Tại sao phụ nữ thường bị cướp giật?
Từng tham gia nhiều vụ bắt cướp giật túi xách, hỗ trợ công an trong công tác điều tra và phòng chống tội phạm, anh Hồ Văn Tuấn Anh (27 tuổi) - Câu lạc bộ phòng chống tội phạm SBC Q.12 - Q.9 - Q.Thủ Đức cho biết những món đồ sang trọng có giá trị cao như điện thoại túi xách dễ khiến người ta nổi lòng tham. Nhưng không vì thế mà những chiếc túi vải bình thường lại bị... bỏ qua vì vậy chị em phụ nữ cần hết sức cảnh giác khi ra đường.
|
Anh cũng cho biết thêm, địa điểm hay xảy ra cướp giật nhiều nhất là ở các trụ ATM, Làng đại học (Q.Thủ Đức, TP.HCM), siêu thị, khu vui chơi... Phụ nữ thường trở thành nạn nhân của những vụ cướp giật vì phụ nữ chân yếu tay mềm, thường đi một mình và khó bám theo những kẻ cướp giật. Đàn ông khỏe mạnh hơn nên việc đuổi theo nếu bị cướp cũng dễ dàng hơn.
|
Theo anh Tuấn Anh, phụ nữ cũng hay mất cảnh giác. “Phụ nữ đa số đến ATM rút tiền sau đó để vào ví mà không biết là đã bị để ý, theo đuôi. Tuy nhiên, nhiều trường hợp kẻ cướp giật chỉ cần thấy phụ nữ mang túi là hành động”, anh nói.
Nhiều chị em phụ nữ khi có cuộc gọi đến lúc thường lấy điện thoại ra nghe giữa đường. Những kẻ cướp giật có thể đã theo dõi từ trước, chỉ cần thấy ai đó sơ suất là ra tay. Không những vậy, chúng còn có thể đi theo để cướp xe.
Không giằng co với kẻ cướp giật
Từ hàng loạt vụ cướp giật tài sản mà nạn nhân là phụ nữ, anh Tuấn Anh cũng lưu ý thêm phụ nữ ra đường nên hạn chế mang theo túi xách. Nếu xe có cốp thì nên để đồ vào cốp xe, tiền nên cho vào túi và khi có cuộc gọi đến nên tấp vào lề đường để nghe điện thoại.
Trong trường hợp bị cướp giật bất ngờ, nạn nhân nên hô to lên vì những kẻ cướp giật thường thủ sẵn giao, xịt hơi cay. Không cố gắng truy đuổi, giằng co hay bám theo tên cướp vì điều này rất nguy hiểm. “Khi la lớn, người dân ở gần đó nghe thì sẽ hỗ trợ đuổi theo, đó là cách để tránh thương tích nặng vì tài sản mất rồi có thể mua lại nhưng tính mạng, sức khỏe quan trọng hơn”, anh nói.
|
Từng là nạn nhân của một vụ cướp giật, chị Nguyễn Thị Hoàng An (20 tuổi) kể lại những ngày đầu đi làm, đường sá chưa quen, nên đi đâu cũng phải dùng ứng dụng Google Maps trên điện thoại di động. Chị kể hôm đó, đi được một quãng đường thì nghe tiếng xe nẹt pô xe máy phía sau, thoáng chốc thấy có bàn tay lướt qua giật lấy điện thoại của chị.
“Thật lòng lúc đấy tôi không hiểu chuyện gì xảy ra, khoảng 3 giây sau tôi mới biết là mình vừa bị cướp hụt. Lúc đấy tay tôi nắm chặt lấy điện thoại, chắc cũng do có linh cảm sẽ không an toàn. Cũng may là lúc đấy tên cướp đi một mình, lái xe một tay nên chỉ còn một tay giật điện thoại nên mới hụt. Sau khi định thần lại thì tôi run tay lẩy bẩy luôn, sợ đến tái xanh mặt”, chị kể.
Từ đó về sau, hễ phải dùng điện thoại ngoài đường, chị An luôn quan sát xung quanh. Thấy chị em phụ nữ nào mang túi xách chị An cũng nhắc nhở.
Cũng từng bị giật hụt điện thoại, chị Mai Thị Ngọc Huyền (22 tuổi) kể lại vụ việc. Hôm đó, khi đang đi trên đường, chị tấp vào lề mở điện thoại để xem bản đồ. Đường khá đông, một thanh niên chạy xe máy lách lên vỉa hè, chộp lấy điện thoại chị đang cầm trên tay. Rất may là chị cầm chắc vào móc khóa điện thoại nên kẻ cướp chỉ kịp cào trên tay chị mấy đường dài rồi chạy mất.
“Đến khi xe của tên cướp khuất dạng, mình mới hoàn hồn, tự nhủ sẽ hạn chế dừng lại xem điện thoại khi đang đi trên đường nữa. Mình cũng nghĩ đến việc dùng thêm một chiếc điện thoại cũ để sử dụng trong những trường hợp bất đắc dĩ ngoài đường”, chị chia sẻ.
Bình luận (0)