Nữ phu gạch miền Tây: Đánh đổi cuộc đời lầm than vì tương lai của con cái

12/07/2020 13:53 GMT+7

Vất vả, nặng nhọc, đánh đổi sức khỏe ... nhưng nhiều phụ nữ ở xã Nhơn Phú (H.Mang Thít, Vĩnh Long) vẫn bám trụ nghề phu gạch bởi đây sinh kế giúp họ có tiền lo cho gia đình và con cái ăn học đàng hoàng.

Nhờ gạch mà không tha phương cầu thực

Dưới nắng nóng rát da rát thịt, nhiều phụ nữ miền Tây vẫn miệt mài với công việc phu gạch. Như đã thành thói quen, chẳng ai bảo ai, mỗi người đảm trách một khâu để cho ra những viên gạch đúng chuẩn. Những viên gạch nặng trĩu được chuyền theo từng nhịp thở gấp đầy mệt nhọc. Mồ hôi nhễ nhại, ướt nhèm trên mặt và vai áo của những chị em ngày ngày “kiếm cơm” từ lò gạch.

Một công nhân đang vận hành máy để ép gạch

ẢNH: DUY TÂN

Gương mặt đỏ bừng vì nắng táp, dừng công việc một chút để trò chuyện, chị Nguyễn Hồng Nguyên (39 tuổi, ngụ xã Nhơn Phú, H.Mang Thít) cho biết nhờ nghề phu gạch mà nhiều chị em phụ nữ ở xã này có thu nhập mà không phải tha phương cầu thực. Riêng nhà chị có 4 chị em đều theo nghề này đã hơn 10 năm nay.

Thực hiện công đoạn cắt gạch

ẢNH: DUY TÂN

Theo chị Nguyên, đa số nhân công làm tại lò gạch là phụ nữ, tuổi đời đều ngoài 30. “Bốn chị em tôi nghèo khó, không có đất canh tác nên làm phu gạch. Nghề này thu nhập không cao nên người trẻ và cánh đàn ông đều chọn nghề khác hoặc đi làm công nhân tại các thành phố lớn. Chỉ có phụ nữ phải lo cho con và gia đình, không đi xa nên làm tại lò gạch để được gần nhà”, chị Nguyên nói.

Thu nhập theo mùa

Gia đình chị Nguyên vốn lắm khó khăn, chồng chị làm nghề hàn sà lan, thu nhập bấp bênh. Nhờ nghề làm gạch nên chị dành dụm được tiền lo cho hai con ăn học.
“Tuy nhiên, nghề này cũng có mùa. Mùa nắng nóng nhiều thì nghề làm gạch càng nhộn nhịp, thu nhập kha khá. Còn mùa mưa, chị em phải tìm thêm việc khác làm để trang trải cuộc sống và trông ngóng từng ngày được quay trở lại lò gạch”, chị Nguyên chia sẻ.

Công việc lắm nhọc nhằn do phải khiêng vác gạch đem phơi, suốt ngày phơi mình ngoài nắng nóng

ẢNH: DUY TÂN

Nhờ nghề phu gạch, nhiều chị em có thu nhập ngay tại chỗ, không phải tha phương cầu thực

ẢNH: DUY TÂN

Bốn chị em chị Nguyên làm khoán cho một lò gạch. Mỗi người phụ trách một khâu: Cho mê (đất) lên máy ép thành khuôn, cắt gạch theo tỉ lệ, đem phơi nắng, cho vào lò nung. Riêng khâu thu thành phẩm và vận chuyển gạch sẽ do nhóm phụ nữ khác đảm trách. Gạch sau đó được chất vào lò, mất khoảng 5 ngày để tải và dỡ gạch, 15 ngày để nung và 10 ngày để xây cửa lò và chờ gạch nguội. Sau khoảng 1 tháng nung, thành phẩm thu được khoảng 120.000 viên gạch.

Nữ phu gạch luôn phải làm việc trong thời tiết nắng nóng khắc nghiệt

ẢNH: DUY TÂN

Chị Nguyễn Thị Hồng Loan (40 tuổi, ngụ ấp Phú Thạnh A, xã Nhơn Phú) cho biết mỗi ngày nhóm 4 chị em bắt đầu công việc từ 7 giờ sáng đến 16 giờ, kiếm được 100.000 - 120.000 đồng/người.
“Tôi quen làm công việc chân tay rồi nên khi làm ở lò gạch không cảm thấy khó nhọc. Công việc tuy vất vả nhưng bù lại rất thoải mái, không bị áp lực như làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp. Khi nào mệt thì ra ngồi nghỉ chút xíu rồi vô làm tiếp thôi”, bà Loan bộc bạch.
Hằng ngày, những nữ phu gạch phải gồng mình ngoài nắng nóng để chất gạch đem phơi, mặt đỏ bừng, nám đen vì nắng táp... Chị Nguyễn Thị Hồng Đậm (37 tuổi) cho biết: “Nghề này tuy không cần kỹ thuật nhưng phải có sức khỏe tốt và kiên trì. Mỗi ngày phải liên tục từng khâu làm ra hàng ngàn viên gạch, rồi bốc vác đem phơi, đem vô lò... Làm quen rồi thì đỡ, chứ ai mới vô nghề chắc chịu không thấu vì đau nhức, ê ẩm mình mẩy. Sơ sẩy một chút xíu là bị gạch rơi trúng, dập tay, dập chân”.

Đằng sau những gánh gánh nặng là một niềm hy vọng lớn lao mong kiếm tiền nuôi con ăn học thành tài

ẢNH: DUY TÂN

Nhìn chị Ngô Hồng Vân (36 tuổi, ngụ xã Nhơn Phú) cõng hàng chục kg gạch trên đôi vai gầy, đi trên chiếc thang gỗ chông chênh dẫn lên ghe chở gạch, chúng tôi muốn “thót tim”. Chị Vân kể gia cảnh nghèo khó nên suốt hàng chục năm qua chị không còn cách nào khác ngoài việc gắn bó với công việc cõng gạch này. Cái nghề mà tưởng chừng như chỉ có cánh đàn ông mới có thể kham nổi.
“Lúc trước, tôi bưng gạch phía trước ngực chỉ được vài viên nên năng suất làm việc rất thấp. Giờ tôi đóng cái khiên, rồi cột dây để cõng gạch trên vai. Mỗi lần cõng ít nhất 50 viên gạch, mỗi viên nặng khoảng 1,3 kg. Làm việc này vừa cần sức khỏe, vừa cần độ bền mới trụ nổi”, chị Vân chia sẻ.

Thời hoàng kim đã qua

Làng gạch, gốm trải dài 30 km, thuộc hai huyện Mang Thít, Long Hồ và TP.Vĩnh Long (Vĩnh Long). Đây là làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm và nổi tiếng nhất miền Tây. Trong đó xã Nhơn Phú và Mỹ An của H.Mang Thít là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất gạch.

Ông Trần Thanh Lâm (50 tuổi, một chủ lò gạch ở H.Mang Thít) cho biết thuở trước nghề làm gạch thủ công còn thịnh vượng thì mỗi nhà sở hữu vài miệng lò. Lò gạch nằm san sát nhau nên vùng này được mệnh danh là “vương quốc” gạch ngói.

Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, “vương quốc” này trở nên điêu tàn, quá nửa số lò gạch đã ngưng hoạt động, rong rêu phủ kín bên ngoài. “Bây giờ giá cái gì cũng tăng từ chất đốt, nguyên liệu... nếu ai có vốn thì cầm chừng chờ thời. Lượng gạch bán ra giờ chịu sự cạnh tranh từ các lò hiện đại nên bán chậm lắm. Vì thế từ 4 lò thời điểm trước, tôi chỉ duy trì 2 lò. Số nhân công cũng xin nghỉ phân nửa để đi Bình Dương làm công nhân”, ông Lâm than thở.

Bà Huỳnh Thúy Hằng (45 tuổi) cho biết mỗi ngày bà cõng gạch từ sáng tới nhá nhem tối chỉ kiếm được hơn 100.000 đồng. Một phần tiền dùng mua thuốc đau nhức khớp nên tính ra không dư bao nhiêu. Những chị em phụ nữ làm việc tại lò gạch chỉ trang bị đơn giản gồm bao tay vải, nón lá và áo khoác che nắng. Ấy vậy khi bắt tay vào việc, ai cũng như quên rằng mình là phận chân yếu tay mềm.

Tuy vất vả, nhưng trên ai cũng vui vì có thu nhập ổn định để nuôi con

ẢNH: DUY TÂN

Đằng sau những gánh nặng ấy là cả một niềm hy vọng lớn lao. Tụ trung lại đều mong muốn lớn nhất của những nữ phu gạch là được trông thấy con cái học hành thành tài. Dù có đánh đổi cả cuộc đời lầm than, cơ cực, họ vẫn cam lòng. “Dù công việc vất vả nhưng tôi vẫn theo nghề phu gạch để nuôi con cái ăn học. Tôi có niềm tin rằng nếu các con mình được ăn học đến nơi đến chốn thì sau này sẽ không cực khổ tay chân như tôi”, chị Vân chia sẻ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.