|
Lương Ngọc Dung, Trưởng nhóm tuyên truyền của trạm chia sẻ: Với ý tưởng thành lập biệt đội giải cứu chó, mèo bị ngược đãi nhằm tạo ra một diễn đàn kết nối, khơi dậy tình yêu thương động vật của con người, trạm được chia thành các nhóm chuyên biệt như cứu hộ, chăm sóc, tuyên truyền…., các hoạt động của nhóm chủ yếu diễn ra ở “fanpage” trên facebook.
Hơn 1 năm gắn bó với công việc này, Dung đã quá quen với các cuộc giải cứu chó, mèo trong đêm. Có lần đội còn giải cứu cả một ổ mèo con vừa mới sinh bị vứt ở bãi rác vào lúc 3-4 giờ sáng. “Mỗi lần nhận được tin báo về những trường hợp đáng thương của những chú chó, mèo bị chủ cũ ngược đãi qua số điện thoại online (0972563231) của trạm, bất kể ngày hay đêm, nhóm sẽ cử các tình nguyện viên ở gần khu vực đó thực hiện giải cứu”, cô gái nhỏ nhắn tâm sự.
Từ 2 thành viên chủ chốt ban đầu, qua năm rưỡi hoạt động, thành viên của đội nay đã 15 người, cùng mạng lưới hơn 100 tình nguyện viên khắp Hà Nội. “Những ngày đầu làm công việc giải cứu chó mèo, không ít ý kiến cho rằng nhóm gàn dở, nhàn rỗi kiếm việc, nhưng các thành viên vẫn quyết tâm gắn bó với công việc này, vì tình yêu thương động vật. Mặc dù, công việc giải cứu không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có khi biết chắc chắn rằng chú chó, mèo ấy bị ngược đãi nhưng vấp phải sự phản ứng của chủ nhà, hoặc đôi khi lại không thể tiếp cận được vì con vật quá hung dữ…”, Dung chia sẻ.
Từ khi thành lập đến nay, các thành viên của trạm đã cứu hộ được hơn 500 chú chó, mèo. Theo Dung, việc giải cứu khó khăn một thì chăm sóc chó, mèo để hồi phục sau giải cứu càng khó khăn gấp bội, đòi hỏi phải có sự chăm sóc tỉ mỉ, kiên nhẫn cũng như tấm lòng trắc ẩn với động vật. Như chú mèo tên For, sau khi được đưa về trạm, được sưởi nắng, uống sữa, bổ sung canxi, có thực đơn riêng và được “tập thể dục” theo bài riêng dành cho mèo, mới dần hồi phục.
Số vật nuôi được giải cứu ngày càng nhiều, trong khi trạm cứu hộ chưa có cơ sở, nên mỗi thành viên lại mang khoảng 10 chú chó, mèo về nhà mình nuôi và chăm sóc. “Khi các con vật dần hồi phục, nhóm sẽ tiến hành tìm chủ nuôi mới cho chúng. Thông thường, sau khi chuyển vật nuôi về với chủ mới khoảng hai tuần, các bạn tình nguyện viên sẽ đi kiểm tra bất ngờ, nếu thấy chủ nhà “đối xử” con vật không tốt, nhóm sẽ đòi lại để chăm sóc, chờ tìm chủ mới bàn giao”, Dung cho biết.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với hoạt động của nhóm là thiếu kinh phí chăm sóc, chữa trị các con vật bị thương, trong khi có nhiều tháng, chi phí khám chữa bệnh cho các chú chó, mèo lên tới cả 10 triệu, các thành viên của nhóm thường phải bỏ tiền túi ra chi trả. Để có thêm chi phí, trạm đã đặt hòm quyên góp ở một số quán cà phê trên địa bàn TP. Hiện nhóm cũng đã được 5 phòng khám thú y tại Hà Nội hỗ trợ giảm giá 30% - 50% cho mỗi lần thăm khám các vật nuôi.
“Giải cứu là quan trọng, nhưng điều cốt lõi là phải nâng cao ý thức yêu thương động vật trong cộng đồng. Sắp tới, trạm sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện, các cuộc thi về vật nuôi tại các trường tiểu học để tuyên truyền, khơi dậy tình yêu thương động vật của các em nhỏ. Hơn hết là để mọi người biết học cách ứng xử trong cuộc sống không chỉ riêng đối với loài vật”, Trưởng tạm cứu hộ chó, mèo, anh Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Nguyễn Tuấn
Bình luận (0)