Nông dân Sài Gòn trồng hoa Tết 'năm Covid': Đã mang lấy nghiệp...

11/02/2021 08:21 GMT+7

Khó khăn do dịch Covid-19 vẫn không khiến các chủ vườn hoa ở P.Thới An (Q.12, TP.HCM)... bỏ vụ hoa Tết dù bấp bênh. Nhiều gia đình để tiết kiệm chi phí đã chia việc trong nhà với nhau, hy vọng có một cái Tết đủ đầy.

'Thành cái nghiệp rồi, không bỏ được!'

Bà Trịnh Thị Kim Lan (46 tuổi) trồng hoa hơn 20 năm nay cho biết với 3 công đất chất đầy các chậu hoa đủ loại, bà Lan và gia đình  bắt đầu gieo giống từ tận tháng 8. “Năm rồi tôi trồng gần 11 thiên, mỗi thiên tương ứng 1.000 chậu. Năm nay tôi giảm còn 8 thiên vì dịch bệnh kinh tế khó khăn sợ ít người mua”, bà Lan chia sẻ.

Những cây dù như “vị cứu tinh” của người nông dân khi họ làm việc suốt ngày ngoài trời nắng

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

Năm nay, bà Lan chỉ trồng khoảng 8.000 chậu hoa phục vụ Tết 

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

“Làm gì làm cũng không bỏ hoa Tết được”, bà Đoàn Thị Cúc (59 tuổi, ngụ Q.12) bộc bạch

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

Khu đất chứa 4.000 chậu hoa tết của ông Trịnh Văn Đức (70 tuổi, ngụ Q.12)

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

Ông Đức chọn cúc Đà Lạt, dừa cạn, mào gà để trồng cho Tết

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

“Năm rồi bán ế, đến giao thừa chở về nhà một mớ còn lại đập bỏ luôn, vất vả quá mà lời không có nhiêu, thêm cái dịch bệnh nữa nên năm nay định nghỉ khỏe. Ai ngờ tới tháng 8 thấy ai cũng rục rịch mua chậu, làm đất là mình lại nôn, tay chân bắt đầu “ngứa ngáy”. Nhà có sẵn bóng đèn, dây điện, chậu hoa rồi ống nước, bỏ cũng tiếc nên chúng tôi lại lấy ra trồng tiếp. Vậy nên có bỏ nghề được đâu”, bà Lan cười nói trong khi đôi bàn tay vẫn thoăn thoắt làm việc.
Bà cho biết mình và con cái đều xem khu đất trồng hoa là “ngôi nhà thứ hai”, hễ đi làm đi đi học thì thôi, về đến thì chạy ra phụ cái này cái kia. Có ngày vợ chồng bà tưới hoa giữa trời nắng gắt, về đến nhà chỉ biết ngã ngang vì mệt nhưng lại rất vui vì “đứa con tinh thần” của mình luôn được chăm sóc chu đáo.
Giọng đầy lạc quan, bà Lan nói thêm: “Làm ăn trong mùa dịch hồi hộp, lo lắng thiệt nhưng tôi yêu nghề “làm đẹp cho đời” này, ba ngày tết cũng phải có hoa để chưng rồi cúng ông bà nữa chứ. Không có đất mình cũng chạy kiếm cho có để làm, như cái nghiệp rồi không bỏ được dù có dịch hay không. Có chăng thì giảm số lượng để cảm thấy an tâm xíu thôi”.
Bà Đoàn Thị Cúc (59 tuổi, ngụ Q.12) là nhân công làm việc tại vườn hoa của bà Lan, ngồi gần đó nói thêm: “Trước đây tôi cũng trồng hoa nhưng 3 năm nay không còn đất trồng nên chuyển sang làm thời vụ. Tôi như “mối” quen của bà Lan rồi. Dù năm nay dịch bệnh nhưng tôi vẫn nôn đến mùa để đi làm, dù là chủ hay làm công thì cũng không bỏ hoa tết được”.

Tin tổng hợp dịch Covid-19 ngày 10.2: Ổ dịch Tân Sơn Nhất vẫn lây nhiễm phức tạp

"Tết mà không trồng hoa thì cũng không biết làm”

Cách khu trồng hoa của bà Lan không xa, ông Trịnh Văn Đức (70 tuổi) với hoa 4.000 chậu hoa Tết cho biết ông bắt đầu gieo hạt từ đầu tháng 10 âm lịch, mỗi ngày gia đình ông đều ra cắt tỉa, tưới nước và theo dõi quá trình sinh trưởng của hoa. Khi tôi hỏi ông đã có kinh nghiệm mấy mùa hoa tết, ông đáp gọn lỏn: “Đâu có nhiêu đâu, chừng ba mươi mấy năm hà!”.

Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

Ông Đức luôn nhẹ tay với những chậu hoa của mình

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

Anh Trịnh Minh Tân (38 tuổi, con ông Đức) nhận phần tỉa hoa cho vườn hoa của ba

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

Ông Đức luôn lạc quan vào vụ hoa Tết

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

Ông Đức cho biết mỗi khi tới vụ khá cực nhưng lúc nào ông cũng thấy vui. Mỗi năm ông đều trồng các loại hoa khác nhau, những năm trước là hướng dương, hoa hồng, vạn thọ, còn năm nay ông chuyển qua cúc Đà Lạt, dừa cạn, mào gà.
Ông gọi việc trồng hoa tết năm Covid là “liều mạng”. “Giờ tết mà mình không trồng hoa thì cũng không biết làm gì khác vì quen việc rồi, không bỏ được”, ông Đức nói thêm.
Bà Nguyễn Thị Cúc (64 tuổi), vợ ông Đức cho biết: “Có 4.000 chậu nên hai vợ chồng với thằng con trai chia nhau mỗi người một việc, như tôi thường cắt tỉa hoa cúc, vô giỏ hoa hay làm các việc vặt khác. Như vậy gia đình tôi không cần mướn thêm người, thời buổi dịch bệnh nên đỡ phần nào hay phần đó”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.