Những sứ mệnh mới của NASA

13/01/2018 21:12 GMT+7

Sứ mệnh mới nhất của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ sẽ đáp phi thuyền robot lên mặt trăng Titan của sao Thổ hoặc thu thập mẫu vật từ lõi của một sao chổi phù hợp.

Đáp tàu du hành lên Titan hoặc đuổi theo sao chổi là hai trong nhóm 12 kế hoạch được đệ trình lên chương trình New Frontiers (tạm dịch: Các biên giới mới) của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) trong thời gian tới.
Trong dự án đầu tiên, gọi là Dragonfly, tàu robot có bề ngoài giống thiết bị bay quadcopter (dạng 4 bộ cánh) được lắp đặt các thiết bị có năng lực xác định những phân tử sinh học cỡ lớn. Được mô tả là dạng sứ mệnh chưa từng triển khai trước đây, quadcopter có thể bay đến nhiều địa điểm cách nhau hàng trăm ki lô mét để nghiên cứu phong cảnh trên bề mặt Titan.
Titan, mặt trăng băng giá và đến nay vẫn là vệ tinh tự nhiên lớn nhất của sao Thổ, có khí quyển dày đặc, còn hồ và sông chứa mê tan lỏng. Giới khoa học hiện đặt nghi vấn về sự tồn tại có thể của một đại dương nước bên dưới lớp vỏ đóng băng của thiên thể.
Trưởng nhóm nghiên cứu Elizabeth Turtle của Phòng Thí nghiệm vật lý ứng dụng thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết môi trường trên Titan chứa chấp các thành tố của sự sống. Nếu triển khai được Dragonfly, họ có thể đánh giá mức độ phát triển của tiến hóa tiền sinh học, tức dạng vật liệu tồn tại trước khi sự sống có thể sinh sôi, trên mặt trăng của sao Thổ.
Dự án thứ hai mang tên CAESAR, viết tắt từ Thám hiểm lấy mẫu sinh học vũ trụ sao chổi, theo đó một phi thuyền sẽ được cử quay lại 67P/Churyumov-Gerasimenko, thực thể từng được tàu du hành Rosetta của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) xoay quanh từ năm 2014 đến 2016. Sau khi tái hợp với thiên thể có kích thước cỡ núi Phú Sĩ, CAESAR sẽ lấy mẫu từ bề mặt và gửi về trái đất theo dự kiến vào tháng 11.2038.
NASA từng lấy mẫu sao chổi trước đó, cụ thể là sứ mệnh của tàu du hành Stardust, thu thập bụi từ đầu sao chổi Wild 2. Tuy nhiên, CAESAR sẽ là sứ mệnh đầu tiên lấy vật chất từ bề mặt băng giá của thiên thể đầy bí ẩn của hệ mặt trời.
“Sao chổi nằm trong nhóm thiên thể vô cùng quan trọng về khía cạnh khoa học của hệ sao của chúng ta, nhưng oái oăm thay lại thuộc nhóm ít có thông tin nhất”, theo tờ The Washington Post dẫn lời trưởng nhóm điều tra dự án Steve Squyres của Đại học Cornell (Mỹ).
Các nhà nghiên cứu cho rằng chính các sao chổi đã mang theo nước và những phân tử sinh học đến trái đất thuở sơ khai, vì vậy nhiều khả năng góp phần quan trọng cho nguồn gốc của sự sống. Mẫu lấy từ 67P/Churyumov-Gerasimenko sẽ bao gồm những phân tử “bất ổn” có thể dễ dàng bay hơi, nhưng lại cung cấp những điểm mấu chốt trong nỗ lực tìm hiểu cội nguồn và lịch sử của chúng.
Hai dự án trên đã bước vào giai đoạn nghiên cứu khái niệm, trước khi NASA quyết định chọn ra sứ mệnh giành được sự đồng thuận nhiều nhất vào tháng 7.2019. Kế đến, phi thuyền liên quan sẽ được phóng lên không gian vào khoảng năm 2025.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.