Vua khóm Cầu Đúc

02/01/2014 09:18 GMT+7

Từ hai bàn tay trắng, ông Dương Văn Thanh (67 tuổi, ngụ ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến, TP.Vị Thanh, Hậu Giang) đã gầy dựng nên trang trại khóm Cầu Đúc quy mô lớn nhất ĐBSCL với diện tích trên 100 ha.

 Vua khóm Cầu Đúc

Ông Hai Thanh bên trang trại khóm bạt ngàn (Nguyễn Đức)

Vua khóm Cầu Đúc1

Ông Hai Thanh vinh dự được diện kiến Chủ tịch nước vào năm 2011

Khai phá đất phèn

Quê gốc ở H.Gò Quao (Kiên Giang), sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh cựu chiến binh Dương Văn Thanh (Hai Thanh) được nhà nước cấp cho 1,2 ha đất ở xã Tân Tiến để trồng trọt. “Vùng này xưa kia là rừng rậm, rắn rết, muỗi mòng nhiều vô số kể, đất đai bị nhiễm phèn nặng nên ít người dám vào khai hoang. Lúc đó tôi nghèo xơ nghèo xác, được cấp đất để canh tác là sung sướng lắm rồi”, ông Hai Thanh nhớ lại thời gian khổ. Năm 1976, sau khi có đất trong tay, ông bắt đầu ngày đêm cày cuốc, phát hoang bụi rậm, lên liếp trồng khóm.

Dẫn chúng tôi ra tham quan trang trại khóm bạt ngàn, ông Hai Thanh nói: “Cây khóm từ lúc mới trồng đến thu hoạch phải mất ít nhất 20 tháng. Hồi đó, sau khi lên liếp trồng khóm xong, tôi phải đi ở đợ nhiều nơi, làm thuê đủ thứ nghề kiếm sống. Nhờ trồng khóm thuê cho người Hoa, tôi đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm thiết thực”. Có kiến thức, ông bắt đầu áp dụng lên rẫy khóm nhà mình. Từ năm 1980, ông đã thành công trong việc xử lý cho khóm ra hoa đồng loạt.

Vốn là người quen chịu cực khổ, thậm chí được nhận xét là “lì đòn”, ông tiếp tục đi làm thuê, lái ghe khóm bỏ mối cho bạn hàng khắp các tỉnh miền Tây và TP.HCM. “Từ những chuyến ghe ngược xuôi đó, tôi làm quen được rất nhiều bạn hàng và nhận thấy nhu cầu tiêu thụ khóm trên thị trường rất lớn, nhất là khóm Cầu Đúc của Hậu Giang. Trong đầu tôi lóe lên ý tưởng thuê đất mở trang trại trồng khóm Cầu Đúc”, ông Hai Thanh chia sẻ.

Thu trái ngọt

Năm 2003, ông Hai Thanh thành lập Doanh nghiệp tư nhân Dương Thanh, chuyên sản xuất và tiêu thụ mặt hàng nông sản chính là khóm, với số vốn điều lệ 1,5 tỉ đồng. Năm 2006, ông quyết định “làm liều”, ký hợp đồng thuê hẳn 100 ha đất để mở trang trại trồng khóm. “Vùng đất phèn này ngoài trồng khóm ra thì chẳng còn trồng được cây gì nữa. Để có được 100 ha khóm cho trái như ngày hôm nay, tôi đã mất rất nhiều công sức cải tạo lại vườn tạp”, ông Hai Thanh bộc bạch. Chưa dừng lại ở đó, ông còn bỏ ra gần 3 tỉ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, đào kênh rãnh, xây dựng toàn bộ hệ thống đê bao khép kín, tráng lộ bê tông kiên cố bao trọn trang trại để chủ động nguồn nước tưới tiêu cũng như vận chuyển khóm khi thu hoạch.

Về kỹ thuật canh tác, theo ông Hai Thanh, trước tiên cần làm hệ thống mương rộng 4 m và mặt liếp rộng 5 m, sau đó xóc đất cho bằng phẳng rồi mới trồng khóm. Mật độ từ 20.000 - 25.000 chồi/ha, khoảng cách giữa các chồi là 50 x 50 cm, chú ý lựa những chồi đồng đều kích cỡ, trọng lượng trồng trên từng liếp. Khóm Cầu Đúc thường được trồng vào tháng 5 - 6 dương lịch để tận dụng nguồn nước mưa, giúp tiết kiệm chi phí. Khi khóm được 15 tháng thì xử lý ra hoa, 1 tháng sau tiếp tục bón nhiều loại phân có kali giúp trái ngọt hơn. Khoảng 4 tháng 10 ngày từ khi xử lý ra hoa thì thu hoạch trái đợt 1. Năng suất khóm trung bình của trang trại ông đạt từ 20 - 25 tấn/ha/năm.

Hằng năm, Doanh nghiệp tư nhân Dương Thanh bỏ mối cho các nhà máy chế biến ở ĐBSCL và TP.HCM trên 15.000 tấn, tính ra trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 30 tấn, có khi lên đến 100 tấn, với doanh thu khoảng 40 tỉ đồng/năm. “Sắp tới, doanh nghiệp sẽ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao vị thế của thương hiệu khóm Cầu Đúc ở thị trường ngoài nước”, ông Hai Thanh nói.

Với những thành quả đạt được, năm 2011 ông được vinh dự ra Hà Nội gặp gỡ, trao đổi với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

 Nguyễn Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.