Chợ đầu mối vắng bóng tiểu thương

07/04/2015 09:10 GMT+7

Trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) xảy ra nghịch lý: chợ đầu mối mới xây hàng chục tỉ đồng vắng người vào kinh doanh, trong khi hàng trăm tiểu thương kéo đi họp chợ tự phát nơi khác.

Trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) xảy ra nghịch lý: chợ đầu mối mới xây hàng chục tỉ đồng vắng người vào kinh doanh, trong khi hàng trăm tiểu thương kéo đi họp chợ tự phát nơi khác.

Chợ đầu mối vắng bóng tiểu thươngNhững ki ốt trống vắng trong chợ đầu mối Tân Hoài - Ảnh: Trung Chuyên
Chợ rộng 2 hécta, 1 người bán
Khu chợ đầu mối nông sản, thủy hải sản lớn nhất tỉnh Đắk Lắk nằm ở P.Tân Hòa, TP.Buôn Ma Thuột, vừa hoàn thành xây dựng vào tháng 9.2014, có diện tích gần 2 ha, chia thành 400 quầy sạp và 200 ki ốt, với hệ thống điện, nước, xử lý chất thải hoàn chỉnh. Theo Công ty TNHH Nhân Phú, chủ đầu tư công trình, kinh phí xây chợ hơn 15 tỉ đồng.
Tuy nhiên, hơn 6 tháng qua, khu chợ khang trang này vẫn chưa thể hoạt động, lý do là không có người vào kinh doanh mua bán. Trong khu chợ trống trải, chỉ có một tiểu thương duy nhất là bà Nguyễn Thị Hạnh đang ngồi trông chừng vài bao hàng với tâm trạng không vui. Bà Hạnh cho biết trước đây bà buôn sỉ mặt hàng hành, tỏi ở chợ tạm trên đường Ngô Gia Tự, P.Tân An. Khi chợ này bị giải tỏa vào ngày 20.3, bà cùng nhiều tiểu thương hăm hở về chợ đầu mối Tân Hòa đăng ký nhận quầy kinh doanh. Thế nhưng chỉ vài ngày sau, các tiểu thương bỏ lại quầy sạp đã thuê để họp chợ tự phát ở khu vực P.Thành Nhất. Khu chợ mới trở lại trống vắng. “Tôi đã vay mượn để đóng tiền thuê quầy 10 năm một lần hơn 300 triệu đồng, bây giờ tiến thoái lưỡng nan. Bán ở đây thì không có bạn hàng, còn theo họp chợ nơi khác thì không có tiền để mua chỗ kinh doanh”, bà Hạnh than thở.
Ông Phạm Ngọc Bội, giám đốc Công ty TNHH Nhân Phú, cho biết hiện có 105 hộ đăng ký thuê quầy sạp tại chợ, mức thuê tối đa được công ty giảm xuống 100.000 đồng/m2/tháng so với mức cho phép của UBND tỉnh Đắk Lắk là 180.000 đồng/m2/tháng; công ty cũng áp dụng hình thức thu phí thuê quầy theo tháng, hoặc ngày, để tạo thuận lợi cho những hộ khó khăn hoặc buôn bán nhỏ lẻ. “Tuy đã nhanh chóng hoàn thành chợ theo đề nghị của chính quyền địa phương và giảm mức cho thuê mặt bằng nhưng việc thu hút tiểu thương đến chợ lại nằm ngoài tầm tay chúng tôi. Càng chậm đưa chợ vào hoạt động, chúng tôi càng gánh thiệt hại vì phải trả thêm lãi vay đầu tư xây dựng chợ”, ông Bội bộc bạch.
Cố thuyết phục tiểu thương
Qua tìm hiểu, nhiều tiểu thương không về chợ Tân Hòa kinh doanh vì cho rằng chợ này có nhiều hạn chế như xa trung tâm thành phố, nằm dưới khu vực trũng, đường vào chợ có độ dốc cao, khó vận chuyển hàng hóa, mức thuê quầy còn cao… Vì vậy, sau khi giải tỏa chợ tạm ở P.Tân An, hơn nửa tháng nay, các tiểu thương đã tự lập một chợ đêm bán sỉ sôi động trên đường Nguyễn Thị Định, P.Thành Nhất. Những hộ đã thuê quầy ở chợ đầu mối Tân Hòa cũng phải theo về đây kinh doanh mới có khách hàng vì lẽ “buôn có bạn, bán có phường”.
Việc hình thành chợ tự phát này đang trở thành vấn đề nan giải cho chính quyền địa phương. Theo ông Nguyễn Đức Trung, Chánh văn phòng UBND TP.Buôn Ma Thuột, từ ngày 21.3, thành phố đã lập đội liên ngành hằng đêm tiến hành tuyên truyền, vận động, không cho hình thành chợ tự phát trái quy định ở khu vực P.Thành Nhất nhưng vẫn chưa có kết quả. Ông Trung phân trần: “Thành phố đang cố gắng thuyết phục tiểu thương chấm dứt họp chợ tự phát, chuyển về kinh doanh tại chợ đầu mối Tân Hòa, nơi cơ sở hạ tầng được xây dựng đầy đủ. Thế nhưng nhiều hộ vẫn cố tình không chấp hành, khi bị ngăn họp chợ nơi này lại chạy sang nơi khác, rất khó kiểm soát”.
Ông Trung cũng cho biết mới đây phát sinh thêm việc các hộ tiểu thương dự tính thuê mặt bằng của bến xe phía bắc TP, Công ty cà phê Buôn Ma Thuột và một số cửa hàng bán lẻ của Công ty xăng dầu Nam Tây nguyên để làm nơi tập kết hàng hóa. UBND TP.Buôn Ma Thuột đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các đơn vị này không cho thuê đất để làm nơi họp chợ trái quy định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.