Nơi độc nhất ở Sài Gòn bánh xe ô tô cũ không bỏ đi

13/03/2017 09:41 GMT+7

Con hẻm chỉ rộng khoảng 3m nhưng lại khá dài, từ đầu hẻm đã thấy rất nhiều lốp xe ô tô cũ được chất thành từng đống, cao quá đầu người.

Xuất hiện ở Sài Gòn hơn 50 năm qua, nghề tái chế lốp ô tô cũ đã trở thành nghề mưu sinh chính của hàng trăm người dân, giúp họ có được việc làm ổn định, thu nhập khá, và không ít người đã làm giàu hiệu quả.
Những người thợ cần mẫn với việc tái chế vỏ xe - Thực hiện: Lưu Trân
Hầu hết mọi người đều cho rằng rác thải, phế liệu là những thứ bỏ đi nhưng đối với những hộ dân sinh sống trong “hẻm cắt cao su” (506 Lạc Long Quân, phường 5, quận 11, TP.HCM) thì đó chính là kế sinh nhai.
Con hẻm chỉ rộng khoảng 3m nhưng lại khá dài, từ đầu hẻm đã thấy rất nhiều lốp xe ô tô cũ được chất thành từng đống, cao quá đầu người. Ông Nguyễn Đức Thịnh (38 tuổi) cho biết gần hết dân khu này đều thu mua cao su cũ về rồi tái chế thành sản phẩm mới để bán.
Lốp ô tô cũ, vỏ cao su được chất thành từng đống cao là hình ảnh đầu tiên nhìn thấy khi ghé đến “hẻm cắt cao su” (506 Lạc Long Quân, phường 5, quận 11, TP.HCM)
Cũng theo lời ông Thịnh, nghề này có từ trước 1975 và làm đến nay. Người dân chủ yếu tận dụng lốp ôtô cũ làm dép cao su. “Ông già tui kể cái thời vừa hòa bình, có ông Ba Cường nghĩ ra cách cắt lốp xe để làm thành nhiều thứ như máng heo, miếng dù, ghếch, bọc lót cho lốp ôtô khách… Nhiều người học theo ổng rồi phát triển thành nghề luôn, gọi vui là nghề “thợ cắt”. Giờ không rõ ổng mất rồi hay chuyển đi chỗ khác ở nữa”, ông Thịnh kể.
Công việc cụ thể của các "thợ cắt" này là thu mua vỏ ô tô cũ từ khắp nơi về, sau đó đem cắt ra thành từng miếng tùy theo kích cỡ để làm các vật dụng như giày, dép cao su hay chậu trồng cây, hoặc đem xay thành bột (ứng dụng trong công nghiệp) để bán cho các đại lý ở chợ Tân Thành và nhiều đại lý ở tỉnh lẻ trên khắp cả nước.
Hiện nay, vỏ cao su chủ yếu được tái chế làm thắng đùm (bố đùm) sử dụng cho xe máy
Ghé vào cơ sở tái chế lốp ô tô của ông Trần Văn Chín (44 tuổi), tôi được tận mắt chứng kiến sự khéo léo của bàn tay những người thợ và hiệu quả mà nghề mang lại cho người dân. Khoảng sân rộng của gia đình ông xếp đầy lốp ô tô, 3 chiếc máy cán mỏng cao su, 1 máy cắt, 1 máy đóng lỗ.
Quan sát một “thợ cắt” làm việc, công đoạn đầu tiên là mài dao với nước lạnh và đá mài, sau đó cắt lốp ô tô theo chiều kim đồng hồ. Để việc tạo hình sản phẩm được dễ dàng và đúng kích cỡ, các “thợ cắt” đem số cao su vừa cắt được cho vào máy cán mỏng. Chiếc máy này có một trục quay, sử dụng bằng sức người, và đặc biệt là do chính ông Chín chế tạo ra.
Ông Chín cho biết, lốp ô tô phế liệu chủ yếu thu mua của các hộ kinh doanh, người thu mua lẻ, trừ chi phí những lao động trong cơ sở của ông thì mỗi người cũng có lời từ 3.000.000 – 5.000.000/tháng. Gia đình ông là một trong rất nhiều hộ tái chế cao su, làm theo công nghệ thủ công do cha ông truyền lại, quy mô không lớn nhưng phù hợp với đồng vốn của nhiều hộ dân trong khu vực.
Hai chiếc máy cán mỏng cao su, hoạt động bằng một trục quay thủ công do ông Trần Văn Chín tự chế tạo.
“Nghề này quan trọng nhất là phải có sức khỏe tốt để có thể dùng xà beng hoặc chân đế làm mềm lốp ôtô cũ trước khi tái chế ra các sản phẩm cao su khác. Bởi vậy nên chỉ có đàn ông mới làm chứ hiếm khi có phụ nữ theo nghề này lắm”, ông nói thêm.
Được biết, trung bình mỗi ngày “thợ cắt” có thể kiếm được từ 400.000 - 500.000 đồng/người, mức thu nhập cao và khá ổn định đối với người lao động tay chân. Ông Chín nói thêm, một lốp xe cũ có thể tái chế cho ra hơn 20 đôi dép, 100 cái bố đùm làm thắng xe máy và có thể xay thành hạt bán cho các thương lái.
Ông Trần Vĩnh Trình (37 tuổi) cho rằng nghề “thợ cắt” khá nặng nhọc, rủi ro tai nạn lao động là việc rất dễ xảy ra bởi các dụng cụ sử dụng trong qua trình cắt cao su đều là vật bén nhọn “nếu mình bất cẩn là bị thương ngay”, ông Thịnh bộc bạch.
Chiếc máy đóng lỗ hoạt động bằng tay, dành cho những sản phẩm nhỏ, cần sự tỉ mỉ
Ngoài những nguy hiểm do dụng cụ lao động gây ra, việc hàng ngày phải làm và sống chung bên cạnh đống chất thải cao su khiến nghề tái chế lốp ô tô cũ được coi là nghề độc hại. Bởi nó không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân..
Ông Trình kể, trước đây khi nghề tái chế lốp ô tô cũ mới nở rộ, nhiều hộ sản xuất ý thức rất kém, dù đã ghi rõ điểm cấm đổ rác nhưng họ vẫn lợi dụng khi trời tối, ít người qua lại đem rác ra đổ trộm. Những ngày thời tiết oi bức, những "núi phế liệu" ở các hộ làm nghề bốc mùi khó chịu, lại thêm khói từ những đống rác bị đốt bừa bãi khiến không khí càng thêm ngột ngạt.
Người dân sống trong khu vực phải làm đơn phản ánh lên chính quyền yêu cầu “dẹp” các cơ sở tái chế cao su này. “Một thời tụi tui cũng lao đao lắm chứ. Chính quyền làm đúng, họ ghi nhận ý kiến phản ánh của người dân nên cũng xuống kiểm tra gắt gao lắm”, ông Trình nhớ lại.
Nghề tái chế lốp ô tô cũ đã giúp nhiều người có được việc làm ổn định, thu nhập khá, thậm chí làm làm giàu thành công
Cuối cùng, vì muốn tiếp tục duy trì nghề để kiếm sống, tất cả các hộ mới đưa ra phương án là cứ 5 hộ trong “hẻm cắt cao su” sẽ phải thành lập được một đội dọn vệ sinh môi trường, người dân tự đóng góp kinh phí hoạt động. Các đội tổ chức dọn vệ sinh từ 2 đến 3 lần/tuần, để đảm bảo vệ sinh môi trường và sinh hoạt của người dân.
Bên cạnh đó, UBND quận 11 cũng có những biện pháp đồng bộ, cụ thể để nghiêm cấm, xử phạt hành vi xả rác bừa bãi, tăng cường kiểm tra hộ làm nghề, hướng dẫn họ không thu mua những sản phẩm độc hại, nguy cơ cao, đồng thời xây dựng những bãi rác thải hợp quy chuẩn để bảo vệ môi trường.
Có thể nói, nghề thu mua, tái chế cao su phế liệu đã làm thay đổi bộ mặt đời sống người dân nơi đây. Nhà cao tầng, nhà kiên cố mọc lên ngày càng nhiều, thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng đáng kể, số hộ nghèo hầu như không còn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.