quán tại Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, hơn 20 năm trước ông Hướng vào huyện miền núi lập nghiệp với tấm bằng trung cấp kỹ thuật phát thanh truyền hình. Thời gian này Đài A Lưới cũng vừa lập thêm mảng truyền hình, nâng thành Đài truyền thanh – truyền hình. Từ vai trò chính là kỹ thuật viên trực đài, ông Hướng kiêm luôn việc phóng viên quay phim, rồi làm luôn phóng viên viết. Kể từ khi “ôm máy” ông Hướng lại đi hiện trường nhiều hơn, không quản ngại đêm ngày, đường sá gian khổ khi có việc cần hoặc cấp trên điều động.
“Không biết bao nhiều ký ức, kỷ niệm của anh em chúng tôi. Gian khổ thì nhiều nhưng gian nan vất vả nhất là những đợt đi vào các bản làng để làm lũ bão, hay ban đêm được điều động đi làm nhiệm vụ, anh Hướng không lúc nào từ nan. Tôi không ngờ lần này, con người siêng năng ấy gặp nạn rồi hy sinh, buồn quá, đau quá”. - ông Hồ Ngọc Lô, cán bộ công tác ở Đài A Lưới đã gắn bó với ông Hướng gần 20 năm, bày tỏ.

“Trở về” đúng ngày sinh nhật tuổi 54

Năm 2013, sau khi nỗ lực học và lấy bằng cử nhân luật, ông Hướng chuyển công tác ở Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế. Từ nhân viên, gần đây ông Hướng được bổ nhiệm giữ chức Trưởng phòng thông tin – tuyên truyền. “Sếp” nhưng những người làm báo ở Huế lúc nào cũng có mặt ở các sự kiện với chiếc máy ảnh hoặc máy ghi hình.

Đường vào TĐ Rào Trăng 3 sạt lở nặng nhưng đoàn cứu hộ cứu nạn 21 người cố gắng tiếp cận để khảo sát nắm thông tin nhiều công nhân gặp nguy do sạt lở, để rồi sau đó chính họ cũng gặp nạn, trong đó 13 người đã hy sinh

ẢNH: ĐÌNH TOÀN

Trong những tháng gần đây, hết phòng chống dịch Covid-19 đến mưa bão dồn dập, người làm báo ở Huế nói chung và ông Hướng nói riêng cũng bị cuốn theo vòng xoáy công việc ấy gần như không ngơi nghỉ.
Chiều 12.10, khi hay tin có nhiều công nhân thủy điện Rào Trăng bị mắc kẹt trong mưa lũ, có nhiều nguy cơ do sạt lở đất, ông Hướng đã cùng một lãnh đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế và 19 người khác đi xe đặc chủng vào hiện trường khảo sát, thực hiện công việc cứu hộ cứu nạn. Do không thể tiếp tục đi bằng xe đặc chủng do đường sá sạt lở nặng nên đoàn đã đi bộ nhiều cây số.
Đến khoảng 21 giờ đêm cùng ngày thì mới đến được căn nhà Trạm quản lý, bảo vệ rừng tiểu khu 67. Đoàn đã vào đây nghỉ lại để mai tiếp tục. Khoảng 0 giờ 13.10 thì vụ sạt lở đất oan khiên xảy ra, vùi lấp căn nhà, 8 người chạy thoát được trong đêm đen, 13 người hy sinh, trong đó có ông Hướng.

Sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3: nỗi buồn lan cả cố đô Huế

Chiều 15.10, đúng ngày sinh nhật tuổi 54, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tìm được 13 thi hài, trong đó có ông Hướng, nhà báo duy nhất đi theo đoàn. Xe y tế chuyên dụng đã đưa tất cả họ về Bệnh viện quân y 268, gần đồn Mang Cá. Ngày sinh nhật thành ngày chan chứa nước mắt với những người thân, anh em, bạn bè.

Một trong những xe y tế chuyên dụng cuối cùng rời hiện trường đêm 15.10 sau khi tham gia tìm kiếm thi hài 13 cán bộ, quân nhân hy sinh, trong đó có ông Hướng

ẢNH: ĐÌNH TOÀN

Ông Hướng từng có một mái ấm đủ đầy với người vợ và hai con gái, nhưng cuộc hôn nhân không trọn vẹn và ông đã nhận đảm trách "gà trống nuôi con" cách nay 2 năm. Người phóng viên lớn tuổi ra đi để lại một gia cảnh khá khó khăn khi cô con gái đầu là sinh viên năm 4 đang học ở Hà Nội, người còn lại là nữ sinh lớp 12 ở TP.Huế.
Ba bố con họ sống ở khu chung cư Xuân Phú, đùm bọc nhau. Những ngày qua ông Hướng liên tục đi công tác và rồi mất liên lạc. Hai cô con gái vị phóng viên này liên lạc bố không được cứ tin là máy bố hết pin, hay hỏng hóc. Mãi cho đến khi cơ quan ông Hướng báo tin xấu, động viên, an ủi hai người con gái và người vợ đã chia tay ông Hướng, thì tất cả như đổ sụp họ mới bàng hoàng, đớn đau.

Đông đảo người dân địa phương và người thân ngóng chờ tin tốt từ hiện trường những người hy sinh, tử nạn khu vực thủy điện Rào Trăng 3

ẢNH: ĐÌNH TOÀN

Những ngày qua, người thân của vợ ông Hướng trước đây cũng đã thay phiên nhau đến xã Phong Xuân “trực” để nắm thông tin cuộc tìm kiếm người gặp nạn. Cứ mỗi đoàn xe trở ra, họ lại đỏ hoe mắt. Đã chia tay, vậy mà con người ấy vẫn để lại khiến gia đình vợ luyến lưu đến thế, cũng đủ hiểu ông ấy tình cảm với mọi người như thế nào.

Người thân của cán bộ hi sinh khi đi cứu hộ cứu nạn tập trung ở gần Bệnh viện Quân y 268 để chờ làm lễ viếng, lễ truy điệu

ẢNH: ĐÌNH TOÀN

Sáng nay 16.10, ban quản trị khu chung cư Xuân Phú đã phát tin buồn, cho biết thi thể ông Hướng sau khi làm lễ truy điệu chung với 12 chiến sĩ, cán bộ khác, sẽ được đưa vào Đà Nẵng hỏa thiêu, sau đó hài cốt đưa về chung cư cho mọi người thăm viếng. “Thật tội nghiệp. Ông ấy đi rồi thì hai đứa nhỏ phải làm sao đây?” – một người dân ở khu chung cư than thở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.