Xe

Nhiều taxi ở TP.HCM đồng loạt dán decal phản đối Grab và Uber

Nhiều xe taxi Vinasun hoạt động trên địa bàn TP.HCM dán decal yêu cầu dừng thí điểm taxi Grab và Uber vì bất công trong kinh doanh. Nhiều người dân cho rằng phản đối không phù hợp mà hãy thay đổi cách kinh doanh để hút khách.

Sáng 8.10, nhiều người khi lưu thông trên địa bàn TP.HCM bất ngờ với bảng decal dán phía sau xe taxi Vinasun (thuộc Công ty CP Ánh Dương) nội dung: “Đề nghị Uber và Grab tuân thủ pháp luật Việt Nam; dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”.
Một số người cho rằng, mỗi loại hình kinh doanh vận tải hành khách đều có đặc trưng riêng và được pháp luật Việt Nam quy định. Doanh nghiệp không nên dán decal đề nghị doanh nghiệp khác phải dừng hoạt động hoặc thay đổi cách kinh doanh.
Người dân chính là đối tượng tiêu dùng, nên có quyền quyết định sử dụng loại hình dịch vụ nào theo ý muốn, miễn đem lại chất lượng tốt, tiện lợi và an toàn. Nếu muốn cạnh tranh thì doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách.
Trao đổi với báo Thanh Niên về vấn đề này, ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Vinasun cho biết, nhiều xe taxi của hãng dán decal xuất phát từ ý muốn của các tài xế và công ty không có chủ trương này. Việc dán decal một số xe được tài xế thực hiện tối 7.10. Lãnh đạo công ty đang rà soát lại và sẽ có hướng xử lý.
Công ty Vinasun cho rằng việc dán decal xuất phát từ ý định của một số tài xế, công ty không có chủ trương ẢNH: AN HUY
Tình trạng này đã được "khởi động" ở Hà Nội trước đó, với sự tham gia của nhiều hãng taxi khác nhau. Nội dung của các khẩu hiệu được dán trên taxi ở Hà Nội thậm chí còn chi tiết hơn, đơn cử: “50.000 xe thí điểm của Uber, Grab doanh thu 18.000 tỉ đồng, nhưng chỉ nộp ngân sách 15,8 tỉ. Vậy ngân sách thất thu ở đâu?”; “Yêu cầu dừng ngay việc cấp phù hiệu xe thí điểm vì phá vỡ quy hoạch, gây ùn tắc giao thông”…
Theo trả lời của các hãng taxi, việc dán khẩu hiệu phản đối là hành động tự phát do bức xúc của các tài xế, hoàn toàn không phải chủ trương của doanh nghiệp. Nguyên nhân xuất phát từ sự “đối xử” thiếu bình đẳng của Bộ Giao thông Vận tải trong quản lý taxi truyền thống và Uber, Grab. Trong khi Uber, Grab hoạt động không khác gì taxi.
Taxi truyền thống quản lý số lượng, tại sao taxi công nghệ nhiều bao nhiêu cũng được?
Trước đó, ngày 2.10, Hiệp hội Taxi TP.HCM chính thức có công văn kiến nghị gửi đến các cấp lãnh đạo cao nhất, các bộ ngành, Đảng uỷ và chính quyền các địa phương TP.HCM – Hà Nội – Đà Nẵng, bày tỏ phản ứng Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7.1.2016

Quyết định 24 của Bộ GTVT không khống chế số lượng xe thí điểm, đây là sơ hở lớn làm bùng phát số lượng xe thí điểm, phá vỡ mọi quy hoạch trước đó của các tỉnh thành trong cả nước. Thực tế, cơ quan nhà nước không quản lý được số xe này, xe hầu hết không dán logo, phù hiệu… nên việc kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước rất khó khăn

theo Hiệp hội taxi TP.HCM

của Bộ GTVT về thí điểm hợp đồng điện tử với xe dưới 9 chỗ.
Ông Tạ Long Hỷ, Hiệp hội Taxi TP.HCM khẳng định “sau khi nghiên cứu kiến nghị ngày 26.9 của Hiệp hội taxi Hà Nội, chúng tôi thấy đủ cơ sở để đồng tình với báo cáo và kiến nghị của Hiệp hội taxi Hà Nội”.
Theo Hiệp hội Taxi TP.HCM, từ khi có Quyết định 24, đến nay đã để lại nhiều hệ luỵ cho tình hình kinh tế xã hội của đất nước. Chẳng hạn: số lượng phương tiện bùng nổ rất nhiều lần so với quy hoạch.
Cụ thể, số xe chở khách 9 chỗ trở xuống tại TP.HCM đã vượt trên 36.000 xe trong khi theo quy hoạch đến năm 2020 chỉ có 14.400 xe. Mặc dù các địa phương đã nhiều lần kiến nghị cần khống chế số lượng phương tiện thí điểm nhưng không được giải quyết dứt điểm.
Quyết định 24 của Bộ GTVT không khống chế số lượng xe thí điểm, đây là sơ hở lớn làm bùng phát số lượng xe thí điểm, phá vỡ mọi quy hoạch trước đó của các tỉnh thành trong cả nước. Thực tế, cơ quan nhà nước không quản lý được số xe này, xe hầu hết không dán logo, phù hiệu… nên việc kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước rất khó khăn.
Từ đó dẫn đến nghĩa vụ thuế không được tính đầy đủ, gây thêm tình trạng ùn tắc giao thông. Chỉ riêng năm 2016, các doanh nghiệp taxi tại TP.HCM đã đóng trên 1.000 tỉ đồng thuế phí, trong khi Uber, Grab theo báo chí đưa tin chỉ đóng trên 5 tỉ đồng. Hoạt động của Uber, Grab có dấu hiệu vi phạm pháp luật; cạnh tranh theo kiểu triệt tiêu đối thủ.
Bộ GTVT đã không lắng nghe và kịp thời chấn chỉnh trong quá trình thực hiện quyết định 24, do vậy đã để lại hậu quả nghiêm trọng là số lượng xe bùng nổ quá lớn, sau này xử lý sẽ rất hết sức khó khăn.
Hàng vạn lao động sẽ rơi vào khó khăn khi Nhà nước có chính sách quản lý đúng và đủ với loại hình taxi mới này. Chính sách đối với 2 loại hình vốn giống nhau về bản chất và thực tiễn còn quá nhiều bất cập: taxi niên hạn 8 năm trong khi xe hợp đồng là 20 năm; taxi buộc phải kiểm định 6 tháng/lần trong khi xe hợp đồng không quy định; lái xe taxi phải qua đạo tạo bài bản, đồng phục, còn xe hợp đồng thì không; taxi còn bị nhiều quy định ngặt ngèo khác trong khi xe hợp đồng gần như được thả lỏng…
Hiệp hội taxi TP.HCM kiến nghị dừng ngay kế hoạch thí điểm theo Quyết định 24 để tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm mà không cần chờ đến ngày 8.1.2018 (kết thúc thời gian thí đểm 2 năm); dừng ngay việc gia tăng phương tiện thí điểm; nếu các đơn vị tiếp tục lách luật, cạnh tranh không lành mạnh thì đề nghị nhà nước thu hồi giấy phép kinh doanh…
Chuyên gia về háp luật kinh doanh Trần Hữu Huỳnh phân tích, nếu đây chỉ là hành vi tự phát của tài xế thì không thể quy kết vi phạm pháp luật, còn nếu là hành vi có tổ chức, theo chủ trương của hãng thì sẽ liệt vào hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Muốn cơ quan chức năng vào cuộc, các hãng taxi Uber, Grab có 2 cách để tiếp cận. Một là khiếu nại, hai là khởi kiện. Khi đó, các cơ quan như quản lý có thẩm quyền phải vào cuộc, xem xét ai vi phạm, tài xế hay hãng, vi phạm cụ thể điều nào, luật nào.
Trong một động thái quyết liệt trước đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã gửi văn bản kiến nghị dừng hoạt động Uber và Grab tại Việt Nam tới Thủ tướng Chính phủ bởi tổng số xe tham gia thí điểm hiện nay cả Uber và Grab là 50.000 xe. Theo hiệp hội với doanh thu bình quân 30 triệu đồng/xe/tháng, theo công bố của Uber và Grab, thì một tháng doanh thu của mỗi công ty Uber và Grab là 1.500 tỉ đồng. Tổng số thuế phải nộp của một công ty là 67,5 tỉ đồng/tháng, tương ứng với 810 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, với 20% doanh thu phía Uber và Grab được hưởng thì mỗi năm, dòng tiền từ trong nước chảy ra nước ngoài cho Uber, Grab khoảng 3.600 tỉ đồng, có nghĩa mỗi ngày Uber, Grab đã chuyển ra nước ngoài khoảng 10 tỉ đồng.
“Số tiền thất thu của ngân sách Nhà nước là rất lớn”, Hiệp hội Taxi Hà Nội khẳng định.
Trong thông cáo phát đi sau đó, đại diện truyền thông của Grab bác bỏ thông tin nói trên và khẳng định: "Thông tin mỗi năm Grab chuyển 3.600 tỉ đồng ra nước ngoài là hoàn toàn sai lệch và thiếu căn cứ”.
Cuộc chiến chưa tới hồi kết nhưng những hành động dán băng rôn phản đối Uber, Grab chạy ngoài đường phố của nhiều hãng taxi truyền thống từ Hà Nội tới TP.HCM đang tạo cảm giác rõ ràng là đang có "một cuộc chiến" giữa các taxi truyền thống và xe bắt khách bằng công nghệ. Do vậy, cơ quan chức năng nên sớm có giải pháp để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho hoạt động taxi về lâu dài.

Trao đổi với báo Thanh Niên, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, luật quy định tại Điều 43 Luật Cạnh tranh 2004 về hành vi gièm pha doanh nghiệp: “Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó”. Do đó, các tài xế của Vinasun dán decal trên xe taxi có dấu hiệu của hành vi được xem là gièm pha doanh nghiệp khác.

Uber hay Grab có quyền khiếu nại đến Cơ quan quản lý cạnh tranh nếu cho rằng rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm cạnh tranh không lành mạnh.
"Theo khoản 4 Điều 2 Nghị định 06/2006 của Chính phủ thì về cạnh tranh, thì Cục quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương có nhiệm vụ và quyền hạn: thụ lý, tổ chức điều tra các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh để Hội đồng cạnh tranh xử lý theo quy định của pháp luật; tổ chức điều tra xử lý đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh khác theo quy định của pháp luật.”, LS.Chánh cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.