Hệ thống dây điện chằng chịt ở Bình Phước - Ảnh Phước Hiệp |
Theo thống kê của Chi nhánh điện cao thế Bình Phước, hiện cơ quan này đang quản lý hơn 473 km đường điện cao áp trọng tải 110kV. Trong đó, có khoảng hơn 80% điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ), nhiều nhất là ở huyện Đồng Phú và Chơn Thành (Bình Phước). Mặc dù ngành điện đã có nhiều nỗ lực trong việc ngăn chặn, đảm bảo an toàn, nhưng việc xâm hại HLATLĐ cao áp vẫn liên tục xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân còn thiếu hiểu biết và các cơ quan liên ngành chưa thật sự quyết liệt trong việc bảo vệ an toàn hành lang lưới điện.
Hậu quả khó lường
Ngày 23.3, tại xưởng điều Sơn Bông (khu phố 1, phường Thác Mơ, thị xã Phước Long) đã xảy ra một vụ tại nạn điện dẫn đến chết người. Thời điểm đó, anh Nguyễn Thanh Nhàn (42 tuổi, ngụ huyện Cái Bè, Tiền Giang) điều khiển chiếc xe tải biển số 51C-00252 chở 33,7 tấn hạt điều khô đến bán cho xưởng điều Sơn Bông. Khi đỗ xe, anh Nhàn để xe dưới đường dây cao thế 110kV. Lúc này, Huỳnh Minh Tín (công nhân, 18 tuổi, ngụ Tân Uyên, Bình Dương) trèo lên thùng xe lấy mẫu hạt điều thì bất ngờ bị phóng điện, tử vong tại chỗ. Chiếc xe tải chở hạt điều phát nổ, bốc cháy dữ dội.
Không chỉ các sự cố do việc vi phạm khoảng cách an toàn xảy ra khi đứng dưới đường dây điện cao thế mà việc người dân trồng cây gần hành lang lưới điện cũng gây tai nạn, hậu quả khó lường. Cụ thể, chiều 11.4, một trận gió lốc nổi lên ở khu vực huyện Chơn Thành đã làm nhiều cây cao su gẫy đỗ đè vào đường dây điện cao thế là cho toàn bộ khu vực bị cúp điện. Rất may, vào thời điểm này không có người dân ở trong khu vực xảy ra tai nạn nên không có thiệt hại về người…
Chủ quan, thiếu kiểm soát
Ông Phan Văn Phước, Phó Giám đốc Chi nhánh điện cao thế Bình Phước cho biết, hầu hết các sự cố liên quan đến điện cao áp đều gây hậu quả rất nghiêm trọng. Theo quy định của Luật Điện lực và nghị định 106/2005 về bảo vệ an toàn công trình lưới điện. Cụ thể: Đối với nhà ở, công trình trong HLATLĐ cao áp có khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn điện gần nhất phải lớn hơn 4 mét đối với điện áp 110kV. Trước khi cấp phép cho tổ chức, cá nhân xây dựng mới hoặc cơi nới, cải tạo nhà ở, công trình trong HLATLĐ, cơ quan cấp phép phải yêu cầu chủ đầu tư thỏa thuận bằng văn bản với đơn vị quản lý lưới điện cao áp về các biện pháp bảo đảm an toàn đường dây dẫn điện trên không và an toàn trong quá trình xây dựng.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc cấp phép xây dựng trên địa bàn Bình Phước chưa thực sự chú ý đến vấn đề này. Theo báo cáo đánh giá của ngành điện, công tác phối hợp giữa chính quyền các cấp và ngành đện trong việc phát hiện, xử lý vi phạm còn thiếu chặt chẽ. Nhiều công trình khi xây dựng xong mới phát hiện vi phạm, khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, một số trường hợp khi quy hoạch đất đã không thực hiện khảo sát kỹ về thực địa và chưa tính đến sự tồn tại trước đó của đường dây điện, khiến việc vi phạm của người dân cứ thế tiếp diễn…
Một nguyên nhân khác dẫn đến việc khó xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm HLATLĐ là do người dân chưa hiểu rõ các quy định về việc bảo vệ HLATLĐ. Nhiều người vẫn còn tâm lý chủ quan, không lường trước được các tai nạn nghiêm trọng có thể xảy ra khi xây dựng nhà ở, công trình trong HLATLĐ.
Phước Hiệp
Bình luận (0)