Đó là những cán bộ chiến sĩ quân đội, hộ dân, công nhân viên khí tượng - hải đăng, giáo viên và cả những nhà sư ra giữ linh hồn dân tộc trên quần đảo từ bao nhiêu năm nay...
tin liên quan
Phụ nữ đan áo len tặng chiến sĩ ở Trường SaMột hoạt động mang nhiều ý nghĩa vừa diễn ra vào hôm nay tại Đà Nẵng. Hơn 100 phụ nữ cùng nhau đan áo gửi tặng chiến sĩ Trường Sa.
Vợ chồng ngư phủ
|
|
Tháng 3.2006, vợ chồng Trường - Ái (Cam Đức, Cam Lâm, Khánh Hòa) cưới nhau và hì hụi lập nghiệp từ chiếc ghe nhỏ chuyên đánh bắt ven bờ. Ban đầu Trường lãnh việc chạy ghe cho vợ thả lưới.
Khi đã dần quen, Ái đảm nhiệm luôn việc chèo lái, chạy máy mỗi khi chồng phải lên bờ chăm vườn cây thuê. Lênh đênh sông nước hơn 1 năm, vợ chồng sinh cậu con trai đầu Thái Nguyễn Nhật Quân Trường và đến 10.2012, cô con gái Thái Ngọc Thảo Tiên chào đời.
Sống ở địa bàn có rất nhiều gia đình bộ đội Trường Sa, những thông tin về biển đảo cứ tích dần trong đầu mỗi ngày, Ái nói với chồng: “Mình còn trẻ, nên xin ra ngoài đó làm nghề biển, đặng giúp đỡ và chia sẻ với bà con - bộ đội”.
Dắt nhau lên huyện nộp đơn tình nguyện ra Trường Sa, về phấp phỏng cả tháng bởi không biết kết quả ra sao và nhất là hàng xóm, bạn bè không ít người khuyên can. Thấy chồng phân vân, Ái cương quyết: “Dân mình sống ngoài đó bao năm nay. Mình là người của biển, sống được đến bây giờ cũng nhờ biển nên phải có trách nhiệm. Anh mà không đi, thì còn gì là dân Cam Ranh gắn bó với bộ đội hải quân cả đời”.
Tháng 4.2013, đơn tình nguyện xin ra sinh sống ngoài Trường Sa của vợ chồng Trường - Ái được cấp trên chấp nhận và tháng 6.2013, cả gia đình nhỏ 4 người theo tàu 936 bắt đầu hành trình 5 ngày đêm vượt bão biển ra Trường Sa. Đến bây giờ Ái vẫn giữ nguyên cảm xúc của mình khi nhìn qua ô cửa phòng ở thấy đảo Trường Sa mờ mờ hiện ra bằng chớp sáng đèn biển lúc tang tảng sáng: “Cứ nghĩ cũng phải lớn như Bình Ba. Ai dè nhỏ vậy”. Thời điểm ấy, sóng gió rất to, tàu phải neo phía ngoài chờ biển êm cập cảng nên gia đình cứ thay nhau ghé cửa sổ ngắm quê mới và mong hết sóng lên bờ.
tin liên quan
Lá lành đùm lá rách: Một ngư dân nghèo bị nạn ở Trường SaNhững ngày qua, ngư dân thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) vẫn luôn ngóng tin anh Võ Thành Được, ngư dân tàu cá QNG 95807 bị co giật cấm khẩu khi đang hành nghề ở ngư trường Trường Sa.
Những ngày đầu chưa quen cuộc sống ngoài đảo, bọn trẻ con vất vưởng vì ốm. Hằng ngày Ái chăm con, nấu nướng và cặm cụi cuốc đất trồng rau, nuôi gà vịt trên mảnh đất sau nhà. Trường miết mải đánh bắt cá và ngoài số cá bán cho tàu thu mua, họ còn phân phát cho những hộ dân, các đơn vị đứng chân trên TT.Trường Sa. Quen nắng gió, nên bọn trẻ con lớn nhanh như thổi, quần áo chả mấy chốc chật căng, Ái lại phải nhờ bà con trong bờ mua đồ, gửi tàu - máy bay ra đảo. Dịp vừa rồi nghỉ phép về bờ thăm gia đình chòm xóm, tụi trẻ con cứ lăn ra ốm vặt, nhưng khi hết phép ra đảo, tụi nhỏ tỉnh queo và lại chạy nhảy tung tăng.
Bà con thị trấn đùa: “Gia đình này gộc Trường Sa rồi”, khiến vợ chồng Trường - Ái cười ngượng nghịu: Ngoài này yên bình, trong lành, vào bờ chịu không nổi vì đông đúc, chật chội và ồn ã. Ở một ngày nên nghĩa, nữa là gắn bó mấy năm trời, cho đời con cháu có quê hương mới ngoài khơi…
|
Người lái đò trên biển
Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Tống Văn Tùng 37 tuổi, quê ở H.Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã có hơn chục năm gắn bó với biển Trường Sa. Lẩn mẩn bấm đốt tay, Tùng kể: Liên tục từ năm 2005 - 2007 làm nhiệm vụ trên đảo Sơn Ca; năm 2008 công tác trên đảo Đá Tây; tháng 4.2009 ra bám trụ trên đảo Len Đao gần xịch với bãi Gạc Ma bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ hồi tháng 3.1988 và đến tháng 8.2010 chuyển công tác trên bờ, đến tháng 12.2011 mới quay lại công tác trên tàu 996 (Hải đội 411, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) chuyên làm nhiệm vụ chở quân, vận tải quân sự từ Cam Ranh ra Trường Sa - nhà giàn DK1.
6 năm công tác trên tàu, Tùng cùng đồng đội liên tục đi biển, có năm đến cả chục chuyến, mỗi chuyến trên dưới 20 ngày nên rành từng sải biển, rặng san hô, độ nông sâu mép xanh con nước. Nhiều chuyến sóng cấp 7 - 8 đẩy con tàu 996 cũ kỹ như bao diêm trên mặt nước, tàu chạy vòng vèo tránh sóng với tốc độ 1 - 2 km/giờ và bộ đội nằm la liệt vì say sóng, mệt mỏi, Tùng - với kinh nghiệm sống ở đảo, làm trên biển lụi hụi nấu cháo, nắm cơm chia cho từng người, như thể chị nuôi.
tin liên quan
Chuyện tình lính Trường Sa: Dằng dặc giữa đảo và bờ(TNO) Nói chuyện 'tình yêu người lính' cảm động nhất là những mối tình của lính đảo Trường Sa (Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân). Những câu chuyện tình yêu của họ cũng dằng dặc cùng thời gian ngoài đảo - trong bờ, mà không phải ai cũng có thể tưởng tượng ra.
Vợ của Tùng là Lê Thị Thanh Thương (27 tuổi, quê Thanh Hóa) hiện đang công tác tại Bệnh viện đa khoa khu vực Cam Ranh (Khánh Hòa). Thương trắng trẻo, hoạt bát và đặc biệt không bao giờ kêu ca nửa lời cho dù từ khi cưới nhau đến nay một mình cô chăm lo nhà cửa, nuôi cậu bé Bảo Nam năm nay 4 tuổi, vò võ trong căn nhà nhỏ, sâu hun hút ở ngõ tập thể bệnh viện.
Giữa tháng 12.2016 mới đây, trung úy Tùng ra đảo Song Tử Tây làm nhiệm vụ dài ngày. Buổi chiều chồng ra quân cảng Cam Ranh lên tàu 571 ra đảo, Thương cố tỏ ra bình thường như bao chuyến công tác đi biển khác của chồng. Chỉ khi tàu chuẩn bị rời bến, cô mới ào ra cổng gác ngoài căn cứ quân sự Cam Ranh ngóng về cảng cách đó cả chục ki lô mét và bật khóc, nước mắt chảy tràn.
Buổi chiều hôm đấy, riêng cậu con trai Tống Bảo Nam được đặc cách đưa vào cảng tiễn bố. Rắn rỏi và cương nghị như những người lính đang đứng tràn boong tàu 561, 571, 936 vẫy tay chào đất liền ra đảo thay quân, Bảo Nam không hề khóc mà chỉ im lặng ôm chặt lấy bố Tùng, tay bíu chặt vào bờ vai vững chãi và thảng thốt: “Bố đi công tác, xong về với con nhé” khiến những người lính tiễn đoàn cũng im lặng, thiêng liêng.
Tùng bảo chúng tôi: “Năm nay, vợ chồng dự định sinh cháu thứ 2. Em có thể lấy lý do này khác để ở bờ. Nhưng nếu ai cũng làm như mình thì ai ra giữ đảo, trông gác Trường Sa thân thương?”.
“Mình thành người Trường Sa rồi, không thể chia xa”. Câu nói này, chúng tôi nghe rất quen không chỉ ở gia đình hộ dân Thái Nhật Trường - Nguyễn Bình Phương Ái, anh bộ đội Tống Văn Tùng… mà còn thấy rành mạch trong trái tim của triệu triệu người Việt, luôn hướng tới Trường Sa.
Bình luận (0)