Nhiều điểm đến hấp dẫn tại miền Bắc dịp nghỉ lễ 2.9

31/08/2018 07:43 GMT+7

Kỳ nghỉ Quốc khánh 2.9 năm nay cũng là thời điểm nhiều tỉnh miền núi phía Bắc bước vào mùa lễ hội lớn nhất trong năm. Đây là cơ hội để nhiều gia đình khám phá văn hóa đặc sắc của các dân tộc.

Tây Bắc - điểm đến lý tưởng cho nghỉ lễ
“Đi đâu trong 3 ngày nghỉ lễ 2.9?” là câu hỏi mà các thành viên trong gia đình chị Lê Thị Giang Thu, nhân viên văn phòng ở quận Đống Đa (Hà Nội) băn khoăn trong suốt mấy ngày qua.
Chị Giang chia sẻ: “Kỳ nghỉ lễ năm nay chỉ có 3 ngày, thời gian không đủ cho một chuyến đi chơi xa, trong khi khai giảng năm học mới đã cận kề, bọn trẻ còn bận bịu với lịch luyện tập cho lễ khai giảng. Mùa này, mưa nắng thất thường, gia đình tôi đang phân vân không biết đi xuống biển hay lên núi, vì còn phải nghe ngóng tình hình thời tiết rồi mới quyết định”.
Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó giám đốc Công ty Vietravel Hà Nội, “lý tưởng nhất cho kỳ nghỉ lễ 2.9 là những chuyến đi ngắn từ 1 - 3 ngày. Những điểm đến du lịch không quá xa thành phố như Sapa, Mộc Châu, Cao Bằng… di chuyển bằng xe chính là lựa chọn hàng đầu. Chi phí cho chuyến đi từ 1,6 - 3 triệu đồng/người”.
Nếu mùa hè là mùa du lịch biển thì mùa thu là mùa du lịch khám phá các tỉnh miền núi phía Bắc. Tại các điểm du lịch hấp dẫn của miền Bắc năm nay đều tổ chức các lễ hội lớn.
Ông Phạm Đức Chính, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu (Sơn La), cho biết những năm trước, dịp 2.9 huyện Mộc Châu thường tổ chức lễ hội đón tết Độc lập. Năm nay, quy mô tổ chức được nâng lên cấp tỉnh với chương trình Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Sơn La, diễn ra từ 28.8 - 2.9, gồm các hoạt động như: thi trình diễn trang phục dân tộc Sơn La, trình diễn văn hóa cộng đồng các dân tộc, chợ thổ cẩm, lễ hội khinh khí cầu thả ngắm phong cảnh Mộc Châu…
Tại Sapa (Lào Cai), từ 31 - 2.9 cũng sẽ diễn ra Lễ hội mùa thu với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như trình diễn văn nghệ dân gian các dân tộc, lễ đón dâu dân tộc Dao, lễ đón then về ăn tết dân tộc Tày, lễ mừng mùa mới dân tộc Xa Phó, lễ cúng đất đầu năm dân tộc Dáy...
Vào các ngày trong dịp Quốc khánh, tại trung tâm thị trấn huyện, du khách được trải nghiệm các trò chơi dân gian như ném còn, đánh pao, đi cà kheo, kéo co, đẩy gậy, nhảy dây, múa khèn, thổi sáo, bịt mắt đánh trống...
Ra ngoại thành xem lễ hội
Nếu không có điều kiện đi xa, dịp này, du khách có thể tham gia lễ hội Vui tết Độc lập tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Từ 31.8 - 2.9, tại đây sẽ diễn ra Chợ phiên vùng cao xứ Lạng, giới thiệu không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, tạo không khí đậm nét chợ vùng cao.
Du khách đi chợ và thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc hoặc trò chơi dân gian tại chợ vùng cao do cộng đồng dân tộc Mông, Nùng, Thái, Tày, Dao, Khơ Mú…
Điểm nhấn của chợ phiên là không gian giới thiệu nét văn hóa, sản vật địa phương, ẩm thực truyền thống của các dân tộc Lạng Sơn, với chảo thắng cố nghi ngút khói, những món ăn hấp dẫn lợn quay, vịt quay, giã bánh dày…
Đáng chú ý, nhiều du khách sẽ bất ngờ khi lần đầu tiên được thưởng thức màn biểu diễn nghệ thuật múa sư tử mèo của dân tộc Nùng. Đây là một nét văn hóa truyền thống được hình thành qua nhiều thế hệ, gắn bó lâu đời và thể hiện tinh thần thượng võ của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng.
Tại Công viên Thiên đường Bảo Sơn, từ 1 - 3.9 sẽ diễn ra Lễ hội Thổ dân lần đầu tiên được tổ chức với nhiều hoạt động thú vị, như trải nghiệm làng thổ dân với hàng chục nhà lều Teepee (Anh Điêng), những bối cảnh trong làng thổ dân Kong trên đảo Đầu Lâu nổi tiếng trên phim điện ảnh, các cột tượng Totem đặc trưng...
Du khách còn được tham gia vào hơn 20 trò chơi không giới hạn phù hợp mọi lứa tuổi. Giá vé trọn gói 290.000 đồng/người lớn và 250.000 đồng/trẻ em.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.