Những 'ông Tây' đến Việt Nam chỉ thích nhặt rác

30/05/2018 13:06 GMT+7

Người ta đã quen với Benjamin James Park hay James Joseph Kendall, những ‘ông Tây thích nhặt rác’ ở Hà Nội. Ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác của Việt Nam cũng có nhiều người nước ngoài có sở thích lạ lùng như vậy.

Người ở Việt Nam đã 10 năm, người mới tới đất nước này không lâu, nhưng họ có một điểm chung là quan tâm tới môi trường muốn làm cho nơi này xanh hơn, sạch hơn.
Chàng trai Nam Phi dễ mến
Nhiều chuyến nhặt rác ở Hà Nội, Nam Định, TP.HCM, Đồng Nai, Đà Lạt… đều thấy Himkaar Singh rất năng nổ tham dự. Chàng trai có nước da ngăm đen rất có năng khiếu sư phạm khi vào vai thầy giáo chia sẻ với trẻ em ở nhiều địa phương về vai trò của nước, cách bảo vệ nguồn nước, làm sạch môi trường nước.
Himkaar Singh 25 tuổi, đến từ Cộng hòa Nam Phi, anh đang học thạc sĩ về tài nguyên nước tại Đức. Himkaar Singh tới Việt Nam tham gia một khóa học trao đổi tại Trường Đại học Thủy lợi, Hà Nội. “Ở Việt Nam nguồn nước phong phú nhưng đang bị biến đổi, ô nhiễm, tôi mong muốn được học hỏi, vận dụng nhiều kiến thức về vấn đề này”, Himkaar Singh nói.
Himkaar Singh nhiều lần dọn dẹp rác ở TP.HCM. Ảnh Thiên Hà
Trong những chuyến nhặt rác, làm sạch nguồn nước, giáo dục cho trẻ em ở nhiều địa phương Himkaar Singh từng đi qua, anh luôn nhấn mạnh: “Vấn đề ô nhiễm ở Việt Nam lớn, nhưng từ kinh nghiệm của tôi, tôi nghĩ nó sẽ có giải pháp. Tôi tin tưởng rằng giáo dục, nhận thức của mọi người phát triển sẽ giúp môi trường xanh, đẹp trở lại. Tôi tham gia một số buổi dọn dẹp vì muốn chứng minh rằng tất cả mọi người có thể làm thay đổi thế giới xung quanh”.
Dù sống ở Việt Nam hay Cộng hoà Nam Phi, Himkaar Singh đều tích cực tái chế rác thải, đồng thời sử dụng rác hữu cơ từ nhà bếp để làm phân compost, vì theo anh lý giải: “Chúng ta nên cần thay đổi cái chúng ta vẫn nghĩ về rác thải. Rác là tài nguyên”.

Nói với Thanh Niên động lực để anh gắn bó với công việc dọn dẹp môi trường ở Việt Nam không thù lao, Himkaar Singh đáp: “Khi tôi dọn dẹp, tôi cũng đang nói cho cho mọi người cách giảm thiểu rác thải. Chúng ta phải bắt tay vào làm, đừng chờ đợi có ai đó thúc giục. Hãy nhìn vào những trẻ em, tương lai của chúng ta, bạn muốn chúng sẽ lớn lên trong môi trường như thế nào?”.
Himkaar Singh sẽ ở lại Việt Nam cho tới tháng 9.2018, sau đó, anh sẽ tới Jordan cho một khoá học về quản lý nguồn nước. Anh bộc bạch: “Việt Nam rất thân thiện, tôi nhận được nhiều lời mời tham gia các buổi tiệc trà và tôi rất thích. Tôi tin người trẻ Việt sẽ có nhiều năng lượng để cải thiện vấn đề môi trường đang là điểm nóng”.
Người bạn từ nước Anh
Trong khi đó, Peter Cornish đến từ London, Vương quốc Anh, chưa đến 40 tuổi nhưng người đàn ông này đã từng làm việc ở nhiều quốc gia trước khi về Việt Nam.
Được mời về Việt Nam làm việc cho một công ty không liên quan môi trường, nhưng nhận thấy vai trò trách nhiệm của mình trong việc làm sạch nơi mình sống, 4 năm trở lại đây, Peter Cornish đã đặc biệt quan tâm đến các vấn đề rác thải. Anh đang giữ vai trò quản trị fanpage Clean Up Vietnam (tổ chức phi chính phủ, mục đích bảo vệ môi trường) với nhiều hoạt động thiết thực, làm sạch rác tại các tỉnh thành từ Bắc vào Nam.
Những bạn trẻ của Clean up Vietnam đang nỗ lực để Việt Nam xanh hơn. Ảnh nhân vật cung cấp
Bên cạnh đó, Peter cũng đang tham gia một doanh nghiệp xã hội tại TP.HCM, một phần lợi nhuận của doanh nghiệp này sẽ được phục vụ cho các công việc tham gia làm sạch rác thải, giảm thiểu, tái sử dụng… tại nhiều địa phương.
Peter Cornish từng tham gia nhiều buổi gom rác thải tại nhiều nơi công cộng ở Việt Nam, vận động nhiều học sinh, sinh viên, nhân viên các nhà máy, người dân các khu chung cư cùng tham gia. Clean Up Vietnam cùng Peter Cornish đã tổ chức nhiều buổi học, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ về tái chế, giảm thiểu, tái sử dụng, để cuộc sống xanh hơn.
Peter (thứ 2 từ phải qua) và những người bạn tại TP.HCM. Ảnh Thiên Hà
Người đàn ông đến từ London chia sẻ: “Tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, rác thải từ việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần ngày càng nhiều. Tuy nhiên, có thể giảm thiểu việc này bằng cách chính chúng ta nên điều chỉnh. Hãy nói không với túi nhựa, ly nhựa hoặc ống hút nhựa… nếu đi ăn uống ở bên ngoài”.
Peter Cornish cũng cho hay, công việc dọn rác thải đều không mang lại cho anh lợi nhuận, tuy nhiên đều khiến anh cảm thấy hạnh phúc vì: “Khó có thể thống kê những lợi ích, hiệu quả những gì chúng tôi đã làm, nhưng sự thay đổi lớn nhất đó là về ý thức. Những hiểu biết, kiến thức của mọi người dân Việt Nam về rác thải, sự nguy hại, giải pháp… sẽ dần dần mang đến những kết quả khả quan”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.