Mùa dịch Covid-19 khiến nhiều nhiều hàng quán lao đao vì lượng khách đến quán ăn giảm đi hẳn. Không những phải đối mặt với khó khăn về tài chính khi nguồn thu nhập giảm, những người phục vụ, bán hàng còn là những người có nguy cơ bị lây nhiễm Covid-19 vì phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng đến từ nhiều nơi.
Sợ dịch nhưng không bán thì 'chết vì đói'
Bên cạnh lượng khách lớn mua đồ ăn mang về thông qua các shipper, quán súp hàu Cô Chi (hẻm 419 Phan Xích Long, Q. Phú Nhuận, TP.HCM) vẫn có khách đến ăn tại quán. Tuy buôn bán chậm hơn ngày thường và lượng khách không ổn định nhưng trong tuần cũng có vài ngày khách đông bù cho những ngày vắng.
|
|
Bà Trần Thị Chi (65 tuổi, chủ quán súp hào) cho biết từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, bà đã chủ động mua thêm nước rửa tay diệt khuẩn để thực khách đến quán rửa tay trước khi ăn.
“Chủ yếu là ở mình, mình sợ thì mình đeo khẩu trang vào chứ khách đến ăn thì chỉ đeo khẩu trang ở ngoài đường, chứ lúc vào bàn ăn làm sao đeo khẩu trang được. Mình nhắc khách rửa tay mỗi khi khách gọi món ăn thôi. Dịch thì ai cũng sợ, nhưng mình là người bán, khách đến thì mình phải phục vụ thôi”, bà Chi bộc bạch.
|
Anh Châu Gia Huyền (chủ quán hủ tiếu người Hoa ở chợ Thiếc, Q.11, TP.HCM) cho hay anh cũng như những người buôn bán khác, muốn có thêm khách để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Nhất là trong mùa dịch Covid-19, khi lượng khách mua hàng giảm sút thì “có khách đến mua là mừng rồi”.
“Tôi cũng không thể biết được khách hàng có ai nhiễm bệnh không, nhưng giờ bán thì vẫn phải bán thôi chứ nghỉ bán thì chưa chết vì dịch mà chết vì đói rồi”, anh nói.
'Cố gắng bảo vệ bản thân tốt nhất có thể'
Trước tình hình dịch chuyển biến phức tạp, vì đặc thù công việc phải tiếp xúc với nhiều người hàng ngày, những người bán hàng chú ý hơn trong khâu vệ sinh hàng quán sau khi khách ra về.
|
Chị Hằng, nhân viên tại quán súp hàu Cô Chi, cho biết để bảo vệ bản thân thì chị và những người làm khác thường đeo khẩu y tế và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn thường xuyên sau khi dọn bàn. Quán cũng trang bị thêm cồn để lau bàn sau mỗi đợt khách.
“Giờ công việc thì vẫn phải làm thôi, giờ khách đến không lẽ mình không tiếp hay bắt người ta mua mang về, giờ chỉ mong tình hình dịch bệnh chuyển biến tốt hơn”, chị Hằng bộc bạch.
“Ở cửa hàng thì để thêm nước rửa tay này kia để phòng dịch vừa bảo vệ khách vừa bảo vệ bản thân. Người ta ăn xong thì mình dọn dẹp thôi chứ cũng không nghĩ đến chuyện sẽ bị lây nhiễm bệnh”, chị Trần Thị Phượng (chủ quầy bánh Huế ở chợ Bàn Cờ, Q.3, TP.HCM) chia sẻ.
Chị Du (19 tuổi) làm phục vụ tại một quán ăn cho hay vì đang trong thời gian nghỉ học nên đi làm phục vụ để kiếm thêm thu nhập. Chị cũng biết việc bản thân mình có thể vô tình trở thành F2, F3 nếu người mang mầm bệnh đến quán. Để bảo vệ bản thân chị Du luôn đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và nhắc khách rửa tay trước khi ăn.
Bình luận (0)