Nhiều siêu thị đóng cửa, người Hà Nội quay lại chợ dân sinh

04/08/2021 06:40 GMT+7

Trước lo ngại nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại các siêu thị ở Hà Nội , người Hà Nội đã chuyển hướng sang đi chợ dân sinh mua lương thực, thực phẩm.

Giá thực phẩm chợ dân sinh tăng nhẹ

Ngày 3.8, các chợ truyền thống ở Hà Nội đã siết chặt hơn quy định phòng chống dịch, như: duy trì chốt kiểm soát, khai báo y tế, đo thân nhiệt với khách hàng, tạm ngưng hoạt động với các mặt hàng, ngành hàng không thiết yếu…
Nhiều phường, xã đã phát phiếu đi chợ cho người dân. Mỗi hộ gia đình được từ 3 - 5 phiếu; trên phiếu ghi rõ tên, địa chỉ, số điện thoại, thuộc tổ dân phố nào và chỉ có giá trị cho 1 người và 1 lần vào chợ. Ban quản lý chợ sẽ thu lại phiếu để đảm bảo mỗi người được đi đúng số lần quy định.

Có nên mua máy thở cất trong nhà trong đại dịch Covid-19 | BÁC SĨ ƠI số 2

Ghi nhận của Thanh Niên cho thấy, tuy nhiều siêu thị đóng cửa, nhưng người dân đi chợ dân sinh mua sắm cũng không quá đông, nguồn cung hàng hóa thực phẩm không biến động nhiều so với tuần trước.
Tuy nhiên, một số loại rau củ, hải sản, trứng gà tiếp tục tăng nhẹ. Đơn cử, tôm (35 - 40 con/kg) tăng 30.000 đồng, từ 220.000 đồng lên 250.000 đồng/kg; bí xanh từ 25.000 đồng lên 30.000 đồng/kg; rau muống từ 6.000 đồng/bó lên 15.000 - 20.000 đồng/bó.
Một số loại rau củ tăng nhẹ ở mức 5.000 đồng/kg, như cà chua 25.000 đồng/kg; mướp hương 20.000 đồng/kg… Đáng chú ý, trứng gà ta do khan hiếm nguồn cung trên thị trường, nên giá tăng cao, 65.000 đồng/chục (tăng 5.000 đồng); trứng gà công nghiệp 45.000 đồng/chục.
Lý giải nguyên nhân giá rau xanh tăng nhẹ, chị Phương, bán rau ở chợ Trung Kính (Q.Cầu Giấy), cho hay: “Việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn, chi phí tăng cao. Nhiều người bán rau ở Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc chở rau bán tại các chợ đầu mối Hà Nội, nay giãn cách không chuyển rau vào được nên các mối bán cũng giảm đi”. Còn theo Sở Công thương Hà Nội, giá cả thực phẩm tăng nhẹ còn có nguyên nhân do người dân đi chợ 2 - 3 lần/tuần, nên mua thực phẩm thức ăn nhiều hơn.
Mặc dù bất tiện trong sinh hoạt, nhưng người dân cũng bắt đầu thích nghi với hoàn cảnh mới. Chị Lê Hồng Hạnh, nhà ở Lê Văn Lương (Q.Thanh Xuân), cho biết: “Nhà tôi hay đi siêu thị Vinmart ở Trung Hòa, nghe có thông tin ca F0 liên quan đến siêu thị nên đã phải chuyển hướng sang đi chợ Nhân Chính. Trước đây, một tuần đi mua thực phẩm 2 - 3 lần, dù được phát phiếu đi chợ phiên vào các ngày chẵn, nhưng tôi chỉ đi 1 lần cho cả tuần và mua nhiều đồ hơn, chủ yếu là mua rau xanh, còn thịt, cá cũng đã tích trữ đủ cả. Cuộc sống thay đổi, khó khăn chung, mình cũng phải chấp nhận, mỗi người ý thức một chút mới mong đẩy lùi được dịch bệnh”.
Theo phản ánh của các tiểu thương, việc người dân chuyển từ đi siêu thị sang đi chợ dân sinh không ảnh hưởng đến sức mua, nhưng do nhiều người sợ hết thực phẩm nên đổ dồn vào mua đầu giờ sáng, khó đảm bảo việc thực hiện giãn cách theo quy định "5K".

Chỉ số bão hòa ô xy SpO2 là gì, có liên quan gì đến Covid-19 | BÁC SĨ ƠI số 2

Tăng dự trữ, đảm bảo nguồn cung

Trước lo lắng của người dân, ngày 3.8, Sở Công thương Hà Nội cho biết, nhìn chung năng lực cung ứng hàng hóa tại các chợ vẫn được duy trì tốt, người dân vẫn dễ dàng tiếp cận với nguồn hàng. Ngoài một số điểm bán hàng của Vinmart và Vinmart+ đang tạm dừng hoạt động để xử lý các biện pháp phòng dịch, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi của các doanh nghiệp phân phối hoạt động kinh doanh khác vẫn diễn ra bình thường, hàng hóa vẫn được cung ứng an toàn, đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân.
“Các nhà phân phối trên địa bàn đã chủ động tìm nguồn hàng, nhà cung ứng thực phẩm thay thế. Do đó, nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thực phẩm trên địa bàn Hà Nội, vẫn được bảo đảm”, một lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội cho biết.
Để bảo đảm an toàn và duy trì hoạt động tại các cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, trong đêm 2.8, Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo Sở Công thương Hà Nội tạm dừng hoạt động các cơ sở có ca lây nhiễm Covid-19. Đồng thời, yêu cầu Sở Công thương Hà Nội chỉ đạo các cơ sở kinh doanh hàng hóa, thực phẩm thiết yếu tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để sớm mở cửa trở lại các chợ, các cơ sở bán lẻ đã bị đóng cửa do có ca nhiễm bệnh.
Để người dân yên tâm, Bộ Công thương cũng lưu ý Hà Nội cần bố trí các điểm bán hàng, các phương thức bán hàng bổ sung, lưu động, thay thế cho các cơ sở bán hàng thiết yếu đã bị đóng cửa do dịch Covid-19; rà soát kế hoạch cung ứng để điều chỉnh, bổ sung phương án (nếu cần thiết) nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống.

Uống sủi C, nhỏ nước muối sinh lý vào mũi có ngừa được Covid-19 không | BÁC SĨ ƠI số 2

Theo Bộ NN-PTNT, mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ 616 tấn thịt lợn, 200 tấn thịt gia cầm, 4,1 triệu quả trứng gà.
Thời điểm này, Hà Nội cơ bản có thể tự chủ thịt gia cầm; thịt lợn có thể tự chủ 95%. Có 21 tỉnh, thành đang cung cấp thực phẩm cho Hà Nội một cách thông suốt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.