Nhường đất cho thủy điện, dân sống khổ ở khu tái định cư

20/12/2019 07:36 GMT+7

Sau 7 năm đến khu tái định cư để nhường đất cho công trình thủy điện Hủa Na (xã Đồng Văn, H.Quế Phong, Nghệ An), cuộc sống của người dân vẫn rất chật vật vì chưa có đất sản xuất.

Trong khi đó, đất rừng được cấp lại nằm trong vùng cấm khai hoang, việc bồi thường đất vẫn chưa xong.

Cấp đất, nhưng không được trồng cây

Thủy điện Hủa Na được khởi công năm 2008. Tại đây có 14 bản vùng lòng hồ thuộc 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ với 1.362 gia đình phải di dời đến 13 điểm tái định cư ở các xã Đồng Văn, Thông Thụ, Tiền Phong. Nhà máy này đã phát điện từ năm 2013, nhưng quyền lợi của người dân bị mất đất vẫn đang lơ lửng.
Năm 2012, gia đình anh Lương Văn Ha có 6 người ở xã Đồng Văn phải bỏ bản cũ để lên khu tái định cư, nhường đất cho thủy điện Hủa Na. “Trước khi đi, phía thủy điện hứa nơi ở mới sẽ tốt hơn nơi ở cũ, đất sản xuất cũng sẽ được cấp đầy đủ cho dân”, anh Ha nói.
Lên nơi ở mới, gia đình anh Ha được cấp 800 m2 đất ven đồi để làm nhà ở, 1.000 m2 đất trồng lúa và năm 2013 được cấp thêm 1 ha đất rừng để sản xuất. Khi anh Ha mang dao lên phát 1 ha đất rừng này để trồng keo thì bị kiểm lâm ngăn cản vì đây là khu vực cấm chặt phá. Cùng chung cảnh ngộ, gia đình anh Lô Văn Tiến, hàng xóm với anh Ha, cũng được cấp 1 ha rừng, nhưng không sản xuất được vì bị cấm.
Sau 7 năm đến khu tái định cư, ông Vi Văn Quốc, Bí thư chi bộ bản Huồi Muồng (xã Tiền Phong, H.Quế Phong), cho biết người dân ở bản này vẫn chưa nhận đất nông nghiệp để sản xuất vì quá xa nhà. “Khi còn ở bản cũ, chúng tôi thấy họ quy hoạch đất ruộng gần khu tái định cư, nhưng khi đến rồi, đất lại được chia cách nhà 8 km nên không ai nhận”, ông Quốc nói.
Không có đất làm ăn, gạo hỗ trợ cũng hết nên 114 hộ dân ở bản này đã phải tự đi khai hoang, làm ruộng nước ở ven suối để sinh sống. Việc khai hoang này bị huyện ngăn cấm, nhưng vì thiếu đất mưu sinh nên đến năm 2016, dân vẫn kéo nhau vào rừng khai hoang. Ở bản này, mỗi hộ dân cũng được cấp 1 ha đất rừng. Có 60 hộ dân đã phát cây để trồng keo ngay sau khi nhận đất, số còn lại chưa kịp phát thì có lệnh cấm chặt phá rừng.
Theo báo cáo của UBND H.Quế Phong, trong số hơn 950 ha đất rừng đã giao cho dân để trồng cây hằng năm thì có hơn 238 ha đang còn rừng tự nhiên phải giữ lại theo Chỉ thị số 13 ngày 12.1.2017 của Ban Bí thư, người dân không được chặt phá cây rừng, khai hoang để sản xuất. Do đó, những hộ dân này chỉ được khoanh nuôi, bảo vệ rừng đã giao đất với tiền thù lao mỗi năm 400.000 đồng/ha. Ông Bùi Văn Hiền, Phó chủ tịch UBND H.Quế Phong, cho biết tiền thù lao nói trên là quá thấp, nhưng địa phương không còn quỹ đất để giao thay thế hơn 283 ha này.

Dùng dằng bồi thường đất

Theo thỏa thuận giữa UBND H.Quế Phong và Công ty CP thủy điện Hủa Na (chủ đầu tư thủy điện), phương án đền bù đối trừ đất giữa nơi ở cũ và nơi ở mới cho người dân là áp dụng cho từng loại đất (đất ở, đất nông nghiệp, đất rừng). UBND H.Quế Phong đã lập xong phương án và Công ty CP thủy điện Hủa Na đã chi gần 11 tỉ đồng để H.Quế Phong chi trả cho 261 hộ dân của 5/13 điểm tái định cư. Tuy nhiên, 8 điểm tái định cư còn lại chưa được đền bù thì tháng 5 vừa qua, Công ty CP thủy điện Hủa Na gửi văn bản đến UBND tỉnh Nghệ An đề nghị đổi phương án đối trừ đất bằng cách xác định tổng giá trị các loại đất tại nơi đi để bù trừ tổng giá trị các loại đất tại nơi đến. Nghĩa là gộp tất cả các loại đất nông nghiệp, lâm nghiệp để tính toán đối trừ chênh lệch giá trị.
Phương án trên của Công ty CP thủy điện Hủa Na đã bị người dân phản ứng vì họ sẽ bị thiệt thòi. Lãnh đạo H.Quế Phong cũng cho rằng, việc đối trừ như vậy là không phù hợp với quy định của pháp luật, không nhất quán trong thực hiện chính sách và UBND H.Quế Phong đã có 4 văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An đề nghị sớm có văn bản hướng dẫn đối với đề nghị của Công ty CP thủy điện Hủa Na.
Từ tháng 7.2019 đến nay, Sở TN-MT và UBND tỉnh Nghệ An đã có 2 văn bản gửi Tổng cục Quản lý đất đai và Bộ TN-MT đề nghị hướng dẫn việc đối trừ đất này. Đại diện Sở TN-MT tỉnh Nghệ An, UBND H.Quế Phong cũng đã trực tiếp ra làm việc với Tổng cục Quản lý đất đai. Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND H.Quế Phong, đến nay huyện vẫn chưa nhận được phản hồi của Bộ TN-MT để thực hiện chi trả bồi thường cho dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.