Nơi độc nhất Sài Gòn người ta nói chuyện với nhau toàn bằng giọng Huế

16/05/2018 09:33 GMT+7

Đặt chân vào khu này, bạn sẽ dễ dàng nghe được giọng Huế đặc sệt không pha lẫn, mọi người gọi nhau là “o” (cô), là “mệ” (bà) nghe thật thân thương, những ai chưa quen sẽ phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần mới hiểu được.

Được lòng người miền trong
Dọc đoạn đường Nguyễn Ảnh Thủ (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn), không khó để nhìn thấy có rất nhiều cửa hàng, quán ăn của người Huế. Đây cũng là địa chỉ khá quen thuộc của những ai “nghiện” món Huế tìm đến khi muốn thưởng thức hương vị của vùng đất cố đô.
VIDEO: Khám phá nơi độc nhất ở Sài Gòn người ta chỉ nói giọng Huế
Không sầm uất như chợ Bà Hoa của người Quảng Nam (Q.Tân Bình), cũng không nhộn nhịp như các khu chợ khác ở TP.HCM, chợ Huế ở H.Hóc Môn mang đậm “chất” riêng của mình, một phong cách Huế không thể nhầm lẫn vào đâu được.
Khi vào khu này, không khó để nghe những tiếng í ới gọi nhau, đặc sệt giọng Huế.
Các món ăn đặc trưng như bánh canh chả cua, bún mắm nêm, bánh bột lọc… cũng được những o Huế nấu đúng vị gốc.
Đặt chân vào khu này, bạn sẽ dễ dàng nghe được giọng Huế đặc sệt không pha lẫn, mọi người gọi nhau là “o” (cô), là “mệ” (bà) nghe thật thân thương, những ai chưa quen sẽ phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần mới hiểu được.

Chị Nghiêm Thị Hồng Loan (45 tuổi), sinh sống gần khu vực này chia sẻ, khi mới tiếp xúc với người Huế nghe họ nói khá khó hiểu, tiếp xúc lâu dần thành quen. Giống như các món đặc sản Huế như: bún hến, cơm hến, bún nghệ, bánh lọc, mè xửng… mới đầu ăn không hợp vị lắm, nhưng ăn hoài rồi “nghiện” luôn.
Cái duyên với đất Sài Gòn
Đường Bà Điểm 6 (đường nhỏ đi vào từ đường Nguyễn Ảnh Thủ) có thể nói là nơi tập trung nhiều người Huế nhất, đoạn đường này cũng là nơi khu chợ Huế hình thành và phát triển.
Khoảng 90% những tiểu thương bán hàng ở khu này là người Huế. Những ai có điều kiện, tài chính dư dả hơn thì thuê sạp để bán bên trong chợ, số ít còn lại bán hai bên đường.
Chợ Huế không bán “cao lương mỹ vị” mà chủ yếu là các món ăn dân dã, ai cũng có thể mua, ai cũng có thể chạm được. Dầu tràm, mè xửng, mắm nêm, tôm chua và các món ăn quen thuộc như: bún nghệ, chả cua, bánh canh bột gạo, bánh bột lọc, bún bò… đã in sâu vào tâm trí người dân nơi đây, tất cả đều có đầy đủ, hầu như không thiếu thứ gì.
Bà Hoàng Thị Thu (67 tuổi) đã rời Huế để vào Sài Gòn cách đây gần 30 năm nhưng bà vẫn giữ giọng Huế gốc không pha lẫn
Cứ 6 giờ sáng mỗi ngày, khu này người Huế bắt đầu nhộn nhịp, nghe giọng nói, mùi thơm đặc trưng của đồ ăn là người ta lại nao nao lòng nhớ Huế.
Chị Nguyễn Thị My (45 tuổi, quê Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) cho biết rằng trước đây nhiều người vào trước, sau đó thấy làm ăn ở đất Sài Gòn dễ kiếm tiền hơn ngoài quê nên mới đưa cả gia đình vào đây sinh sống.

Theo những người buôn bán trong chợ, người Huế gặp được nhau tại vùng đất xã Bà Điểm này cũng là cái duyên, lúc trước tiền thuê nhà ở đây thuộc loại rẻ nhất thành phố nên họ tập trung xung quanh đây để thuê nhà trọ, buôn bán nhiều mặt hàng. Sau một thời gian, khu này đông người Huế tập trung nên lập ra chợ Huế.
Bà Hoàng Thị Thu (67 tuổi, quê Thừa Thiên-Huế), người đã chọn rời xa vùng đất kinh kì để ngược xuôi vào TP.HCM kể lại: “Trước đây còn trẻ tôi thường buôn bán quanh chợ Đông Ba nhưng không mấy khả quan. Giờ tôi vào đây đã gần 30 năm rồi, từ lúc khu người Huế này chưa hình thành. Lúc ấy vẫn còn nhiều người dân bản địa sinh sống, sau đó họ chuyển đi nơi khác ở và cho thuê lại nhà nên vài người chúng tôi thuê một căn phòng nhỏ ở chung, loanh quanh đoạn này để buôn bán mưu sinh”.
Sau nhiều năm cặm cụi làm ăn, bà Thu cũng đã mua được một miếng đất nhỏ, nuôi con ăn học đàng hoàng, có việc làm ổn định. Vậy nhưng bà Thu vẫn giữ giọng nói đặc sệt chất Huế và sự điềm đạm của con người Huế trong từng lời nói, hành động.
Bún bò Huế trứ danh, lưu truyền từ đời này sang đời khác. Để tránh mạo danh bún bò Huế, những ai kinh doanh đều phải đăng kí thương hiệu.
Phận mưu sinh nơi đất khách quê người không ganh đua, khinh trọng giàu nghèo, mà chỉ có tình đồng hương tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống.
Với những người Huế xa quê, được thưởng thức những món ăn ngon chính gốc quê nhà của mình là điều hạnh phúc.
Chị Nguyễn Thị Cưng (32 tuổi) cũng cho biết, bản thân chị cũng chỉ mới vào TP.HCM 5 năm trở lại đây vì ở ngoài quê khó khăn, không làm gì ra tiền. Khi nghe nói có khu người Huế trong này nên chị đã “khăn gói” lên đường vào buôn bán, cho đến giờ chị đã có chồng, có con và cuộc sống cũng dần ổn định.
Những con người ở vùng đất Huế xa quê vào thành phố lập nghiệp luôn mong muốn được thưởng thức những món ăn ngon, muốn nghe lại giọng Huế đặc trưng, muốn tìm kiếm chút gì đó “rất Huế” ở nơi đất khách quê người này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.