Miệt mài chở sách lên non

01/01/2014 08:34 GMT+7

Gõ cửa từng nhà xuất bản, vận động bạn bè, người thân quyên góp sách, các tình nguyện viên đang miệt mài với hành trình chuyên chở “Tủ sách giấc mơ” tặng trẻ em, học sinh miền núi phía bắc.

Gõ cửa từng nhà xuất bản, vận động bạn bè, người thân quyên góp sách và đồ dùng học tập, tình nguyện viên nhóm Giấc mơ Việt Nam và Vòng tay bè bạn đang miệt mài với hành trình chuyên chở “Tủ sách giấc mơ” tặng trẻ em, học sinh miền núi phía bắc.

Miệt mài chở sách lên non
Niềm vui của học sinh Trường THCS Đồng Nghê khi được trao tặng sách - Ảnh: Thu Trang

Chương trình bàn giao “Tủ sách giấc mơ” (TSGM) tại các trường học Đồng Nghê và Suối Nánh (huyện Đà Bắc, Hòa Bình) diễn ra giữa tháng 12 vừa qua thành công ngoài mong đợi.

Đã có gần 2.000 cuốn sách thuộc các lĩnh vực văn hóa, giải trí, truyện tranh được chuyên chở từ Hà Nội lên Hòa Bình trao tận tay học sinh ở 5 điểm trường. Dự án TSGM là sản phẩm hợp tác đầu tiên giữa nhóm tình nguyện Giấc mơ Việt Nam (GMVN) và Vòng tay bè bạn (VTBB).

Lễ bàn giao các tủ sách ở Hòa Bình đánh dấu sự khởi đầu hành trình vận động quyên góp xây dựng tủ sách phục vụ nhu cầu giải trí, tìm hiểu kiến thức cho học sinh vùng cao phía bắc.

Chủ nhiệm nhóm GMVN Phan Thị Trang kể lại, từ tháng 12.2012, nhóm bắt đầu thử nghiệm mô hình tủ sách miễn phí tại điểm Trường dân tộc nội trú Đồng Nghê phục vụ học sinh từ lớp 9 trở xuống. Nếu với học sinh ở đồng bằng, những cuốn truyện tranh như Doremon, Thần đồng đất Việt, truyện tranh Tấm Cám, Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh… đã quá quen thuộc, thì đối với học sinh Đồng Nghê, đây lại là những cuốn truyện hoàn toàn lạ lẫm vì ngoài các đầu sách phục vụ cho việc dạy và học ra, thư viện trường gần như không có thêm sách phục vụ cho nhu cầu giải trí của học sinh.

Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Nghê, thầy Nguyễn Đức Trung, cho biết những ngày đầu có tủ sách, học sinh hào hứng đến lớp học, phần cũng vì tò mò bởi nhiều cuốn sách các em chưa từng nhìn thấy, nhưng theo dõi về sau cho thấy, đọc sách đã trở thành nhu cầu thực sự, thói quen của nhiều học sinh. Thống kê gần 600 đầu sách được hỗ trợ trong năm 2012 thì có gần 4.500 lượt mượn đọc, so với trên 100 học sinh hiện có, thì mỗi em được mượn đọc khoảng 40 đầu sách ở các thể loại.

Cũng theo thầy Trung, để khuyến khích và thu hút học sinh có thói quen đọc sách, mỗi tháng giáo viên chủ nhiệm các lớp đều tổ chức cho học sinh thi kể chuyện, diễn kịch theo những tình huống thú vị mà các em được đọc trong sách, hoặc giới thiệu về các cuốn sách hay.

“Dù mở ra cơ hội tiếp cận tri thức mới hay đơn thuần phục vụ nhu cầu giải trí, TSGM mang lại ý nghĩa rất thiết thực giúp các giáo viên định hướng, rèn luyện ý thức tự đọc, tự học cho học sinh”, thầy Trung chia sẻ.

Phan Thị Trang cho biết, có nhiều cách để “đo” hiệu quả thực sự trong mô hình này. Định kỳ 3 tháng, tình nguyện viên trở lại các điểm trường để lắng nghe chia sẻ, đánh giá từ học sinh. Trong mỗi câu chuyện giao lưu, nhóm đều thiết kế các câu hỏi đố vui, kiến thức “lẩy” ra từ những cuốn sách đã tặng. Điều bất ngờ, đa số các câu hỏi đưa ra đều có nhiều phản hồi trở lại.

Trang nhận xét điều này chứng tỏ học sinh ở đây rất cần cù, chịu khó đọc sách. Đó cũng chính là lý do khiến nhóm GMVN và VTBB quyên góp hàng nghìn đầu sách gửi tặng học sinh ở vùng cao tỉnh Hòa Bình.

Cũng theo Trang, để có nguồn sách mang tặng, tình nguyện viên chia nhau gõ cửa từng nhà xuất bản đề nghị hỗ trợ, rồi vận động từ người thân, bạn bè, các mạnh thường quân trong xã hội. Trên mạng xã hội facebook, dự án có lập riêng trang fanpage vận động ủng hộ và quyên góp sách vở, đồ dùng học tập cho dự án này.

“Sau Hòa Binh, những TSGM kế tiếp sẽ được tặng cho các trường học thuộc huyện Sa Pa (Lào Cai) và sẽ còn tiếp tục hành trình đến với trẻ em trên miền cực bắc xa xôi của đất nước”, Trang hào hứng chia sẻ.

Phan Hậu

>> Tình nguyện vì giấc mơ Việt Nam
>> Tặng sách cho học sinh vùng sâu
>> Tặng sách, học bổng cho học sinh nghèo
>> Tặng sách cho các trường vùng sâu
>> Tặng sách cho học sinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.