Nhiều ngôi chợ tiền tỉ xây xong bỏ hoang

09/01/2021 11:27 GMT+7

Chợ xã Nghĩa Phương (H.Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) được xây dựng từ tháng 5.2016, diện tích gần 4.800 m 2 , trong đó nhà lồng với 32 lô sạp, 2 dãy nhà với gần 20 ki ốt.

Công trình này do UBND H.Tư Nghĩa làm chủ đầu tư, vốn gần 5 tỉ đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa, nhưng gần 4 năm nay bị bỏ hoang. Trong khi đó, tiểu thương vẫn mua bán ở chợ cũ.
Nhiều tiểu thương cho biết nghe xây chợ mới thì mừng, vì chợ cũ ẩm thấp, mỗi khi mưa lớn nước đọng sình lầy, rất mất vệ sinh. Tuy nhiên, khi chợ xây xong thì thất vọng vì nhiều bất hợp lý. "Chia lô sạp trong nhà lồng, bề ngang chỉ dài nhỉnh hơn cái bàn kê bán thịt heo thì làm sao mua bán?", một tiểu thương nói. Đó là chưa kể, nền chợ mới quá thấp so với mặt đường, dãy ki ốt đầu tiên sát QL1A che chắn toàn bộ công trình chợ bên trong; chợ không có cổng chính nên muốn vào phải đi nhờ con đường liên thôn, gây khó khăn trong việc mua bán của tiểu thương.
“Trước đây, chính quyền xã vận động tiểu thương vào chợ, phải đấu giá và trả một lần 220 triệu đồng/20 năm cho một ki ốt mặt tiền, 30 triệu đồng cho lô sạp 4 m2. Vừa qua, tiếp tục đấu giá tự do các ki ốt này, có nhiều người từ địa phương khác đến đấu giá, đưa giá thuê lên khoảng 80 triệu đồng/ki ốt/5 năm. Mỗi ngày nhiều người chỉ bán được 200.000 - 300.000 đồng thì số tiền nói trên quá lớn”, một tiểu thương bức xúc nói.
Chợ xã Nghĩa Hiệp (ảnh - H.Tư Nghĩa) xây xong từ 2 năm nay trên diện tích 3.000 m2, kinh phí 1,5 tỉ đồng, tiểu thương cũng không vào mua bán, mà vẫn mua bán tại khu chợ cũ ọp ẹp. Các tiểu thương cho rằng, chợ quê nhưng giá thuê lô sạp giá quá cao, vượt quá khả năng của họ. Cụ thể, thấp nhất là 36 triệu đồng/lô/20 năm; cao nhất 57 triệu đồng/lô/20 năm và buộc phải nộp tiền một lần sau khi trúng đấu giá.
Ông Nguyễn Đăng Vinh, Chủ tịch UBND H.Tư Nghĩa, cho biết các xã Nghĩa Phương và Nghĩa Hiệp đã báo cáo tình trạng chợ tiền tỉ xây xong nhưng tiểu thương không vào hoạt động, với lý do bất hợp lý về giá thuê và các lý do khác. "Huyện đã chỉ đạo chính quyền các xã gặp gỡ người dân để lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc và chậm nhất là qua Tết Nguyên đán 2021 phải đưa dân vào mua bán trong chợ đã xây này, tránh lãng phí và đảm bảo vệ sinh môi trường", ông Vinh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.