Cơ quan là nhà
Những ngày TP.Đà Nẵng căng thẳng chống dịch Covid-19, hàng triệu con tim khắp mọi miền đất nước đã hướng về Đà Nẵng, hình ảnh xúc động trước những khu vực phong tỏa bệnh viện đã trở thành biểu tượng của tình người giữa tâm dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, lòng người Đà Nẵng luôn rộng mở, chẳng ai nói ai câu nào nhưng họ cùng ý chí: “Đà Nẵng tình người, không bỏ rơi ai trong lúc hoạn nạn…”.
Đối với chúng tôi, những phóng viên (PV) đưa tin trực tiếp ở tâm dịch Covid-19 ở Đà Nẵng, những ngày đeo đuổi tin tức để có thể cập nhật sớm nhất những thông tin chính thống nhằm tuyên truyền, đính chính những thông tin sai lệch gây hoang mang dư luận trong thời điểm này, cánh phóng viên chúng tôi đã túc trực ghi nhận thực tế tại các khu vực phong tỏa như: bệnh viện, khu dân cư, khu cách ly tập trung. Công việc của mình chúng tôi muốn tìm những câu chuyện, hình ảnh chân thật nhất để đáp trả những thông tin không đúng trong thời điểm căng thẳng vì dịch bệnh Covid-19. Cuối tháng 7.2020, lúc thành phố biển xinh đẹp chính thức thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cũng là lúc cánh PV chúng tôi tự bảo vệ mình mà vẫn làm nhiệm vụ tốt nhất.
|
Còn nhớ, lúc 0 giờ ngày 28.7, ba bệnh viện lớn tại Đà Nẵng cùng khu dân cư lân cận bệnh viện đồng loạt phong tỏa ngăn ngừa lây lan dịch bệnh Covid-19, chúng tôi đã túc trực trước cổng bệnh xuyên đêm để ghi nhận những nỗ lực của cơ quan chức năng và sự hợp tác của người dân thực hiện “nội bất xuất ngoại bất nhập”.
Đêm muộn, giữa những gió hè nặng hơi sương, trong lúc chờ đến 0 giờ để tác nghiệp cập nhật trực tiếp phong tỏa khu vực rộng giữa trung tâm thành phố, tôi nhận được cuộc điện thoại của lãnh đạo văn phòng động viên, dặn dò nhiều điều trước khi lao vào cuộc chiến xuyên đêm này.
Ngồi ở vỉa hè Bệnh viện C Đà Nẵng (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), Nhà báo Vũ Phương Thảo (Trưởng đại diện VP Báo Thanh Niên tại miền Trung) hỏi tôi qua điện thoại rằng: “Em đã ăn tối chưa? Chị làm bánh mì mang qua nhé?”. Đồng hồ lúc này đã điểm 22 giờ tối. Hiện tại, tất cả các cửa hàng ăn uống đều đóng cửa theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Gần cuối cuộc điện thoại, tôi mới biết lãnh đạo văn phòng vẫn chưa ăn tối, vì khối lượng nội dung các tỉnh đổ về cuối ngày quá lớn, biên tập tin bài đến tận khuya, bữa tối của chúng tôi đồng thời điểm và thậm chí say việc đến mức chẳng còn nhớ mình đã ăn tối hay chưa.
Trong thời điểm Đà Nẵng “đóng cửa”, tôi là đứa được các anh chị quan tâm nhiều hơn bởi lẽ bản thân chưa có gia đình, cơm nước và ăn ngủ đối với tôi giản đơn. Cũng vì thế, ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tôi đã xung phong xin lãnh đạo đi và chốt ở những điểm nóng.
|
Vào thời điểm căng thẳng này, các cơ quan, công ty đều cho nhân viên văn phòng làm việc tại nhà nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Vài lần nghe tôi tâm sự vừa thuê được căn trọ nhỏ để sinh hoạt, ngủ tạm qua đợt dịch bệnh Covid-19 này. Bởi lẽ, tôi sống với mẹ cùng ông bà ngoại, khi đã ác nghiệp khắp nơi, nguy cơ nhiễm bệnh khá cao nên việc thuê phòng trọ tự cách ly là phương án bảo vệ gia đình và cộng đồng ngay lúc này.
Ấm lòng siêu thị dã chiến
Trong cuộc họp trực tuyến báo cáo công việc hằng ngày, lãnh đạo Văn phòng miền Trung đã động viên anh em rất nhiều và một thông báo khiến ai nấy cảm thấy yên lòng và vô cùng xúc động. Chị Vũ Phương Thảo thông báo: “Có nhiều nơi vì sợ lây lan nên đóng cửa cơ quan, trong hoàn cảnh này họ quan ngại là đúng. Tuy nhiên, văn phòng chúng ta sẽ luôn mở để các anh chị quay về, dù là quay về từ nơi nguy hiểm. Văn phòng đã chuẩn bị những nhu yếu phẩm cần thiết như: mì tôm, phở, xúc xích, lương khô, viên C sủi… để mọi ăn khi không kịp nấu cơm mang theo. Đây gần như là “siêu thị dã chiến” phục vụ các PV trong tâm dịch Covid-19. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ liên hệ, nhờ hỗ trợ từ Hội Nhà báo TP.Đà Nẵng cấp phát cơm hằng ngày cho mọi người trong thời gian sớm nhất”.
Trong cuộc họp trực tuyến, chúng tôi đã thống nhất với phương án sẽ thay phiên nhau tác nghiệp, nhằm đảm bảo sức khỏe trong thời điểm làm việc cật lực. Thế nhưng, ngày mai khi khối lượng công việc quá lớn, ai nấy cũng phải mặc đồ bảo hộ, lao vào tâm điểm. Tôi còn nhớ như in lời lãnh đạo văn phòng khiến mọi người lặng đi: “Các anh chị chống lệnh, làm ngược lại với phương án cuộc họp ban đầu đưa ra nhưng sao thấy thương anh em quá”.
|
Ngày nhóm phóng viên tác nghiệp ở tâm dịch Đà Nẵng đi lấy mẫu xét nghiệm, lãnh đạo Văn phòng đã nhường suất đăng ký xét nghiệm Covid-19 của mình để anh em chúng tôi là những người đầu tiên được lấy mẫu ở Đà Nẵng.
Sau đó rất lâu, đơn vị Báo Thanh Niên mới có thêm suất xét nghiệm Covid-19, lãnh đạo Văn phòng đã lùi lại phía sau, như những gì họ đã thầm lặng quan tâm, đồng hành và thể hiện tình thương với chúng tôi.
Cuối cùng, sau bao vất vả làm sạch bệnh viện, khu dân cư, Đà Nẵng không có ca nhiễm mới. Đến 0 giờ 8.8, cổng Bệnh viện C được mở ra, kết thúc thời gian dài phong tỏa chống dịch Covid-19. Hòa chung cùng niềm xúc động của y bác sĩ và bệnh nhân, khi vừa nhập xong tin gửi về tòa soạn. Ngồi lặng bên vỉa hè, tôi nghĩ rằng: “Dù là cuộc chiến có cam go, khó khăn, nỗi đau có lớn bao nhiêu thì khi đồng lòng, quyết tâm sẽ chiến thắng tất cả. Nếu cho tôi được chọn thì tôi vẫn muốn xông pha như những ngày qua và không hối hận. Được cảm nhận, được cầm bút kể và được đồng hành cùng những người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 đó là sứ mệnh và là điều may mắn. Hãy cùng nhau góp chút sức nhỏ cùng đẩy lùi dịch bệnh”
Đến ngày 5.9, Đà Nẵng chính thức bình thường trở lại, chúng tôi những người làm báo được ngồi lại với nhau, lẫn trong lời tâm tình là những khóe mắt rưng rưng. Giờ đây, được thỏa thích la cà, ăn uống những món mình thích nhưng tôi vẫn nhớ mãi ly mì tôm ngày Đà Nẵng đóng cửa ở “siêu thị dã chiến”.
Trải qua những khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, được chứng kiến hết những cung bậc tình cảm của những người xa lạ, của tình quân dân, của tình đồng nghiệp… mới thấu hiểu rằng khó khăn khiến chúng ta xít gần nhau hơn, tình yêu thương hiện diện khắp nơi.
Bình luận (0)