Xe Xe ngựa, một nét văn hóa giao thông độc đáo ở vùng Bảy Núi - Ảnh: Nguyễn Huỳnh |
Độc đáo ngựa thồ
|
Ngày trước, vùng Bảy Núi hoang sơ, đường sá hiểm trở, rừng cây um tùm nên chuyện mở đường không hề đơn giản. Mọi di chuyển của người dân đều bằng xe bò và xe ngựa. Xe bò kéo lúa, chở hàng. Xe ngựa đi chợ, đi chùa, đám cưới… Xe ngựa là phương tiện di chuyển hằng ngày từ phum sóc ra chợ, đi lại giao lưu của cộng đồng. Theo anh Chau Chanh, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa H.Tri Tôn, trước năm 1975, mỗi ngày khu vực chùa Svay Ton (thị trấn Tri Tôn) có đến hàng chục xe ngựa tập trung đưa đón bà con chở rau quả ra chợ bán.
Tuy nhiên, khi được hỏi về nguồn gốc chiếc xe ngựa, hầu hết các bậc cao niên đang sống tại vùng Bảy Núi không ai nhớ. Họ chỉ biết nó đã có từ lâu và gắn liền với nét văn hóa giao thông mộc mạc, chất phát như chính con người vùng núi non hẻo lánh này. Theo thời gian, xe ngựa giảm dần, hiện ở vùng Bảy Núi chỉ còn bến xe ngựa duy nhất nằm gần chợ Vĩnh Trung (H.Tịnh Biên), hằng ngày có khoảng từ 5 - 10 chiếc chuyên chở hàng và đợi khách. Anh Chau Sinh, ngụ ấp Vĩnh Tây (xã Vĩnh Trung), cho biết: “Bến xe ngựa này có gần 40 năm rồi. Lúc nhiều, lúc ít nhưng vẫn được duy trì cho đến nay với khoảng 20 xe. Những bến khác thì không còn nữa”.
Ngựa kéo xe ở Bảy Núi chủ yếu là ngựa cỏ, có nguồn gốc từ Campuchia. Giống ngựa này dáng nhỏ, cao khoảng 1,1 m nhưng có sức bền khi đi trên địa hình đồng bằng lẫn đồi núi. Ngựa nuôi đến khoảng 4 tuổi thì chủ bắt đầu cho mang ách kéo xe. Xe ngựa làm bằng gỗ cây sao, dài 1,5 - 2 m, rộng 0,6 - 0,8 m tùy thể trạng ngựa. Trước đây, tại vùng Bảy Núi chỉ có ông Nhúc (người Khmer gốc Hoa) ở thị trấn Tịnh Biên là đóng xe đẹp, bền và hợp ngựa nhất.
Nét văn hóa giao thông cần lưu giữ
Theo anh Chau Chanh, tuy không còn “thịnh hành” như trước nhưng xe ngựa đã tạo nên một giá trị văn hóa, tinh thần và lịch sử đối với đồng bào Khmer. Xe ngựa không chỉ dùng đi chợ hằng ngày mà còn là phương tiện kiếm thêm thu nhập từ việc chở thuê. Quan trọng nhất là xe ngựa luôn được dùng vào những việc trọng đại như: đưa rể ngày cưới, đi kết tình thông gia, đi chùa hoặc giao lưu giữa các phum sóc với nhau nhân dịp lễ Sen Dolta, tết Chol Chnam Thmay... “Xe ngựa giờ ít lắm. Nó ít dần từ lúc xe gắn máy Trung Quốc rẻ tiền ồ ạt tràn về. Bây giờ đi đâu, chở gì cũng bằng xe máy. Đi nhanh thiệt nhưng kèm theo là sự nguy hiểm. Tôi chỉ thích xe ngựa vì ngồi trên đó luôn cảm thấy an toàn” - ông Chau Đinh, một bậc cao niên ở xã An Tức (H.Tri Tôn) nói như luyến tiếc.
Giờ đây, chiếc xe ngựa vẫn là kế sinh nhai của đồng bào Khmer nghèo ở Bảy Núi. Ông Chau Sinh, một chủ xe ngựa ở xã Vĩnh Trung, chia sẻ: “Dẫu không còn đắt khách như ngày trước nhưng chính những chuyến xe ngựa đã giúp gia đình tôi sống qua ngày và lo cho ba đứa con ăn học”.
Có lẽ chính điều đó khiến chiếc xe ngựa của đồng bào Khmer Bảy Núi tiếp tục tồn tại và tạo nên một nét văn hóa giao thông độc đáo trong thời hiện đại.
Nguyễn Huỳnh
Bình luận (0)