Nóng trên mạng xã hội: Ca nô 0 đồng giúp người miền Trung giữa lũ dữ

17/10/2020 10:16 GMT+7

Trong khi rất nhiều đoàn từ thiện đổ về miền Trung để trao tiền, nhu yếu phẩm ... thì một nhóm bạn trẻ TP. Đà Nẵng cũng hướng về Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Nhưng thứ mà họ mang theo là không giống ai: ca nô và thuyền...!

Ngỏ lời chở quan tài

Anh Trần Đăng Vinh (Đà Nẵng) là người thành lập một nhóm ca nô từ Đà Nẵng ra với người dân vùng lũ Quảng Trị khi mưa lũ vừa ập đến. Trên trang cá nhân, anh chia sẻ câu chuyện: Cách đây vài ngày, vào lúc chiều muộn, anh thấy một chiếc quan tài đặt bên mép nước, trong khi những người xung quanh vừa run rẩy vừa loay hoay đầy bối rối. Khi tiếp cận, nhóm của anh mới hay những người này có người thân vừa qua đời trong lũ dữ từ sáng sớm cùng ngày, nhưng sau 12 giờ đồng hồ xoay xở họ vẫn không biết cách nào đưa chiếc quan tài về nhà để khâm liệm cho người đã khuất. “Chúng tôi nhìn họ rất thương cảm, họ ướt từ đầu đến chân nhưng vì e ngại nên không mở miệng “nhờ” chúng tôi, buộc chúng tôi phải ngỏ ý trước. Các anh chị phải thấy họ ngạc nhiên như không tin vào tai mình là chúng tôi sẽ giúp”, anh Vinh kể.
Chiếc ca nô lao đi giữa vùng nước bạc và phải mất gần 45 phút mới đến nơi cần đến. Đó là ngôi nhà nhỏ đang bị nước lũ bủa vây tứ bề của bà Thái Thị Lý (61 tuổi, thôn Quy Thiện, xã Hải Quy, H.Hải Lăng). Bà Lý sống chung với người bố 85 tuổi. Sáng 13.10, bà không may bị té ngã rồi qua đời. Theo anh Vinh, nếu đi bằng đường bộ thì thời gian ít hơn, nhưng di chuyển bằng ca nô, len lỏi qua xóm làng, lại chở rất nặng nên mọi thứ không hề đơn giản. Anh em động viên nhau rằng cố giúp người đã khuất cũng là giúp cho người sống ấm lòng.

Từ Quảng Trị đến Huế vẫn chưa kết thúc

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Hải Quy, xác nhận tại địa phương đúng là có câu chuyện nêu trên. Ông Hùng cho biết mấy ngày qua thôn Quy Thiện bị nước lũ tấn công, việc vào ra đơn thuần của người dân cũng đã rất khó khăn, huống hồ là vận chuyển một quan tài. “Nếu sử dụng ghe bình thường, đi qua vùng nước xoáy và sâu thì có thể lật ghe, nguy hiểm đến cả tính mạng nên không ai dám chở”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, trong hoàn cảnh ngặt nghèo như thế thì sự xuất hiện của nhóm ca nô thiện nguyện đúng là một “giấc mơ” đối với người thân bà Lý. “Chỉ có ca nô và những người có bản lĩnh mới có thể dám chở quan tài đi giữa lũ như thế!”, ông Hùng nhận xét.
Theo anh Vinh, tại Quảng Trị, nhóm đã hoạt động hết công suất, chở hàng ngàn suất quà đến tận các nhà dân bị cô lập cách ly mà các phương tiện khác khó thực hiện được.
“Tròn 7 ngày dầm mưa ngâm nước lụt Quảng Trị, da bắt đầu nổi ngứa, đầu mấy ngày không gội, đến đoạn cuối giai đoạn cứu trợ trực tiếp lũ lụt thì sức lực cũng cạn kiệt”, anh Vinh cho biết. Tuy nhiên, ngay khi có thông tin cần ứng cứu từ những ngôi làng bị cô lập tại Thừa Thiên-Huế, nhóm đã không thể dừng lại. Theo đó, từ 15.10, nhóm đã có mặt và tiếp cận 1.400 hộ dân làng An Xuân (xã Quảng An, H.Quảng Điền), nơi ngập cao, con nước chảy xiết và các ghe thuyền không thể tới. Và khi đến nơi, nhận thấy tình cảnh của bà con, nhóm đã vượt dòng nước xiết để mang 1.400 suất nhu yếu phẩm sữa tươi trẻ em vào An Xuân.
“Đến giờ công việc của chúng tôi vẫn chưa kết thúc ở vùng lũ. Thậm chí ngay lúc này, ngày 16.10, trời lại mưa, nước đang lên. Nhưng những ngày qua là những ngày khó quên trong đời anh em chúng tôi. Chúng tôi xem việc giúp dân vùng lũ như một sứ mệnh”, anh Vinh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.