Nữ sinh bị trêu 'con hoang' một mình chăm mẹ tâm thần, 10 năm học sinh giỏi

30/06/2018 13:43 GMT+7

Không có cha, từ dạo bà ngoại mất, chị gái đi lấy chồng, Trần Thị Lanh đã phải một mình chăm sóc người mẹ điên dại. Chỉ với 270.000 đồng trợ cấp xã hội mỗi tháng, em vẫn xoay xở được…

Chuyện về 1 đứa con vô thừa nhận
Ở thôn Thủy Ba Đông (xã Vĩnh Thủy, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị), chẳng ai không biết đến Lanh. Phần nhiều là vì cái cách mà em ra đời quả lắm…éo le.
VIDEO: Nữ sinh một mình chăm mẹ 10 năm vẫn là học sinh giỏi
Mẹ em, bà Trần Thị Phương (nay đã 44 tuổi), từng là một người phụ nữ bình thường nhưng khi lấy chồng và sinh ra Lê Thị Linh vào năm 1992 thì bỗng…đổ bệnh. Đó là 1 căn bệnh quái ác làm bà…hóa điên, đủ làm người đàn ông của bà hoảng sợ đến mức rứt áo bỏ vợ bỏ con đi biệt xứ.
Còn Lanh là một đứa trẻ vô thừa nhận. Em sinh ra vào năm 2002 mà không biết cha mình là ai, có chăng chỉ nghe tiếng xì xào của bà con chòm xóm về câu chuyện rằng mẹ em đã bị một người đàn ông trong làng xâm hại…
Hai mẹ con Lanh sống trong cảnh nghèo khó. ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Lanh cứ lớn lên như cỏ như cây, em vẫn đến trường mặc cho bao lời chọc ghẹo bủa vây, rằng em có 1 bà mẹ điên khùng và là 1 đứa con hoang. Em kể với tôi rằng, có những thời điểm em tự biến mình thành người câm điếc, lủi thủi từ trường về nhà và không quan tâm lắm đến điều tiếng người ta nói về mình, không thèm ngước lên nhìn những ánh mắt không biết là thương cảm hay dè bỉu mà người khác hướng về mình…
Năm 2012, người chị cùng mẹ khác cha với Lanh đi lấy chồng và lang bạt cùng chồng vào tận Đà Nẵng mưu sinh. Năm 2015, chỗ dựa gần như cuối cùng của Lanh là bà ngoại cũng đã về nằm với đất. Lanh vẫn còn 1 ông cậu nhưng cũng nghèo rớt mồng tơi.
Và từ đây, Lanh sống 1 mình cùng bà mẹ điên dại, với khoản tiền trợ cấp xã hội 270.000 đồng/tháng, em đã phải xoay xở để cả 2 có…cái ăn. “Thịt cá với mẹ con em là điều xa xỉ lắm, có gạo nấu ăn đã là tốt lắm rồi. Chủ yếu 2 mẹ con ăn cơm với rau ráng hái ở quanh nhà và quả bầu quả bí do cậu hoặc bà con chòm xóm cho để nấu canh”, Lanh thật thà nói.
Với 270.000 đồng/tháng tiền trợ cấp, Lanh vẫn xoay xở đủ kiểu cho mẹ và em có cơm ăn hàng ngày. ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Thật dễ hiểu, khi bước vào ngôi nhà “Đại đoàn kết” của 2 mẹ con, tài sản lớn nhất có lẻ là 2 chiếc giường, 1 cái quạt điện và mớ nồi niêu xoong chảo cũ xì…
Sống chập chờn theo những cơn điên của…mẹ
Thật khó khi 1 đứa trẻ sống cùng người điên nhưng sẽ khó hơn bội phận khi nó còn phải chăm sóc người điên ấy. Nhưng Lanh bảo: “Em quen rồi, đó là mẹ em chứ có phải ai xa lạ đâu”.
Quen ở đây là quen với những lần lên cơn điên loạn, mẹ Lanh lảm nhảm liên hồi về những điều không đầu cuối, quen với việc mẹ đập phá hết đồ đạc trong nhà, quen với việc mẹ dùng cây đánh em đến chảy cả máu đầu phải đưa lên trạm xá băng bó…Và cứ mỗi lần mẹ lên cơn, Lanh phải lựa chọn giữa việc bỏ chạy để tránh ăn đòn hoặc đứng lại, dùng sức vóc bé nhỏ của mình để ngăn mẹ làm điều sai trái trong lúc tâm thần không ổn định. Chưa hết, những ngày “buồn buồn” mẹ Lanh cứ đi lang thang đó đây, buộc em cùng bà con phải mướt mồ hôi đi tìm, có khi cách làng cả chục cây số.
Lanh luôn "quên" những lần điên dại của mẹ và nhớ những ngày mẹ bình thường, dễ bảo. ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Nhưng tưởng như Lanh không nhớ nhiều về những câu chuyện bạo liệt đó, em chỉ nhớ mẹ lúc mẹ đang bình thường và trở thành người…dễ bảo. Bà cũng biết bẻ củi nhóm bếp, quét dọn nhà cửa và tự chăm sóc vệ sinh bản thân. Bà cũng biết cười với Lanh khi Lanh cười với bà. Với Lanh vậy là đủ, dẫu có phải sống bao tháng ngày chập chờn theo từng cơn điên của mẹ…
Mùa hè này, Lanh chẳng có ý định gì ngoài việc ở nhà chăm mẹ. Đâu đó, người ta cũng bảo em đi làm thêm ở xưởng gỗ, phục vụ đám cưới nhưng với điều kiện là phải ở lại qua đêm, nên Lanh đành lắc đầu. “Mẹ em như vậy làm sao em bỏ bà mà đi”, Lanh nói. Vậy nên sáng chiều, em quẩn quanh lo cho mẹ 3 bữa cơm rau, bà khát thì em lấy nước, bà mỏi thì em bóp lưng, đến giờ thì em ép bà uống thuốc…
Từ lâu, việc lớn bé gì trong nhà cũng đều do 1 tay cô bé chưa tròn 16 tuổi này gánh hết. ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Việc học hành của Lanh kể ra nhiều người cũng ứa nước mắt. Rằng, thời gian học của em cũng rất khác với bạn bè cùng trang lứa, thường bắt đầu sau 21 giờ đêm, khi bà Phương đã yên giấc. “Chỉ có thời gian đó mẹ mới khỏi quậy”, Lanh bảo. Thế nhưng không phải lúc nào em cũng được “yên”. Hàng xóm của em kể rằng, em từng phải trèo lên mái nhà ôn bài lúc đêm khuya để kịp sáng mai kiểm tra giữa lúc mẹ lên cơn đập phá đồ đạc ở phía dưới…Vậy nên, ông Trần Văn Thành, cậu ruột của Lanh bảo: “Chỉ có con Lanh mới sống với mẹ hắn nổi chứ ai cũng chịu. Tôi đây là em ruột mà chăm bà Phương đôi ba bữa cũng phải phát điên theo bà luôn”.
Giấc mơ…làm bác sĩ
Cảnh nhà như thế nhưng hẳn mọi người sẽ choáng khi biết suốt 10 năm qua, Lanh luôn là học sinh giỏi toàn diện. Gần nhất, kết thúc năm học lớp 10 ở trường THPT Bến Hải (H.Vĩnh Linh) em đạt điểm tổng kết 8,6, lọt vào top ưu tú của lớp.
Lanh bảo rằng em may mắn vì học đến đâu…thầy cô thương đến đó, khi suốt ngần ấy thời gian em luôn được miễn giảm toàn bộ học phí, thậm chí em đi học thêm các thầy cô cũng không lấy tiền. Đến sách vở em cũng chẳng mua bao giờ vì luôn có người ta thương tình mà cho…
Góc học tập của Lanh cũng chính là trên chiếc giường cũ kỹ này. ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Góc họp tập của Lanh chính là cái giường mà em nằm ngủ. Một giá sách nhỏ cũng được đặt ở đó. Chẳng ai bảo ban, cứ đúng 21 giờ đem là em lại ngồi lên giường, lui cui đèn sách một mình. “Không có cơm ăn em không sợ, bạn bè trêu chọc em không sợ, em chỉ sợ mình bị như mẹ, không tỉnh táo để học hành mà thôi”, Lanh nói về một nỗi sợ mơ hồ.
Ông chú của Lanh cũng bảo bản thân ông cũng chẳng ngờ con Lanh đi học chứ đừng nói là học giỏi. Nhưng nỗi tự hào của ông sớm chuyển thành mối lo cho tương lai khi chỉ 2 năm nữa thôi, Lanh sẽ đi thi Đại học. “Nó mà đậu thì không biết tiền mô mà đi học và ai chăm mẹ hắn bây chừ”, ông Thành tự đặt câu hỏi đau đáu.
Giấc mơ của Lanh là được làm bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ và những người nghèo ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Nhưng những nỗi lo toan cơm áo ấy không thể gạt đi giấc mơ cháy bỏng được làm bác sĩ của Lanh. Hỏi vì sao, em nói, làm bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ và những người nghèo khác, không may gặp căn bệnh tâm thần quái ác này…
Chia tay mẹ con Lanh trong ráng chiều, ánh nắng nhợt nhạt phản chiếu vào gương mặt vô hồn của người mẹ điên dại. Ở cạnh bên, có một gương mặt trẻ hơn, nhưng cũng hằn bao nỗi lo toan của đời sống…Vậy mà, đến khi gần khuất bóng, em vẫn cố trao cho tôi 1 nụ cười như muốn nói: “Em vẫn ổn”.
 Anh Lê Thành Trung, Bí thư xã đoàn Vĩnh Thủy cho biết trường hợp của Lanh thuộc vào diện đoàn viên khó khăn bậc nhất của xã nhưng cũng là 1 tấm gương sáng để bạn bè cùng trang lứa noi theo. “Biết cảnh nhà của em như vậy, chính quyền và xã đoàn đã rất quan tâm, luôn dành cho em những suất quà từ thiện và giúp đỡ trong mọi lúc có thể. Tuy nhiên, sức vóc của địa phương chỉ ngang vậy…khó có thể lo được cho em một cuộc sống no đủ, tốt đẹp hơn”, anh Trung nói.
    
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.