Liên quan đến chuyện barie chống xe máy leo lề được thí điểm ở một số tuyến đường trung tâm Q.1 (TP.HCM), nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng bất lực trước thực trạng vi phạm vô ý thức này.
Xe leo lề do luật pháp không nghiêm
Ông Nguyễn Công Thành (50 tuổi, ngụ P.Bến Nghé, Q.1) cho rằng, xét về barie lắp đặt vỉa hè thì có mặt lợi là hạn chế được những người không có ý thức, lúc nào cũng nghĩ cho bản thân lao xe lên vỉa hè chạy sao cho nhanh nhất, không nghĩ đến người khác. Nhưng thói quen này trái pháp luật, gây nguy hiểm người đi bộ, trong đó có không ít khách du lịch quốc tế, để lại ấn tượng xấu về TP.HCM.
Tuy nhiên, ông Thành cho rằng lắp barie theo hướng nằm ngang trên vỉa hè sẽ dễ gây ra tai nạn như vấp ngã khi người đi bộ thiếu quan sát. Hầu hết vỉa hè các nước trên thế giới ít khi thiết kế các thanh barie ngang như thế này, người đi bộ ở đó rất thoải mái, chỉ nhìn thẳng mà di chuyển. Tuy nhiên, khi đến TP.HCM du lịch nếu thói quen đi bộ mà nhìn thẳng, ít quan sát dưới đường thì cũng dễ "lãnh đủ", chứ chưa nói đến vô vàn bất tiện nguy hiểm cho người mù và khuyết tật đi xe lăn.
“Thay vì lắp barie, tại sao cơ quan chức năng không lắp camera an ninh quan sát, phát hiện sai phạm thì xử phạt nặng để răn đe. Luật pháp không nghiêm thì người vô ý thức vẫn sẽ mặc nhiên vi phạm dài dài”, ông Thành cho biết.
Nhiều bạn đọc đọc lo người đi bộ dễ vấp ngã khi đi qua các tuyến vỉa hè có barie này ẢNH: AN HUY
|
Còn theo TS. Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, các nước trên thế giới không ai có kiểu thiết kế barie như ở TP.HCM cả. Thanh barie được thiết kế là lắp theo chiều dọc của các tuyến đường, công dụng của nó là khi xe chạy trên đường nếu mất lái hoặc mất phanh khi lao lên vỉa hè thì bị những thanh barie chặn lại, bảo vệ an toàn người đi bộ.
Còn ở TP.HCM, barie được lắp ngang vỉa hè như những cái bẫy người đi bộ, nếu lỡ thiếu quan sát thì dễ vướng chân vào ngã. Đến lúc xảy ra tai nạn thì cơ quan chức năng nào đứng ra chịu trách nhiệm. Những biện pháp sáng tạo để bảo đảm an toàn giao thông thì phải luôn khuyến khích, nhưng khi đưa vào sử dụng phải nghiên cứu kĩ để xem có hợp lý hay không nữa.
“Vỉa hè là phải thông thoáng, các nước trên thế giới khi thấy vỉa hè bị xâm hại như một cái cây mọc lên, cục đá chắn ngang đường… thì họ lập tức dẹp bỏ ngay để bảo đảm an toàn, còn mình thì đi làm ngược lại. Cần phải cân nhắc loại bỏ trước khi tai nạn xảy ra, thay vào đó tăng cường công tác kiểm tra, dùng camera an ninh phạt thật nặng để chấn chỉnh”, TS.Phạm Sanh nói.
Phải phạt thật nặng để răn đe
Bên cạnh đó, rất nhiều ý kiến bạn đọc cũng gửi về gợi ý những giải pháp để phát huy chống xe máy leo vỉa hè hiệu quả mà không cần thanh barie chắn ngang.
Bạn đọc Nguyễn Thiều Linh (ngụ Hà Nội) nêu ý kiến: “Lắp barie là việc không nên làm, nó thể hiện sự bất lực và mất mĩ quan đô thị. Thay vì lắp, đề nghị công an phạt nặng hành vi chạy xe lấn chiếm vỉa hè”.
TS.Phạm Sanh cho rằng sáng tạo giải quyết giao thông là tốt nhưng phải nghiên cứu cho hợp lý trước khi đưa vào sử dụng ẢNH: AN HUY
|
Bạn đọc Trần Hữu Ân (TP.HCM) bày tỏ quan điểm: Sáng kiến này là sai, vỉa hè còn có người khuyết tật đi xe lăn, người mù đi bộ, làm vậy thì quá bất tiện và nguy hiểm. Đề nghị tăng cường xử phạt người đi xe máy leo vỉa hè. Lắp barie không thể chặn được thực trạng này và còn làm TP.HCM không thân thiện, kém văn minh. Nếu có người vấp té bị thương thì ai chịu trách nhiệm bồi thường?
Đồng quan điểm, bạn đọc Danh (TP.HCM) gửi ý kiến: “Lắp barie tốn nhiều tiền, vừa mất thẩm mĩ và người đi bộ dễ vấp ngã. Giờ cơ quan chức năng nên quy định ai chạy xe lên vỉa hè thì chịu phạt nặng, đồng thời gắn camera những nơi trọng yếu để vừa quản lý được đô thị vừa làm người tham gia giao thông ý thức hơn”.
Bạn đọc Lưu Chấn Hưng (ngụ Hà Nội) nêu sáng kiến rằng thay vì lắp barie thì TP.HCM cần thay các bó vỉa hè bằng loại bó vỉa hè vuông góc và cao hơn so với lòng đường. Xe máy không leo lên được, không mất mĩ quan và an toàn cho khách bộ hành.
Bình luận (0)